(QNĐT)- Vụ tôm đầu tiên trong năm 2012, bà con nông dân thuộc 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa đã xuống giống khoảng 150 ha diện tích ao, hồ. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, số tôm nuôi trong 100/150 ha chết hàng loạt, khiến người nuôi tôm rơi vào cảnh hoang mang, điêu đứng.
Những ngày này, khắp các đầm tôm ở Mỹ Điền, bãi Quan Thánh và Hòa Phú thuộc xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đều bị bao trùm bởi không khí vắng lặng, đìu hiu. Sự cố tôm chết hàng loạt đã khiến cho nhiều người nơi đây chán nản, hoang mang và không biết làm gì để khắc phục.
Bà Trần Thị Diệu (48 tuổi), ngụ ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa cho hay: Bà con nông dân chúng tôi đồng loạt thả con giống theo đúng lịch thời vụ của tỉnh đưa ra là bắt đầu từ ngày 2/3 đến 25/5. Thế nhưng tôm khoảng được 30-50 ngày tuổi là chết hàng loạt. Giai đoạn này là thời điểm tôm ăn mạnh, lớn nhanh vậy mà, buổi sáng chúng tôi rải thức ăn xuống, tôm không đớp mồi, rồi có hiện tượng xốp thân. Đến sáng hôm sau, ra thăm đầm tôm mà lòng xót xa khi phải chứng kiến cảnh tôm chết đỏ cả hồ.
Quang cảnh đìu hiu của đầm tôm Quang Thánh ở xã Nghĩa Hòa sau sự cố tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân |
Vụ vừa rồi, gia đình bà Diệu đầu tư khoảng 75 triệu đồng tiền con giống, thức ăn… cho 3 hồ tôm có diện tích trên 10.000m2. Thế nhưng kết quả thu về thì chỉ được 5-6 triệu đồng. “Đó là số tiền bán tống, bán tháo mới được khi tôi thấy tôm trong hồ chết đến 70%. Chứ nếu để nuôi tiếp tục thì có lẽ không thu được gì”- bà Diệu nói thêm.
Nhiều người nuôi tôm khác ở xã Nghĩa Hòa cũng đành bất lực chứng kiến cảnh bao nhiêu công sức, tiền của bị đổ sông, đổ bể khi tôm chết hàng loạt. Điều đáng nói là, nếu như những vụ trước, bà con luôn biết nguyên nhân dịch bệnh khiến tôm chết thì vụ này, họ đành “ngậm bồ hòn” chịu thất thoát hàng chục, hàng trăm triệu đồng mà không hiểu vì sao.
Ông Trần Tâm- một trong nhiều hộ dân nuôi tôm ở xã Nghĩa Hòa, vừa lội xuống hồ tôm của gia đình để vớt những con tôm mới chết, trôi nổi trên mặt nước, vừa bức xúc nói: Tôi làm nghề nuôi tôm cả chục năm rồi mà chưa thấy vụ nào tôm chết hàng loạt một cách vô lý như năm nay. Bà con nuôi tôm phải chịu chung cảnh thả giống trước thì chết trước, thả giống sau thì chết sau.
Người nuôi tôm ở Tư Nghĩa phải chịu chung cảnh thả giống trước thì chết trước, thả giống sau thì chết sau. |
Kỳ thực, để đầu tư vào vụ I/2012, gia đình ông Tâm và hầu hết các hộ khác đã chọn mua giống tôm đã kiểm định và chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo. Vậy mà, tôm chết thì vẫn cứ chết!
Ông Nguyễn Văn Bá- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết: Toàn xã có hơn 60ha diện tích ao hồ được bà con thả giống nuôi trong vụ đầu tiên của năm 2012. Thế nhưng đến nay, số tôm chết hàng loạt dẫn đến tình trạng mất trắng của bà con đã diễn ra trên diện tích hơn 50ha hồ. Sự cố này bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 1 tháng, và vẫn đang tiếp diễn.
Không chỉ riêng người nuôi tôm ở xã Nghĩa Hòa, mà nông dân ở khắp 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa là Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp phải chịu chung tình trạng tôm chết đỏ đầm.
Ông Trần Tấn- Phó Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: Diện tích nuôi tôm trong vụ I/2012 của 5 xã phía đông là 150ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng tôm chết hàng loạt đã xuất hiện trên diện rộng khoảng 100ha. Chưa bao giờ, hiện tượng tôm chết hàng loạt lại xảy ra nhiều trên địa bàn huyện như năm nay.
Tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân đã gây hoang mang cho những người nuôi tôm |
Đầu tháng 5 vừa qua, khi bắt đầu xuất hiện sự cố tôm chết, huyện đã lấy mẫu nước và mẫu con giống để gửi đến cơ quan vùng 4 Đà Nẵng xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại không phát hiện virut gây bệnh dịch thường gặp ở tôm. Đồng thời, mẫu nước trong các hồ nuôi tôm thuộc 5 xã phía đông của huyện rất ổn, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Đến nay, cán bộ thủy sản, thú y của các xã và huyện cũng đã tiếp tục theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm nhưng kết quả thu về vẫn là: Không rõ nguyên nhân.
Chính điều này đã gây không ít bối rối và hoang mang cho các hộ dân nuôi tôm ở Tư Nghĩa. Ông Trần Hoàng, ngụ xã Nghĩa Hòa than thở: Tôm chết hết, tiền cũng đi theo sạch mà chúng tôi không biết nên xử lý thế nào. Vẫn tiếp tục bắt tay vào vụ mới, hay ngưng lại chờ một thời gian. Nếu như các năm trước, sau khi xác định nguyên nhân tôm chết thì bà con nông dân chúng tôi mới có cách để khử trùng, diệt mầm bệnh. Chứ đằng này, không phải do dịch bệnh thì do cái gì?
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng với cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa để quyết tìm ra nguyên nhân bệnh và biện pháp khắc phục. Động thái này không chỉ giúp giảm thiệt hại đến mức tối thiểu cho người dân mà còn nhằm làm yên lòng người nuôi tôm, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Thanh Phương