(QNĐT)- Khai thác tài nguyên biển ồ ạt, thiếu bền vững, sự cố tràn dầu, nhiễm dầu... làm suy giảm đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái là thực trạng báo động ô nhiễm môi trường sinh thái biển đảo Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhìn nhận, tiềm năng tài nguyên trên đảo và vùng nước quanh các đảo Việt Nam phong phú là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên quá trình khai thác đã tác động tiêu cực đến các giá trị và tính bền vững về mặt môi trường. Hậu quả là khai thác quá mức, gây lãng phí và sớm cạn kiệt tài nguyên biển, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển.
Biển và hải đảo Việt Nam cũng đang phải chịu những tác động môi trường nghiêm trọng như: Sự cố tràn dầu và ô nhiễm dầu ngày càng gia tăng; những hệ sinh thái biển và ven biển đang nhanh chóng bị xuống cấp hoặc bị biến đổi. Các hoạt động trên biển cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển; ý thức tự giác giữ gìn, bảo vệ môi trường biển, đảo còn hạn chế.
Khai thác ồ ạt cát biển ở khu vực gần bờ làm thay đổi dòng chảy, có nguy cơ xâm thực sâu vào đất liền gây sạt lở ở huyện đảo Lý Sơn. |
Theo thống kê của Tổ chức Môi trường thế giới, các nguồn ô nhiễm biển đến từ đất liền chiếm tỷ lệ khoảng 50%, rò rỉ tự nhiên khoảng 11%, phóng xạ hạt nhân 13%, hoạt động của tàu thuyền 18% và tai nạn tàu bè trên biển 6%. Ước tính mỗi năm có khoảng 2,4 triệu tấn dầu thô đổ ra biển. Chỉ tính riêng từ tháng 12/2006 đến cuối tháng 4/2007 có khoảng 51.800 tấn dầu trôi nổi gây ô nhiễm biển Việt Nam từ Bắc đến Nam.
Có thực tế là hiện nay biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là mực nước biển dâng đang làm gia tăng sức ép lên tài nguyên, môi trường biển và có khả năng làm tăng thiên tai trên biển. Trước tình hình này, PGS-TS Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường lo ngại: "Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến môi trường biển, hải đảo nước ta. Mực nước biển dâng xâm thực sâu vào các khu dân cư ven biển miền Trung. Do đó, ứng phó với thiên tai do biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển là việc làm cần thiết, cấp bách không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai".
Ông Thái cho rằng, hiện tượng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và khó lường bắt đầu gây khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền đang là mối lo lớn đối với chất lượng nước ngầm của các tỉnh, thành ven biển, hải đảo. Biến đổi khí hậu tác động xấu đến môi trường như xói lở bờ biển, dòng hải lưu thay đổi tạo vực sâu ở các bãi tắm, rạn san hô mất dần... tác động lớn đến phát triển ngành du lịch biển, đảo trong nước.
Ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế biển TP HCM đề xuất: "Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển với các quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế". Theo ông, Chính phủ nên dành ngân sách thích hợp cho công tác bảo vệ, gìn giữ môi trường biển, trong đó chú trọng mua sắm phương tiện hiện đại và thông tin dữ liệu khoa học về môi trường nhằm đáp ứng đầy đủ cho quá trình phát hiện, chế ngự và xử lý ô nhiễm môi trường biển.
Các chuyên gia kinh tế thống nhất đề xuất giải pháp, cần có chiến lược bảo vệ, gìn giữ môi trường và sinh thái bền vững cho biển, đảo Việt Nam dựa trên nguyên tắc "sử dụng và khai thác" phải đi cùng với "giữ gìn và tái tạo". Ngoài ra cần tích cực phục hồi, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ và duy trì các rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển khác là hết sức sức cần thiết như một cách đầu tư cho hệ sinh thái " Đầu tư cho tương lai và thế hệ mai sau".
Khai thác rong mơ ồ ạt gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái biển ở huyện đảo Lý Sơn. |
Về vấn đề này, ông Vũ Thanh Ca, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo nhấn mạnh: "Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện các thể chế, chính sách phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo để quản lý tốt hơn tài nguyên và môi trường biển. Quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý các vùng biển và hải đảo trên cơ sở phân vùng chức năng. Rà soát quy hoạch sử dụng đất ven biển, hải đảo phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở phân vùng chức năng và phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên, quản lý môi trường theo kinh nghiệm của bạn bè quốc tế".
Ông Ca khuyến nghị, cần ngừng ngay việc xé lẻ, phân lô bán nền vùng đệm sinh thái biển trên phạm vi cả nước. Đào tạo và đào tạo lại, tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Chú trọng tuyên truyền môi trường, quản lý chất thải để chính quyền và người dân góp phần ngăn chặn việc đổ chất thải ra sông, biển. Nghiên cứu, điều chỉnh các quy hoạch ven biển, hải đảo hiện nay để đảm bảo các vùng biển, đảo trên phát huy chức năng của của mình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho đất nước.
Minh Thu