(QNg)- Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ triển khai thực hiện tại 6 huyện nghèo của tỉnh đã bước qua năm thứ 4. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự góp phần làm chuyển biến đời sống hộ nghèo miền núi.
Loay hoay tìm "đường đi"
Cách đây 3 năm, Quảng Ngãi bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo 6 huyện miền núi. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng; hỗ trợ sản suất (giống cây trồng, vật nuôi, khai hoang, phân bón, làm chuồâng trại…); hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, lâm, ngư; hỗ trợ quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm triển khai, tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất hơn 109 tỷ đồng.
Chương trình 30a hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo ở huyện Sơn Hà để phát triển chăn nuôi.. |
Cụ thể: hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng 24,676 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất 67,879 tỷ đồng; hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, lâm, ngư 7,288 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 98,034 tỷ đồng (89,81% kế hoạch). Đặc biệt, đối với nội dung hỗ trợ quy hoạch xây dựng nông thôn mới, năm 2010 huyện Sơn Hà bố trí 200 triệu đồng; năm 2011 huyện Minh Long bố trí 770 triệu đồng, nhưng đến nay cả hai huyện do chưa triển khai thực hiện nên chưa giải ngân được.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều lần UBND tỉnh đã họp, chỉ đạo bằng văn bản nhưng tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do địa phương lúng túng trong cách triển khai, tìm giải pháp hỗ trợ. Có một số nơi, nhiều tháng trời vẫn chưa chọn được loại cây, con giống hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Đặc biệt, đối với việc hỗ trợ bò giống, trâu giống cho hộ nghèo chỉ "nhắm" vào hỗ trợ bò cái, trâu cái, nên quá trình nuôi đã gây khó khăn cho việc phối giống, phát triển, nhân rộng đàn trâu, đàn bò. Việc bình xét chọn đối tượng hỗ trợ chưa tuân thủ đúng quy trình, dẫn đến hỗ trợ con giống, lúa giống cho cả những hộ không có điều kiện chăn nuôi, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Thiếu giải pháp kiểm soát
Theo nhận định của người dân và ngành chức năng tỉnh, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trong 3 năm qua chưa đạt kết quả như mong muốn là vì thiếu giải pháp kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện. Kết quả triển khai thực hiện mới chỉ được đánh giá qua con số "giải ngân vốn" do UBND các huyện báo cáo lên. Trong khi đó, một số nội dung phần việc mặc dù chưa triển khai thực hiện, nhưng nguồn vốn lại được… giải ngân gần như 100%. Đơn cử như xã Trà Thọ (Tây Trà), mặc dù thời gian qua chưa thực hiện hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã, nhưng nguồn vốn đã được giải ngân xong.
Báo cáo với UBND tỉnh về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, một số địa phương chỉ báo cáo sơ sài về số vốn thực hiện; số tiền đã giải ngân. Còn nội dung chính, chủ thể mà chính sách này hướng đến là "hộ nghèo" lại không được báo cáo rõ ràng, cụ thể. Chỉ có duy nhất nội dung báo cáo về "hỗ trợ gạo ăn cho các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng nhưng chưa tự túc được lương thực" là có số hộ được nhận hỗ trợ, nhưng kinh phí của nội dung hỗ trợ này lại chiếm khoảng 4 tỷ đồng - con số rất nhỏ so với hơn 109 tỷ đồng tổng số tiền hỗ trợ phát triển sản xuất. Các nội dung hỗ trợ khác, thậm chí đến cả hỗ trợ mua con giống (trâu, bò), mua cây giống, mua vật tư… một số huyện chỉ báo cáo chung kinh phí "kế hoạch" và kinh phí "giải ngân", chứ không có số hộ nghèo được cấp cây, con giống, vật tư!
Sửa chữa, khắc phục
Báo cáo số 64/BC-UBND ngày 9/5/2012 của UBND tỉnh đánh giá thực trạng và đề xuất bổ sung, chỉnh sửa chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo thuộc Chương trình 30a, UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thời gian qua chưa được thường xuyên; năng lực, kinh nghiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn còn hạn chế, nên việc thực hiện một số nội dung của chương trình chưa đảm bảo kế hoạch…
Tại cuộc họp xử lý kết luận thanh tra Chương trình 30a, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: "Các ngành, các cấp, địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình 30a, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể: Tỉnh phải tổ chức kiểm tra, thanh tra huyện; huyện kiểm tra, thanh tra xã; xã thì kiểm tra, giám sát đối với hộ dân được thụ hưởng chính sách này. Có như thế mới nâng cao hiệu quả của Chương trình 30a, góp phần từng bước cải thiện đời sống hộ nghèo vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh".
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu địa phương nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân, tổ chức thực thi chưa tròn trách nhiệm, để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến kết quả của chính sách, chương trình này. UBND tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị với Trung ương bổ sung, chỉnh sửa 6 nội dung chưa phù hợp trong chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Bài, ảnh: THANH NHỊ