(QNg)- Cùng với ngư dân trong tỉnh, ngư dân Phổ Quang (Đức Phổ) liên tiếp trúng đậm mùa cá nục. Con cá đã là cứu cánh cho bao dân chài khốn đốn với nạn cửa biển bồi lấp trong nhiều năm qua...
Chưa bao giờ người dân xã Phổ Quang lại chứng kiến cảnh tấp nập của những con tàu chở đầy ắp cá vào cửa biển Mỹ Á đến vậy. Cứ sau một đêm đánh bắt trở về là dọc dài bến cảng, ngư dân tập kết lên bờ hàng chục tấn cá. Nhiều người cho rằng đây là mùa biển no...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trúng đậm cá nục
5 giờ sáng của ngày cuối tháng 6, trên đường ra bến cảng Mỹ Á, hàng loạt chiếc xe thồ chất cao ngất những giỏ cá. Ở ngoài xa, những chiếc tàu vượt cửa biển vào bờ. Chủ tàu Võ Xuân Cẩm cho biết: "Được khoảng 2 tấn. Như vậy là chưa đạt so với những đêm trước". Anh chỉ sang các con tàu của ông Dương, ông Dược, những chủ tàu trúng đậm từ đầu mùa đến nay. Ông Trần Ngọc Dược nói: "Bình quân mỗi chuyến cũng kiếm được từ 7-8 tấn cá nục. Cá biệt có chuyến được 10 tấn". Không chỉ ông Dương, ông Dược mà mỗi chuyến biển của những con tàu hành nghề vây lưới đêm (còn gọi là nghề mành chong) nơi đây kéo dài từ 3 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau vào bờ là đầy ắp cá. Bình quân mỗi đêm, mỗi tàu chỉ bủa được từ 5-7 lần lưới. Mỗi lần kéo lưới được từ 1- 2 tấn cá.
Được mùa cá, nhưng nhiều người cứ nhắc đến ông Nam, ông Bé và xem các ông như biểu tượng cho sự trúng đậm mùa cá năm nay. Ông Cẩm khâm phục: "Nó (ông Bé) chỉ bủa một mẻ lưới mà thu về hơn 13 tấn cá. Tức tốc nó đưa tàu vào bờ sớm nên bán được giá, chuyến đó thu về hơn 60 triệu đồng. Hiện nó đã đứng "đầu bảng" rồi. Thứ đến là tàu thằng Nam. Tàu nó vừa đóng mới hơn 1 tỷ bạc, xuống nước trong mùa đánh bắt năm nay muộn hơn các tàu khác, nhưng chỉ có một mẻ lưới mà đã thu về hơn 3,6 tấn cá chim (cá xuất khẩu) đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng, làm xôn xao cả làng chài". Việc "tranh bảng" đánh cá đạt hiệu quả lâu nay thường rơi vào các tay lưới có kinh nghiệm như chủ vạn Nguyễn Văn Xết, chủ tàu Nguyễn Dương... Ở mùa biển này, do được mùa cá nên nhiều ngư dân trúng đậm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang phấn khởi: Chưa có mùa biển nào đạt như mùa biển năm nay. Ngư dân được mùa. Hơn 1 tháng nay, bà con bày bán cá dọc đường. Xe 3 gác, xe thồ, đông lạnh sáng nào cũng nườm nợp đến chuyển cá đi các nơi. Nhờ vậy, mà đến thời điểm này, mặc dù cửa biển bồi lấp nhưng sản lượng hải sản vẫn đạt hơn 10.000 tấn (60% kế hoạch năm).
Lo ngại về cửa biển
Ông Nguyễn Văn Xết - Chủ vạn tàu thôn Hải Tân, cho biết: "Được mùa cá nhưng nhiều ngư dân cứ lo ngại cửa biển bồi. Ở mùa biển này, nếu cửa biển thuận lợi thì bà con thu nhập cao hơn nhiều. Thế nhưng, do cửa biển bồi nên có hôm sau một đêm đánh bắt trở vào, tàu đầy ắp cá, gặp con nước ròng là đứng ngoài cửa biển đợi đến khi con nước lên mới đưa tàu vào được. Vì đợi lâu nên cá giảm chất lượng, bán chỉ còn 3.000 đồng/kg, hạ từ 1.000-2.000 đồng/kg. "... Nhiều ngư dân tham gia vẫn: Mỗi khi tàu mắc kẹt, nhìn mặt trời cứ mỗi lúc lên cao, nhìn đầu nậu ở phía bờ lần lượt giải tán, ai cũng nóng lòng. Thế là, thuyền trưởng thì giữ tàu, còn bạn thuyền thì vào làng huy động bà con đưa thúng ra vận chuyển từng thúng cá vào bờ. Khi vận chuyển hết khoang cá thì cũng là lúc trời đã quá trưa, hiếm người mua. Trước thực trạng này, UBND xã đã huy động chủ cơ sở đóng mới tàu thuyền Hải Tân Thái Văn Thi đưa xe múc ra nạo vét luồng. Hơn 1 tháng nay tàu thuyền ra vào đỡ hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Đó là giải quyết tạm thời, về lâu dài huyện, tỉnh, ngành chức năng buộc chủ đầu tư công trình cửa biển Mỹ Á sớm nạo vét và tìm hướng khắc phục một cách căn cơ. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trong mùa mưa đến cửa biển sẽ bị bồi lấp nặng. Bởi hiện nay, ngoài kỹ thuật thiết kế chưa đảm bảo cho cửa biển thông luồng lâu dài, thì ở ngay luồng vào cửa biển bị chặn bởi một chiếc sà lan của Công ty MCO - đơn vị thi công công trình cửa biển Mỹ Á. Chiếc sà lan này chìm ở mùa mưa năm ngoái. Xã đã kiến nghị lên các cấp nhiều lần đến nay vẫn chưa được trục vớt.
Được mùa cá nhưng nhiều ngư dân vẫn nơm nớp lo sợ khi nghĩ về mùa mưa đến với cảnh hàng loạt tàu thuyền mắc cạn ở cửa biển hay phải chạy về các cửa biển khác neo đậu.
MAI HẠ