Quảng Ngãi: Nhiều bất cập trong việc kiểm soát chất lượng tôm giống

09:07, 31/07/2012
.

(QNĐT)- Số lượng nhập về quá lớn, nhưng lực lượng thì mỏng, địa bàn quá rộng; nhiều hộ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt nên chấp nhận mua con giống trôi nổi để giảm chi phí đầu tư... dẫn đến lượng con giống chưa qua kiểm dịch được thả nuôi những vụ qua trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều.
 

TIN LIÊN QUAN


*Vừa thiếu    

Vụ nuôi tôm năm 2012, theo thống kê của Phòng Nuôi trồng thủy sản-Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì đến thời điểm này, diện tích tôm đã thả nuôi của toàn tỉnh  trên 560ha/640ha theo kế hoạch, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng khoảng 558ha/560ha. Những huyện có diện tích thả nuôi nhiều nhất là  Tư Nghĩa (150ha); Đức Phổ (150ha), Mộ Đức (150ha)...

Theo đó ước khoảng 700 triệu con giống đã được người dân mua thả. Tuy diện tích nuôi và nhu cầu con giống lớn như vậy, thế nhưng hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 6 cơ sở cung ứng tôm giống cho người dân, nằm ở 4 huyện là Mộ Đức (2 cơ sở); Sơn Tịnh (2 cơ sở); Đức Phổ (1 cơ sở) và Tư Nghĩa (1 cơ sở), với tổng số tôm cung ứng từ các cơ sở này chỉ chiếm khoảng 20%.

Cơ quan chủ quản kiểm tra một cơ sở cung cấp tôm giống
Cơ quan chủ quản kiểm tra một cơ sở cung cấp tôm giống


Trong số cơ sở trên, chỉ có 2 cơ sở là sản xuất tại chỗ; số còn lại là làm dịch vụ lấy từ nơi khác về để bán lại hưởng chênh lệch giá.

Ông Lê Thanh Tùng (45 tuổi), ở xã Đức Phong, bày tỏ: Nhiều khi để mua được tôm giống nuôi ưng ý, phải đi dò hỏi ở nhiều nơi, mất không ít thời gian và công sức, chi phí. Tuy đến 80% số còn lại là do người dân tự đi mua từ các tỉnh khác chở về, thế nhưng số được cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát chất lượng trước khi thả vô cùng khiêm tốn.

* Vừa yếu

Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Thú y Thủy sản-Chi cục Thú y tỉnh, không giấu giếm: Thời gian qua việc phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm dịch con giống lưu thông trên địa bàn thường xuyên hơn.

Tuy nhiên do số lượng nhập về quá lớn, nhưng lực lượng thì mỏng, địa bàn lại quá rộng. Bên cạnh đó nhiều người nuôi khá dễ dãi, không yêu cầu bên cung cấp chứng minh tôm giống đã qua kiểm dịch; thiếu sự hợp tác, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi mua con giống; nhiều hộ nuôi do chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt nên chấp nhận mua con giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng để giảm chi phí đầu tư.

Theo một số người nuôi tôm ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, thì giá tôm giống bán từ các cơ sở uy tín trên thị trường hiện từ 75-80 đồng/con. Trong khi đó tôm giống trôi nổi chỉ được chào bán từ 25-40 đồng/con, chỉ bằng khoảng 1/2. Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến lượng con giống chưa qua kiểm dịch được thả nuôi những vụ qua trên địa bàn tỉnh rất nhiều.

Vì vậy dù đã rất cố gắng, thế nhưng trừ những cơ sở có mặt trên địa bàn, thì chỉ kiểm soát được khoảng 10% số lượng con giống mà người dân mua từ nơi khác chở về mà thôi, ông Năm cho biết.

Riêng về thiết bị kiểm tra, xét nghiệm tôm bị dịch bệnh chết, với trị giá gần 1 tỉ đồng hiện vẫn đang “đắp chiếu”, ông Năm, giải thích: Sau khi tiếp nhận máy từ Chi cục quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản vào khoảng cuối năm 2010-đầu năm 2011. Do không có hóa chất và máy thì khá hiện đại, nhưng đơn vị chưa có người vận hành, vì thế tạm thời để không. Hiện Chi cục đã có văn bản gửi cấp trên xin mua hóa chất và cũng đã cử cán bộ đi học.

Thiết nghĩ cùng với tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện đúng quy trình xử lý ao hồ và kĩ thuật nuôi, thì việc tổ chức kiểm soát tốt chất lượng con giống, sẽ góp phần rất quan trọng trong việc hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm trong tỉnh.


                        Công Hoàng
 


.