(QNĐT)- Những năm gần đây, việc mở rộng diện tích và áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trồng lúa nước đã và đang được phổ biến trong cộng đồng người Cadong ở huyện Sơn Tây. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp đồng bào nơi đây thay đổi thói quen canh tác lạc hậu mà còn dần thoát nghèo nhờ cây nông nghiệp truyền thống.
Chúng tôi có dịp lên Sơn Tây vào đúng thời điểm một diện tích lớn gồm 767 ha lúa nước thuộc 8 xã đang kỳ lên cây xanh mướt. Mới nhìn ít ai tin rằng, cây lúa nước chỉ có ở đồng bằng nay lại phát triển mạnh ở vùng cao này.
Cách đây không lâu, đồng bào địa phương chỉ biết sống dựa vào những rẫy lúa gieo trên triền núi với năng suất, chất lượng thấp. Nhưng đó đã là dĩ vãng, mọi việc đã đổi thay khi bà con được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn khai hoang mở đất và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa nước.
Ruộng lúa nước ở vùng cao Sơn Tây |
Ông Đinh Văn Bay, ở thôn Ba He xã Sơn Tinh là hộ được chọn làm mô hình điểm của xã áp dụng khoa học kỹ thuật trong vụ lúa 2011 cho biết: Những năm trước, bà con chỉ biết trồng lúa rẫy nên năng suất thấp lắm, chẳng đủ ăn đến kỳ giáp hạt vụ sau. Trong năm 2011, nhờ được tập huấn nên gia đình tôi đã biết cách trồng lúa đúng kỹ thuật, cách phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu cho lúa lên xanh tốt. Kết quả là chỉ qua 1 vụ mà ruộng lúa rộng 500m2 mang lại năng suất 66,6 tạ/ha, cao gấp ba lần so với trồng lúa rẫy trước đây.
Trong vụ lúa hè thu 2012, gia đình ông Bay tiếp tục áp dụng cách mà cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn nên rất tự tin. Ông Bay chỉ tay về hướng ruộng lúa xanh mướt của gia đình nói: Có lúa nước rồi thì không sợ đói nữa. Bà con lại có tiền để mua sắm, cải thiện cuộc sống gia đình.
Không chỉ vậy, cùng với cán bộ nông nghiệp huyện, gia đình ông Bay cùng với một số hộ khác đã áp dụng mô hình mới hiệu quả đi hướng dẫn lại cho bà con ở thôn xóm cùng làm cho vụ mới. Ông Đinh Văn Liên ở thôn Ba He xã Sơn Tinh chia sẻ: Từ xưa giờ, mình trồng lúa theo cách truyền thống rồi không hiểu vì sao mình nghèo hoài. Rồi thấy cán bộ về thôn chỉ dẫn cho gia đình ông Bay làm theo cách mới. Nào là nhổ cỏ, bón phân… khá phức tạp nên mình không ham.
“Nhưng qua một vụ thấy kho lúa nhà ông Bay đầy kín, còn kho lúa nhà mình thì chỉ lưng lưng. Nên mình cùng các hộ khác phải học hỏi ông Bay thôi. Thế là chỉ qua vụ sau bà con trong thôn nhà ai cũng được lúa đầy kho. Phấn khởi lắm!”- ông Liên tươi cười nói.
Đồng bào Cadong giúp nhau làm lúa nước |
Ông Đào Trung Bửu- Phó Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây cho biết: Việc triển khai mô hình trồng lúa nước với sự hỗ trợ tích cực của khoa học kỹ thuật đã được ngành nông nghiệp huyện Sơn Tây tiến hành ở khắp 8 xã từ năm 2009, dựa vào nguồn vốn 30a. Đến nay, mô hình này đã thực sự phát huy hiệu quả, với năng suất 50-55 tạ/ha, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào Cadong.
Thành công của mô hình đã khuyến khích bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Trong năm 2011, bình quân lương thực đầu người đạt 336kg/năm.
Cùng với các huyện đồng bằng trong tỉnh, đồng bào Cadong ở huyện Sơn Tây đã dần quen thuộc và có cuộc sống no đủ hơn với mô hình trồng lúa nước áp dụng kỹ thuật và nhiều giống lúa mới. Nhờ khai hoang, vỡ đất tăng diện tích lúa nước nên tập tục phá rừng làm nương rẫy ở huyện vùng cao Sơn Tây đã hạn chế đáng kể. Tính đến nay diện tích lúa rẫy toàn huyện chỉ còn 120ha, giảm gần 470ha so với năm 1994, trong khi đó diện tích lúa nước không ngừng tăng theo mỗi năm.
Thanh Phương