“Thiệt - hơn” chuyện phát triển thủy điện ở Quảng Ngãi - Kỳ 2: Hứa nhiều, làm ít

07:09, 16/09/2012
.

(QNg)- Chủ trương của Nhà nước khi xây dựng các công trình thuỷ điện là phải bảo đảm quyền lợi người dân vùng dự án và bảo vệ rừng. Thế nhưng, nhìn lại một số dự án đã và đang thi công,  vấn đề này đang bị bỏ ngỏ...

TIN LIÊN QUAN


"Giấc mơ" tái định canh, định cư!

Dự án thủy điện Đắkrinh - dự án thủy điện cấp 1 duy nhất trên địa bàn tỉnh với công suất 125MW, khởi công từ năm 2007. Tổng diện tích đất bị thu hồi để thực hiện thuộc địa phận huyện Sơn Tây là 975 ha. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích đã thu hồi là 260 ha, bồi thường cho dân 94,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tái định cư, định canh cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đang có nhiều vấn đề phải bàn.

Ngày 30/9/2012 là “hạn chót” phải di dời 34 hộ dân xóm Nghèo, xã Sơn Liên đến nơi ở mới, nhưng khu tái định cư mà dự án Thủy điện Đăkrinh “làm” cho dân đến nay mới chỉ có thể này.
Ngày 30/9/2012 là “hạn chót” phải di dời 34 hộ dân xóm Nghèo, xã Sơn Liên đến nơi ở mới, nhưng khu tái định cư mà dự án Thủy điện Đăkrinh “làm” cho dân đến nay mới chỉ có thể này.


Ông Đinh Văn Huyết, ở xóm Nghèo, xã Sơn Liên (Sơn Tây) đại diện cho 34 hộ dân xóm Nghèo nằm trong diện "tái định canh, định cư" thuỷ điện Đăkrinh cho chúng tôi biết: Chủ đầu tư dự án phát cho dân một bản công khai về chính sách tái định canh, định cư ghi rất cụ thể, chi tiết. Đối với đất ở, mỗi hộ được bố trí 1.000m2, trong đó 400 mét vuông đất ở và 600m2 đất vườn; đất sản xuất là 10.000m2, gồm 1.500m2 ruộng lúa nước và 8.500m2 đất rừng, rẫy. Về nhà ở, hộ từ 4 nhân khẩu trở xuống sẽ được cấp 1 căn nhà tường trị giá 350 triệu đồng; hộ từ 5 nhân khẩu trở lên được cấp 1 nhà trị giá 400 triệu đồng. "Nếu thực hiện đúng cam kết này thì quả là người dân chúng tôi đã đổi đời thực sự. Thế nhưng, thực tế đâu có như vậy!" - ông Huyết nói.

Chúng tôi về khu tái định cư thủy điện Đắkrinh vào những ngày cuối tháng 8 đúng vào thời điểm hạn chót phải di dời 34 hộ dân xóm Nghèo thuộc diện tái định cư đến nơi ở an toàn trước mùa mưa bão. Nhìn nhận đầy đủ thực tế ở đây mới thấy rằng, "chính sách định canh, định cư" mà dự án đưa ra chỉ là một giấc mơ! Khu tái định cư chỉ là một bãi đất trống dang dở. Tiếng máy đào ủi, san lấp ầm ì. Không có nhà, chẳng thấy vườn.

Đến UBND xã, gặp và làm việc với ông Trần Đông Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên về những băn khoăn của người dân tái định cư của xóm Nghèo. Ông  Phong cho biết: "Chính quyền đang sát cánh cùng người dân! Dự án đã có cam kết, công khai đến dân, thì chính quyền và nhân dân sẽ cùng giám sát". Thế nhưng, ông Phong lại bảo rằng: "Trước mắt người dân khi dời đến khu tái định cư sẽ tự làm nhà tạm để ở. Sau này, khi dự án xây nhà cho dân xong mỗi hộ sẽ có 2 cái nhà, một nhà tường một nhà tạm". Chuyện "cái nhà tường to đẹp" kia bao giờ xây xong thì ông Phong bảo: "Không biết!"

Chúng tôi vượt quãng đường mòn ngoằn ngoèo về xóm Nghèo, đến nơi 34 hộ dân sắp sửa phải nhường lại nhà cửa, ruộng vườn cho thuỷ điện Đắkrinh, một khung cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt. Người dân đã sẵn sàng trong tâm thế di dời nên nhà cửa không buồn quét dọn. Thế nhưng khi hỏi về ở đâu, làm gì để sống ở nơi tái định cư thì không người dân nào trả lời chúng tôi cả.

Dân "khát" đất sản xuất

Dự án thuỷ điện Hà Nang được xem là thành công của Quảng Ngãi trong phát triển thuỷ điện tính đến thời điểm hiện nay. Thế nhưng, đời sống của 104 hộ đồng bào dân tộc Cor trong vùng dự án lại đang phải đối mặt với bao khó khăn vì không có đất tái định canh. Những ngôi nhà tường san sát nhau nằm lọt thỏm giữa đỉnh đồi Hà Nang cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, được "bao bọc" ở hai đầu là hai hồ chứa nước của thủy điện. Không có đất để trồng trọt, họ phải vào rừng hái rau, kiếm củi và cả đốn hạ những cây gỗ nhiều năm tuổi để bán kiếm tiền mưu sinh. Một số hộ nghèo vì "khát" đất sản xuất đã chèo thúng vượt qua lòng hồ rộng mênh mông sâu đến 35 mét nước đầy hiểm nguy để về nơi ở cũ canh tác.

Trong cam kết của chủ đầu tư khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án thì định cư, định canh rất đầy đủ. Công văn 2115/UBND-NNNT ngày 22/8/2008 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về ổn định đời sống cho người dân dự án thuỷ điện Hà Nang nêu rõ: Phương án tái định canh phải bao gồm việc bố trí đất sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với giao rừng cho các hộ dân, đảm bảo ổn định sản xuất và cuộc sống lâu dài của hộ dân. Thế nhưng đến nay phương án vẫn còn nằm trên giấy. Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân Huỳnh Kim Lập - Chủ đầu tư dự án này thừa nhận: Công ty không thoái thác trách nhiệm lo tái định canh cho người dân, nhưng chính quyền vẫn chưa xác định được vị trí để bố trí tái định canh.
 

                    (Còn nữa)
Điều tra của Thanh Nhị
 


.