Nghề lặn biển: Tiền nhiều, hiểm nguy không ít

01:08, 17/08/2012
.

(QNg)- Hiện nay, với giá bán từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/kg hải sâm tươi, từ 150 - 200 ngàn đồng/kg ốc ruột... nghề lặn biển được xem là nghề hái ra tiền, giúp nhiều ngư dân Lý Sơn kiếm bạc tỉ. Tuy nhiên, nghề lặn biển luôn thường trực nhiều rủi ro.  

TIN LIÊN QUAN


Thông thường, để bắt được những con hải sâm có trọng lượng khoảng 1 kg trở lên, hoặc những con ốc có giá trị dinh dưỡng cao, người thợ lặn phải "vùi đầu" xuống độ sâu từ 30 - 80m nước biển, ngâm mình dưới đáy biển cả giờ đồng hồ. Còn người đứng trên tàu có nhiệm vụ canh giờ và giữ dây hơi không để gấp và kéo họ lên khi cần thiết. Gọi là lặn hơi, nhưng thợ lặn chỉ ngậm một ống nhựa hoặc cao su thô sơ bằng ngón tay có chiều dài hàng trăm mét được nối với máy nén khí có gắn bình ôxy. Bình hơi được đặt trên khoang thuyền và được sử dụng chung cho nhiều dây cùng một lúc. Trang bị của người thợ lặn chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu, nên chuyện gặp tai nạn do trục trặc hệ thống cung cấp hơi thường xuyên xảy ra, nhiều ngư dân trở nên tàn phế suốt đời vì những trục trặc này.

Nghề lặn biển “hái”ra tiền nhưng cũng lắm rủi ro.                                Ảnh: Lê Đức
Nghề lặn biển “hái”ra tiền nhưng cũng lắm rủi ro. Ảnh: Lê Đức


Ông Bùi Thượng (75 tuổi), một thợ lặn "lão luyện" ở thôn Tây, xã An Hải cho biết, những năm trước khi chưa có máy hơi,  hầu hết ngư dân theo nghề này phải "lặn bộ" chỉ với một kính lặn bao trùm lấy khuôn mặt để không cho nước biển vào. Do đó, thời gian của một lần lặn kéo dài chừng 5 đến 7 phút.

Những năm gần đây, nhờ có bình hơi nên lặn sâu hơn, hiệu quả hơn. Những thợ lặn lành nghề ở đảo Lý Sơn, mỗi năm bỏ túi được đôi ba cây vàng, nhưng hiểm nguy cũng tỉ lệ thuận với số vàng họ kiếm được. Và câu nói "Sinh nghề tử nghiệp" cũng gắn liền với những thợ lặn ở Lý Sơn. Nhiều thợ lặn đã trải qua những chấn thương, nhẹ thì nhức đầu khó thở, nặng thì chảy máu tai, máu mũi, có khi bại liệt chân tay, nằm liệt gường, thậm chí còn thiệt hại tính mạng do giảm áp không đúng quy trình. Nguy hiểm là vậy, nhưng đây là nghề mưu sinh nuôi sống gia đình nên những thợ lặn ở Lý Sơn vẫn gắn bó với nghề.

Ngư dân Lê Túc, chủ tàu cá QNg 66029 TS, ở thôn Tây xã An Hải, đang tham gia khai thác hải sâm tại ngư trường Trường Sa chia sẻ: "Đâm lao thì phải theo lao", làm nghề này tuy cực nhưng nếu trúng thì không nghề nào cho thu nhập bằng. Mỗi chuyến vươn khơi cả tháng trên biển, trung bình mỗi ngày một thợ lặn phải thực hiện từ 3 đến 4 ca lặn ở độ sâu 50 - 70m nước dưới đáy đại dương. Thời gian ở dưới đáy biển của mỗi ca lặn ước chừng từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ, nếu trúng ổ hải sâm thì một ca lặn cũng kiếm bạc triệu. Do cho thu nhập cao nên hiện nay nghề lặn đang thu hút nhiều ngư dân địa phương tham gia.

Ở huyện đảo Lý Sơn, hầu như năm nào cũng có người ăn nên làm ra bằng nghề lặn. Nhưng cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Toàn xã hiện có gần 100 tàu cá, với trên 100 lao động đang tham gia nghề lặn. Từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 trường hợp tử nạn bởi nghề này. Đó là chưa kể số bị thương tích để lại di chứng và bại liệt suốt đời. Nhiều gia đình có 2 - 3 người đều thiệt mạng vì nghề lặn.

Từ thực tế đó, người đi biển nên ý thức rõ về sự hiểm nguy để tự bảo vệ mình, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về  an toàn lao động cho nghề lặn để các ngư dân an tâm bám biển mưu sinh.


VM
 


.