“Thiệt - hơn” chuyện phát triển thủy điện ở Quảng Ngãi

10:09, 13/09/2012
.

(QNg)- Phát triển thủy điện nhằm đảm bảo nhu cầu về điện cho sản xuất và sinh hoạt là điều cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, để thủy điện phát triển đúng hướng, các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ.
 

Kỳ 1:  Quy hoạch nhiều, “treo” không ít



Được đánh giá "không có nhiều lợi thế" về thủy điện, nhưng hiện tại dự án thủy điện được phê duyệt để đầu tư thực hiện tại Quảng Ngãi xem ra chẳng thua kém gì các địa phương có thế mạnh! Thế nhưng hiện tại có hàng loạt dự án sau khi phê duyệt rồi "đắp chiếu" không thực hiện được. Một số dự án đang thực thi thì gặp phải muôn vàn khó khăn.

 


 
"Treo" dự án!

Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện nay có 26 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất lắp máy 438MW. Trong đó có 1 dự án công trình cấp I; 4 dự án công trình cấp II; 7 dự án công trình cấp III và 14 dự án công trình cấp IV. Đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã cho phép doanh nghiệp đầu tư thực hiện 24 dự án. Thế nhưng, hiện chỉ có 3 dự án thủy điện hoàn thành, đưa vào vận hành là thủy điện Hà Nang và thủy điện Cà Đú thuộc địa bàn huyện Trà Bồng và dự án Thủy điện sông Riềng (Tây Trà). Hai dự án đang thi công là: Thủy điện Đăkrinh ở huyện Sơn Tây; thủy điện Nước Trong (kết hợp thủy lợi) ở Sơn Hà và Tây Trà. Một dự án hoàn thành thủ tục nhưng chưa thi công là thủy điện Huy Măng (Sơn Tây). Còn lại 18 dự án khác hiện đang trong tình trạng "treo".

Thủy điện sông Riềng (Tây Trà) - một trong ba công trình đã đưa vào vận hành.
Thủy điện sông Riềng (Tây Trà) - một trong ba công trình đã đưa vào vận hành.


Vừa qua, Bộ Công thương đã có Văn bản số 6910/BCT-TCNL gửi UBND tỉnh yêu cầu tổ chức rà soát lại 18 dự án "treo" này. Đó là các dự án: Huy Măng, Đắk Ba, Sơn Tây, Tam Rao, Tầm Linh, Đăkrinh 2, Trà Bói, Thạch Nham, Pờ Ê, Nước Lác, Sông Tang 1, Sông Tang 2, Suối Kem, Sơn Trà 1, Sơn Trà 2, Trà Khúc 1. Cụ thể rà soát tình hình thực hiện, đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường - xã hội, sự phù hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn; kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch các dự án hiệu quả thấp, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, ảnh hưởng lớn đến các quy hoạch khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi, du lịch, an ninh quốc phòng.

Quyền lợi chính đáng của dân "lơ lửng"!

Các dự án thuỷ điện "treo" này đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân vùng dự án. Tại các đợt tiếp xúc cử tri ở các huyện có "thuỷ điện", cử tri than phiền về tình trạng đất đai bỏ hoang "nằm chờ" dự án. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, số hộ dân có đất, có nhà bị ảnh hưởng bởi 18 dự án treo cũng lên đến hàng trăm hộ. Cuộc sống của những hộ dân này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, công việc làm ăn phát triển kinh tế đều "rơi" vào thế thụ động, không biết trồng cây gì vì lo ngại dự án triển khai sẽ lại chặt bỏ.

Hiện tại trên địa bàn Quảng Ngãi có 2 dự án thuỷ điện đang tiến hành thi công. Đó là thủy điện Đắkrinh và Nước Trong. Cả 2 dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch phê duyệt. Trong đó, dự án thuỷ điện Đắkrinh có một số gói thầu do nhà thầu năng lực thi công không đảm bảo đã xảy ra chậm trễ nhiều tháng. Riêng thuỷ điện Nước Trong đến thời điểm này mặc dù có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, nhưng do có nhiều vướng mắc nên vẫn ì ạch. Chuyện di dân tái định cư của dự án này cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Địa bàn có nhiều dự án thuỷ điện nhất hiện nay là huyện Sơn Tây. Theo nhẩm tính, hiện tại huyện này phải "gánh" tới 9 dự án. Trong đó, có 1 dự án thuỷ điện hạng 1 là Đắkrinh (đang thi công). Còn lại 8 dự án khác đang "treo". Đối với dự án đang thực hiện này, người dân thuộc trường hợp phải di dời đến nơi ở mới hiện chưa được giải quyết. Còn với các dự án "treo", chuyện tính toán giải quyết quyền lợi cho dân lẽ đương nhiên là vẫn nằm trên... giấy. Một số quyền lợi của người dân vùng dự án đã bị các chủ đầu tư "khoanh lại" trong khi họ chưa nhận tiền bồi thường, chưa được hỗ trợ di dời, tái định cư nhưng quyền sử dụng đất của người dân đã gặp phải thì hạn chế nhất định. Già Đinh Văn Lin, ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) nói: "Việc làm thủy điện phải tính toán. Nơi nào làm đựơc thì làm, đừng cho phép làm tràn lan, đến lúc vướng mắc kéo dài, khổ và thiệt thòi cho dân vùng dự án nhiều lắm. Chỗ nào dự án chưa về thì cho dân trồng keo, trồng mì bán kiếm tiền mua gạo chứ!".


(Còn nữa)
Thanh Nhị

 


.