Xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm ở Mộ Đức: Cần một sự khởi đầu sau... 10 năm

06:07, 17/07/2011
.

(QNg)- Gần 10 năm qua, nghề nuôi tôm trên cát ở huyện Mộ Đức đã đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi tôm. Tuy nhiên ô nhiễm môi trường từ hoạt động này  ngày càng khó lường. Nhưng có một thực tế đáng buồn là trong khi người dân phớt lờ những hậu quả do mình gây ra, thì chính quyền cứ loay hoay tìm kiếm các giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc các cấp, ngành của huyện Mộ Đức cần một sự khởi đầu nghiêm túc cho vấn đề này.

"BỨC TỬ" MÔI TRƯỜNG

Năm 2002 huyện Mộ Đức cho thực nghiệm mô hình nuôi tôm trên cát bằng vật liệu chống thấm tại xã Đức Phong, với diện tích 25ha. Khi ấy, cơ quan chức năng đã "cẩn thận" xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho dự án này, bao gồm các công trình kênh dẫn và hồ xử lý nước thải. Dự án được triển khai với hàng chục hộ tham gia, nhưng con tôm sú không phù hợp với vùng đất này, nên nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ. Sau đó người dân đã chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng và thu được nhiều thành công.
 
Nhưng kể từ đó hệ thống xử lý nước thải của dự án cũ cũng "chuyển" đổi công năng thành... hệ thống "không- thể- xử- lý" nước thải. Có một nghịch lý là trong khoảng 10 năm qua, diện tích các hồ nuôi tôm không ngừng tăng (từ chỉ vài chục hec-ta hiện nay diện tích mặt nước dùng nuôi tôm  đã ổn định gần 110 hec-ta). Đó là chính quyền đã "kìm" sự phát triển tôm, nếu không thì diện tích nuôi tôm sẽ còn lớn hơn nữa. Nhưng hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm thì chẳng có "động tĩnh" gì.
 
 
 Người nuôi tôm “vô tư” xả thải thẳng ra biển (Ảnh chụp tại xã Đức Minh)
Người nuôi tôm “vô tư” xả thải thẳng ra biển (Ảnh chụp tại xã Đức Minh)

Tại thôn Thạch Thang (xã Đức Phong), dọc theo nhiều hồ nuôi tôm ven biển, hệ thống mương dẫn nước thải hầu hết đã bị bồi lấp, hư hỏng. Các hộ nuôi tôm cho rằng, cách xử lý nước thải bằng phương pháp thẩm thấu không thể phát huy tác dụng, chất thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng khi xả ra ngoài không thẩm thấu, mà đóng thành những váng bẩn, lâu ngày bít  luôn hệ thống xả thải. Mặt khác vì thể tích bể chứa nước thải quá nhỏ so với lượng nước thải.
 
Qua quan sát của chúng tôi, để xả nước thải các hộ nuôi tôm dẫn thẳng nước vào rừng phi lao cách hồ nuôi chỉ độ chục mét, khiến nhiều diện tích phi lao trở nên héo hon và chết dần. Còn đối với các hồ nuôi tôm nằm tiếp giáp mặt biển thì người nuôi xả nước thải trực tiếp ra biển.

Có thể trước mắt việc này chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nặng vùng biển và làm ảnh hưởng sự phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Cá biệt một số hồ không biết xả nước thải đi đâu, thì đành xả ra khu vực... gần hồ nuôi, khiến môi trường ở đây luôn bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Đó là chưa kể nguồn nước ngầm tại khu vực thôn Thạch Thang ngày càng cạn kiệt, do việc khai thác nước ngầm theo kiểu "tận diệt" của người nuôi tôm.
 
Một người dân ở đây bức xúc: "Trước kia nguồn nước ngầm rất dồi dào. Nhưng kể từ khi phong trào nuôi tôm nở rộ, thì nguồn nước cũng ít dần. Bây giờ người nuôi tôm đã "lấn" sâu vào trong đất liền để đặt máy bơm nước ngầm. Với cái đà này thì chẳng bao lâu nữa chúng tôi lại rơi vào cảnh khát nước ngọt quá...".

Còn tại thôn Đạm Thủy Bắc (xã Đức Minh), rừng phi lao phòng hộ ngày càng teo tóp. Lý giải cho điều này ngoài nguyên nhân là nhiều diện tích rừng phi lao phải "nhường" đất cho việc xây hồ nuôi tôm, thì việc nước thải được xả ra môi trường cũng góp phần "bức tử" hàng trăm gốc phi lao. Điều này rất nguy hiểm, bởi ai cũng biết rừng phi lao có vai trò quan trọng như thế nào trong việc phòng, chống bão cho các xã ven biển.

CHÍNH QUYỀN "BẤT LỰC"?.

Tình hình ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm không phải là chuyện mới của huyện Mộ Đức. Nhưng để tìm một giải pháp xử lý môi trường triệt để là điều mà cơ quan chức năng huyện Mộ Đức vẫn còn loay hoay tìm lời giải. Chúng tôi đem sự việc người dân xả nước thải nuôi tôm tràn lan (có cả việc xả nước thải thẳng ra biển), sao không thấy các cấp chính quyền huyện Mộ Đức xử lý thì được một lãnh đạo huyện cho rằng: Vì chưa có hướng giải quyết vấn đề nước thải, nên người dân tự ý xả nước thải ra biển được xem như "chủ trương" của huyện Mộ Đức.
 
Có thể thấy chính quyền huyện Mộ Đức phải "nhờ" đến... biển để xử lý nước thải nuôi tôm. Và như vậy thì trước mắt lượng nước thải vẫn chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Nhưng về lâu dài. Khó lường trước được hậu quả...
 
Nước thải xả thẳng ra rừng phi lao làm nhiều diện tích rừng phi lao chết dần. Ảnh chụp tai thôn Thạch Thang, xã Đức Phong.
Nước thải xả thẳng ra rừng phi lao làm nhiều diện tích rừng phi lao chết dần. Ảnh chụp tai thôn Thạch Thang, xã Đức Phong.

Nói vậy không phải huyện Mộ Đức không quan tâm đến vấn đề phát triển vùng nuôi tôm bền vững (trong đó có vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường), mà là do vấn đề xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm quá khó khăn. Những năm 2005- 2006, huyện Mộ Đức đã mời các chuyên gia môi trường của Đại học Bách Khoa Tp.HCM về khảo sát, nhằm thiết kế hệ thống xử lý nước thải cho trên 100 ha diện tích nuôi tôm. Và câu trả lời của các chuyên gia là: Thực hiện được, nhưng hiệu quả xử lý đến đâu thì... chưa biết. Với kinh phí sẽ bỏ ra hàng tỉ đồng mà vẫn không đảm bảo giải quyết được vấn đề ô nhiễm, nên chính quyền huyện Mộ Đức cũng đành gác lại nguyện vọng này.

Theo tính toán của chính quyền địa phương, với gần 110 hec-ta diện tích nuôi tôm trung bình xả ra môi trường lượng nước thải khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Lượng nước thải lớn như vậy thì việc xây dựng phương án xử lý nước thải là không dễ. Hơn nữa theo các chuyên gia nước thải nuôi tôm là loại nước thải rất khó xử lý. Nhưng cái chính là đã 10 năm trôi qua việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Mộ Đức vẫn chưa nhận được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền và người dân.

Huyện Mộ Đức muốn đảm bảo cho phát triển nuôi tôm trên cát một cách bền vững thì các cấp chính quyền, người dân cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, cân đối, hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường; không nên đặt nặng lợi ích kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường. Chính vì vậy việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng vùng nuôi tôm trên cát hiện đang là một vấn đề cấp bách. Đặc biệt là các hệ thống cung cấp nước, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải… để ngăn chặn tình trạng thải trực tiếp nước thải ra môi trường, làm ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh.

Đề nghị các cấp chính quyền huyện Mộ Đức dù muộn màng, vẫn cần có một sự khởi đầu thật sự nghiêm túc, tránh để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài thêm nữa. Bởi hậu quả ô nhiễm môi trường gây ra thì khó mà lường được hết.

*Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức:
Trước tình hình nước xả thải từ các hồ nuôi tôm gây ảnh hưởng đến môi trường, chính quyền địa phương đã nhờ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm ít thay nước. Mô hình đã thực nghiệm thành công, nhưng để đưa vào ứng dụng đại trà thì rất khó khăn. Mặc dù hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường, nhưng do nuôi tôm thay nước thường xuyên thì hiệu quả kinh tế cao hơn, nên người dân không mặn mà với mô hình này. Đối với bà con nuôi tôm thì cái gì mà lợi ích kinh tế cao hơn thì người ta làm. Chính vì vậy để nghề nuôi tôm trên cát phát triển đúng hướng và bền vững trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, chính quyền huyện Mộ Đức đang "cầu cứu" UBND tỉnh và các cấp, ngành sớm quan tâm  nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho diện tích nuôi tôm trên cát ở huyện Mộ Đức.

*Ông Võ Minh Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh:
Các chủ hồ nuôi  tôm đã không quan tâm đến việc giữ gìn môi trường, mật độ hồ nuôi quá dày, chất thải từ các ao nuôi xả ra ngấm vào tầng nước ngầm. Nước ấy lại được người nuôi hút lên để nuôi tôm, "vòng tròn" ấy đã khiến con tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Việc lạm dụng quá mức nước ngầm cho nuôi tôm trên cát như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún địa tầng khu vực, gây mất cân bằng sinh thái tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập từ biển vào, gây mặn hoá nước ngầm ngọt. Nếu vẫn tiếp tục thả tôm với mật độ cao, nuôi dày vụ và không bảo vệ môi trường thì, hệ lụy từ việc nuôi tôm là rất khó lường.

*Ông Đinh Văn Bé- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong:
Trong những năm gần đây phong trào nuôi tôm ở địa phương đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho bà con ven biển. Tuy nhiên bên cạnh lợi ích kinh tế xã hội trước mắt, việc nuôi tôm trên cát, đặc biệt là ở quy mô lớn vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề môi trường. Nếu không có giải pháp giảm thiểu, thì sẽ gây ra các tác động tiêu cực trước mắt cũng như lâu dài không chỉ đến môi trường xung quanh mà còn đến chính hiệu quả nuôi trồng. Đây đang là vấn đề trăn trở của chính quyền trước lợi ích kinh tế và vấn đề môi trường.

*Ông Huỳnh Văn Nam- Một hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong:
Chúng tôi cũng biết nước xả thải ra bãi biển là tác hại đến môi trường và khả năng lây lan bệnh dịch rất lớn, nhưng không xả thải ra biển thì chúng tôi biết thải đi đâu? Hệ thống xử lý nước thải thì không có. Cả khu  vực nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xả thải đâu. Mấy năm trước nghe chính quyền thông báo có đoàn chuyên gia về khảo sát để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bà con nuôi tôm ai cũng mừng. Nhưng mấy năm nay vẫn đâu vào đấy. Con tôm ngày càng khó nuôi. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Nghe cán bộ thủy sản nói là do môi trường bị ô nhiễm, chúng tôi cũng chỉ biết vậy thôi, chứ biết làm sao được?


N.ĐỨC - N.TRIỀU

.