(QNg)- Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), với hoạt động đánh bắt gần bờ là chủ yếu. Hiện toàn xã có 511 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 47.323 CV. Có trên 80% ngư dân khai thác hải sản vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội và luôn quyết tâm bám biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân Đoàn Duy Trinh, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ vừa trở về từ chuyến đánh bắt cá dài ngày trên biển với gương mặt tươi cười hớn hở. Chuyến ra khơi vừa rồi khoảng 23 - 25 ngày, tàu anh thu nhập trên 400 triệu đồng. Với 2 chiếc tàu QNg 91375 (công suất 280 CV) và tàu QNg 91475 (175 CV), đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Huế. Ông Trinh cho biết, nghề lưới vây rút chì trước kia dùng đèn để tập hợp cá, bây giờ hiện đại hơn dùng máy dò ngang khi phát hiện cá là vây rút, chủ yếu khai thác cá nục, cá xuất khẩu, cá chim. Nghề lưới vây rút khai thác cá từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hằng năm.
Niềm vui được mùa cá của ngư dân Tịnh Kỳ. |
Nhờ mạnh dạn đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại nên gia đình ông Trinh làm ăn rất khấm khá. Bốn người con đều được ăn học trưởng thành, trong đó có 3 người con lớn học đại học đã ra trường. Nhiều năm liền ông Trinh được UBND huyện Sơn Tịnh, UBND xã Tịnh Kỳ khen thưởng thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Trinh mong muốn sẽ sớm thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở xã Tịnh Kỳ để có thể giúp đỡ nhau để đánh bắt, khai thác hải sản trên biển.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền, cũng làm giàu nhờ khai thác thủy sản trên biển. Tổng thu nhập hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Tàu của ông khai thác cá ngừ, cá nục vùng biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. Mỗi năm ông Hiền đi từ 7 - 8 chuyến biển, mỗi chuyến 25 ngày. Bên cạnh nghề lưới vây rút chì, còn có nghề pha xúc, chủ yếu ở thôn An Vĩnh và Kỳ Xuyên (có khoảng 100 hộ). Khai thác từ đầu năm đến hết tháng 4 âm lịch ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế; đánh bắt các loại cá cơm, cá nục. Ngoài ra còn có lưới quét, khai thác chủ yếu là cá hố, mỗi chuyến đi biển 3 - 5 ngày. Điển hình như ông Võ Văn Thành, Võ Văn Tiến (thôn An Kỳ), thu nhập bình quân 50 - 60 triệu đồng/chuyến biển.
Toàn xã Tịnh Kỳ có trên 100 chiếc tàu khai thác tôm nhí như hai ông: Nguyễn Phú, Lê Khanh (ở thôn An Vĩnh), tàu công suất 90CV, bình quân thu nhập một chuyến biển khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, Tịnh Kỳ chỉ có 1 đôi tàu giã cào cao tốc (công suất 360 CV) của ông Lê Văn Hiền, đánh bắt ở ngư trường Thanh Hóa, khai thác cá thu, mực và các loại hải sản có giá trị. Bình quân một chuyến ra khơi (7 ngày) thu nhập 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng.
Trong năm 2011, xã Tịnh Kỳ cải hoán, đóng mới 10 chiếc tàu thuyền, riêng từ đầu năm 2012 đến nay đóng mới 4 chiếc (công suất 90 CV trở lên), mỗi chiếc trị giá trên 1 tỷ đồng. Với lợi thế là xã vùng biển, cùng với việc đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, bà con các thôn trong xã Tịnh Kỳ còn có thu nhập cao từ nghề chế biến thủy hải sản và nghề đóng sửa tàu thuyền. Toàn xã hiện có 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, giải quyết việc làm từ 10 - 12 lao động/cơ sở. Thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 25 cơ sở chế biến thủy hải sản với hàng trăm lao động, thu nhập từ 100 - 150 ngàn đồng/người/ngày. Ông Phan Hữu Nhất - Cán bộ thủy sản xã Tịnh Kỳ cho biết: Trong thời gian đến, xã động viên bà con đóng mới tàu thuyền lớn để đánh bắt ở các vùng biển xa hơn và tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Được biết năm 2012, Huyện ủy Sơn Tịnh thống nhất chọn xã Tịnh Kỳ thực hiện điểm việc xây dựng Nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn huyện, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết trong mỗi chuyến biển của bà con và góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Kim Cúc - Như Đồng