Khuyến nông Bình Sơn: Đồng hành cùng nông dân

08:05, 10/05/2012
.

(QNg)- Với vai trò là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với người dân, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã ứng dụng các tiến bộ KHKT xây dựng nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

TIN LIÊN QUAN


Đến nay, nhiều mô hình  đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Cụ thể như mô hình trồng chuối phủ bạt ni lông xen rau màu ở Bình Trung cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha, thực lãi khoảng 50 triệu đồng; mô hình trồng thâm canh giống mì mới KM140 ở Bình Nguyên cho năng suất khoảng 34 tấn/ha, cao hơn năng suất mì đại trà từ 4-5 tấn/ha,  đạt giá trị khoảng 57,8 triệu đồng/ha, lãi 38,3 triệu đồng/ha; mô hình trồng tre lấy măng… Đồng thời, đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như giống cà chua mới 386, An Na, Kim cương đỏ; khổ qua TN166; ớt Mũi tên đỏ; các giống lúa lai chất lượng cao Nhị ưu 838, BTE-1, BM 9855…

Mô hình trồng ớt trình diễn ở xã Bình Dương (Bình Sơn).                                                   Ảnh: T.K
Mô hình trồng ớt trình diễn ở xã Bình Dương (Bình Sơn). Ảnh: T.K


Trong chăn nuôi, nhiều giống vật nuôi mới được Trạm đưa vào nuôi thử nghiệm nhằm đa dạng hóa đối tượng chăn nuôi cho người dân, như mô hình nuôi nhông trên cát, nuôi gà sao, gà siêu trứng, heo rừng lai… Và mới đây là mô hình nuôi heo nái ngoại sinh sản, quy mô 92 con (có 90 heo nái, 2 heo đực giống). Mô hình được thực hiện tại xã Bình Chánh và Bình Dương với 14 hộ tham gia.


Trong số các mô hình chăn nuôi do Trạm Khuyến nông Bình Sơn triển khai trong thời gian qua có không ít những mô hình được người dân tự tìm đến các điểm trình diễn để tham quan, học hỏi và vận dụng vào sản xuất của gia đình mình. Tiêu biểu như mô hình nuôi heo rừng lai đã được nhân rộng ở các xã Bình Chương, Bình Nguyên, Bình Chánh… với số lượng đàn heo rừng lai phát triển lên đến hàng trăm con như hộ ông Phạm Văn Trinh, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương; ông Nguyễn Văn Mãnh ở thôn Nam Bàn 1, xã Bình Nguyên…

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Trạm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đào tạo nghề cho nông dân, bình quân mỗi lớp thu hút từ 40-50 người tham gia; cấp phát 10.000 tờ rơi giới thiệu các tiến bộ KHKT đến người dân; tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham quan các điểm sản xuất trình diễn; tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại khu thực nghiệm cho hàng trăm lượt nông dân tham quan, qua đó từng bước góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn. Sau khi được tận mắt chứng kiến máy gặt đập liên hợp trình diễn tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ), bà con nông dân ở Bình Dương đã cùng nhau góp vốn để đầu tư mua máy về ứng dụng vào khâu thu hoạch lúa tại địa phương.

Bằng việc trình diễn các mô hình khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nghề nhằm gắn lý thuyết với thực hành theo phương châm "cầm tay chỉ việc, đào tạo nghề thành thạo trong sản xuất nông nghiệp" đã thuyết phục, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ KHKT mới. “Các kiến thức mà Trạm đưa đến cho người nông dân luôn phù hợp với từng vùng, từng điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người nông dân. Nhờ đó, nhiều mô hình đã nhân rộng vào sản xuất đại trà, đi vào cuộc sống, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp huyện nhà" - ông Vũ Thế Sơn - Quyền Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết.  


 Phương Dung
 


.