(QNg)- Để nông dân hình thành thói quen dùng hàng Việt, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền, vận động hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước. Đặc biệt, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã giúp hàng Việt trở thành "bạn đồng hành" với người nông dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
HÀNG VIỆT VỀ VỚI NÔNG DÂN
Với một lực lượng chiếm đến 70% dân số trong tỉnh, nông dân là bạn hàng đầy tiềm năng của hàng Việt. Ông Trần Ngọc An (thôn Phước Hòa, Đức Phú, Mộ Đức), cho biết: "Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng đẹp, chất lượng, giá cả phù hợp với túi tiền người dân vùng nông thôn. Do đó, khi mua sắm sản phẩm gì, gia đình tôi đều "ngó" xem hàng Việt có hay không? Nếu có, chắc chắn là gia đình tôi mua hàng Việt".
Nông dân thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ) mua hàng trong chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" của Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi. |
Còn ông Huỳnh Minh Khánh- Hội viên Hội Nông dân phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi) thì tâm sự: Tại nhiều buổi sinh hoạt của Hội, được nghe về lợi ích khi dùng hàng Việt, ông cũng thay đổi thói quen mua hàng. "Trước đây tôi chỉ tìm mua thuốc trừ sâu, phân bón có "mác" ngoại để chăm sóc cây trồng. Bây giờ thì tôi chỉ dùng hàng Việt, giá rẻ mà hiệu quả không thua kém hàng ngoại"- ông Khánh nói.
Vai trò của các cấp Hội Nông dân trong việc thay đổi nhận thức và tạo thói quen dùng hàng Việt cho người nông dân là hết sức quan trọng. Phát huy hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân "ưu tiên dùng hàng Việt".
Ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: "Hơn 2 năm qua, Hội đã tổ chức gần 3.000 buổi tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với trên 130 ngàn lượt hội viên nông dân tham dự. Hội cũng đã phối hợp với Công ty CP Phân hữu cơ Quảng Ngãi (Humic) và Công ty Vật tư nông nghiệp triển khai chương trình mua phân bón trả chậm cho nông dân (giá trị gần 9 tỷ đồng). Ngoài ra, Hội còn đưa các mặt hàng nông sản của các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh tham dự các Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại ở một số tỉnh, thành trong nước. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động gần 100 ngàn lượt hội viên nông dân tham gia mua sắm tại các Hội chợ, chương trình được tổ chức trong tỉnh như: "Tiếp sức hàng Việt với sản phẩm mới", "Đưa hàng Việt về nông thôn"...
Ông Lê Hồng Ca- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, cho rằng: Nhờ chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" (do siêu thị phối hợp với Sở Công thương tổ chức) nhiều thương hiệu lớn trong nước đã "bén duyên" với người nông dân. Nhiều sản phẩm của các công ty không những tạo được uy tín tại thị trường trong nước mà còn có thể cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại nhập. Tiếp cận được các sản phẩm này, phần nào đã giúp cho đời sống của nông dân được nâng cao hơn.
ĐỂ HÀNG VIỆT GẦN HƠN VỚI NÔNG DÂN
Với mục đích mang hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, những chuyến hàng về nông thôn đã thường xuyên được tổ chức, mang lại hiệu ứng cao với người tiêu dùng. Mặc dù vậy, thời gian, quy mô của những chuyến hàng này không lớn (chỉ được tổ chức trong một ngày ở mỗi địa phương) và số lượng hàng hóa còn ít nên chưa thỏa mãn nhu cầu rất lớn của người dân tại khu vực nông thôn. Trên thực tế, có đến 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn, nhưng mạng lưới cửa hàng bán lẻ tương ứng phục vụ còn rất hạn chế. Do đó, để hàng Việt "bám rễ sâu" với vùng nông thôn thì, các cấp, ngành và doanh nghiệp cần mở rộng và hiện đại hơn nữa mạng lưới phân phối.
Ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phần đông dân số sinh sống ở vùng nông thôn và tham gia sản xuất nông nghiệp, nhưng trong cuộc vận động hay các chuyến hàng Việt về nông thôn phần lớn các doanh nghiệp chỉ đem tới hàng tiêu dùng, ít chú ý đến những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là những mặt hàng mà nông dân rất cần. Hàng Việt Nam có thế mạnh về giá, phù hợp với nhu cầu, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng sản xuất trong nước đôi khi vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế như: Tính ổn định về chất lượng, tính minh bạch của xuất xứ, mẫu mã, kiểu dáng còn nghèo nàn, chế độ hậu mãi thấp, mạng lưới phân phối hạn chế... Vì thế, các doanh nghiệp cần khẩn trương ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, xem đây là khâu then chốt để hàng Việt Nam đi vào lòng dân.
Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN