(QNg)- Thời gian gần đây, rất nhiều chỉ đạo của Trung ương và địa phương về việc rà soát, tăng cường quản lý các dự án thuỷ điện. Việc làm này là cần thiết, nhằm đưa thủy điện phát triển đúng hướng, đảm bảo hài hoà lợi ích "3 nhà": Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Đại phẫu" thuỷ điện
Chỉ đạo của Chính phủ trong việc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi rà soát 18 thuỷ điện trong tổng số 26 thuỷ điện trên địa bàn tỉnh được nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ. Thực hiện sự chỉ đạo này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát, báo cáo kết quả để UBND tỉnh báo cáo Bộ ngành Trung ương và Chính phủ.
Toàn cảnh công trình thủy điện Hà Nang. |
Nội dung chỉ đạo bao gồm: Rà soát, đánh giá kỹ lại hiệu quả, tác động của dự án thuỷ điện đối với môi trường; thiết kế kỹ thuật đối với tất cả các dự án. Đối với dự án thủy điện đã vận hành phát hiện hoặc đang thi công tổng kết lại việc thực hiện các quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; bảo vệ phát triển rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời có biện pháp yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư các dự án phải trồng bù diện tích rừng theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh kiểm tra, xem xét kỹ năng lực của doanh nghiệp trước khi giao làm chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ. Kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.
Nhiều người dân vùng dự án thủy điện cho rằng, làm đúng chỉ đạo này của Trung ương chính là tỉnh đang tiến hành "đại phẫu thuật" lại các dự án thủy điện. Tức là rà soát, mổ xẻ, xem xét để mạnh dạn "cắt" những dự án thuỷ điện không nên thực hiện bởi chưa đảm bảo hài hoà lợi ích của cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa trong tháng 8/2012 đã ký hàng loạt công văn chỉ đạo Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp địa phương rà soát thật kỹ các dự án thủy điện, để tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ.
"Người trong cuộc" nói gì?
Để giải quyết những vấn đề một cách hiệu quả, những người có trách nhiệm phải đặt mình vào vị trí của người dân vùng dự án. Đây cũng chính là "kim chỉ nam" cho công tác tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án thủy điện khác khi triển khai thực hiện trên địa bàn.
Trao đổi vấn đề này, ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang tiến hành rà soát tất cả các dự án thủy điện để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý tình trạng dự án "treo", chậm trễ kéo dài. Đồng thời, phát hiện những dự án không thực hiện đúng cam kết với dân về tái định cư, định canh để tỉnh có biện pháp chỉ đạo". "Hành trình" rà soát này đang được Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng tiến hành, chậm nhất là trong tháng 9/2012 sẽ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
Đối với Sở NN&PTNT - cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức rà soát vấn đề định canh, định cư và trồng lại rừng trong vùng dự án thủy điện, ông Dương Văn Tô cho rằng: "Công tác tái định canh, định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, quy định bắt buộc trồng rừng bù phần diện tích rừng bị chặt đốn do làm thủy điện hầu như chưa có dự án nào tính đến. Những vấn đề này sẽ được Sở kiểm tra, báo cáo cụ thể với UBND tỉnh để xem xét, xử lý".
Về phía UBND tỉnh, bà Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký Công văn số 2892/UBND-CNXD ngày 22/8/2012 gửi các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tái định canh, định cư thủy điện Đackdrinh."Giao cho UBND huyện Sơn Tây phối hợp với chủ đầu tư dự án vận động nhân dân chấp hành di dời vào khu tái định cư tập trung; không được tái định cư tự do; yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thành khu tái định cư đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân phải di dời". Đó cũng chính là mong mỏi của người dân dự án thủy điện, là biện pháp hữu hiệu để hài hòa lợi ích "ba nhà" trong phát triển thủy điện ở Quảng Ngãi.
Thanh Nhị