(QNĐT)- Năm nay, dưa hấu ở các tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, miền Trung và Tây Nguyên nói chung đang được mùa. Thế nhưng do giá dưa lên xuống quá bất thường, làm người trồng dưa bán đổ bán tháo, còn lái thương thì méo mặt vì lỗ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Cười ít, khóc nhiều!
Chiều ngày 29/3, có mặt tại cánh đồng dưa hấu khoảng 30 ha ở thôn Tân Phước, xã Bình An, huyện Bình Sơn chúng tôi chứng kiến cảnh nông dân trồng dưa kẻ khóc, người cười.
Ông Huỳnh Dự (44 tuổi) ở thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lên thuê đất trồng dưa ở xã Bình An cho biết: Ông trồng 1,1 ha dưa, cách đây nửa tháng, khi giá dưa còn 7.000-8.000 đồng/kg thì thu hoạch, nên thu về 180 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí).
Nông dân thu hoạch dưa |
Còn ông Nguyễn Dũng, trồng 3 ha dưa hấu, bán cùng thời điểm với ông Dự, thu về 250 triệu đồng. "Dưa vừa trúng mùa, vừa trúng giá như tụi tui ở cánh đồng này chỉ có 3-4 người thôi. Còn lại bà con khác lỗ méo mặt hết"-ông Dũng cho hay.
Theo chỉ dẫn của ông Dũng, sáng ngày 30/3, chúng tôi đến ruộng dưa của ông Phan Ánh (60 tuổi) – cùng quê với ông Huỳnh Dự, người thuê đến 5 ha đất ở xã Bình An để trồng dưa. Khi chúng tôi đến nơi thì cũng là lúc ông Ánh đang "bán đổ bán tháo" 97 tấn dưa cho lái thương.
"Dưa mình xinh quá, tụi nó mới mua 2.000 đồng/kg" – ông Ánh lắc đầu. "Sao không đợi giá lên hẳn bán?" – chúng tôi hỏi. Ông Ánh trợn mắt: "Để cho... chết à! Mấy ngày trước, bán 1,5 ha, giá có 1.400 đồng/kg thôi. Nay dưa chín quá rồi, để thêm nữa ai mua cho".
Bấm tay tính toán, ông Ánh bảo chịu lỗ từ 15-20 triệu đồng, đó là chưa kể công của ba người túc trực ở đây hơn ba tháng trồng dưa và "may là không tốn tiền chạy nước. Nếu không thì lỗ nặng".
Tạm biệt ông Ánh, chúng tôi về thôn Diên Lộc, xã Bình An, huyện Bình Sơn. Nơi đây mỗi hộ nông dân trồng dưa không nhiều, nhưng nếu trúng giá, mỗi người cũng kiếm được 20-30 triệu đồng. Vậy mà hỏi đến dưa, bà con ai cũng lắc đầu.
Nói như bà Phạm Thị Thanh (63 tuổi): "Được giá hơn được mùa cháu ơi. Tui có gần mười tấn dưa, bán giá chỉ 1.400 đồng/kg, chịu lỗ không biết lấy gì bù dzô".
Tiếp lời bà Thanh, ông Đỗ Văn Nguyên (45 tuổi) nói buồn: "Năm nay dưa trúng lắm, đạt từ 2,5-3 tấn/sào. Mỗi đám trồng, dưa có trọng lượng từ 8-10 kg/trái chiếm 70-80%. Vậy mà giá rẻ quá, không ai vui".
Trái dưa 15 kg của ông Đỗ Văn Nguyên |
Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn, cho biết: Toàn huyện năm nay trồng gần 350 ha, tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 50 ha. Đến nay, địa phương đã thu hoạch 150 ha dưa, với năng suất từ 180-200 tạ/ha.
Còn theo ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, vì giá dưa năm nào cũng thất thường, nên người trồng dưa bấp bênh. Vì vậy tỉnh không khuyến khích việc trồng dưa. Tuy nhiên, theo ước tính thì tỉnh Quảng Ngãi có 12/14 huyện trồng dưa, với diện tích khoảng 2.000 ha.
* Trở tay không kịp
Tiếp xúc với phóng viên, từ nông dân đến lái thương đều than trời với giá dưa "nay trên trời, mai dưới đất". Nông dân không biết giá đã đành, thương lái cũng không chạy theo được giá.
Giữa tháng 3 năm nay, giá dưa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 8.000 – 8.500 đồng/kg dưa rằn, sau đó hạ dần xuống 7.000 đồng/kg. Ngày 25/3, dưa còn ở mức 5.000 đồng/kg, nhưng sang ngày 26.3, dưa hạ đột ngột xuống còn 1.400 – 1.500 đồng/kg. Sang ngày 28.3, dưa nhích giá dần lên trên dưới 2.000 đồng/kg, sang ngày 29.3, dưa lên 3.700 – 4.000 đồng/kg. Còn đến ngày 30.3, dưa lại hạ thê thảm xuống còn 2.000 đồng/kg dưa rằn và dưa đen, dưa giống Hắc Mỹ Nhân còn 3.500 đồng/kg.
Nông dân Huỳnh Ninh - thôn An Điềm, xã Bình Chương-Bình Sơn buồn thiu vì dưa mất giá |
Ông Phạm Vũ, người mua bán dưa ở tỉnh Quảng Ngãi, bảo: Giá dưa lên xuống kiểu đó, không biết làm sao mà lần. Mới chiều 29/3, mua dưa giá 3.700 đồng/kg. Khi hái xong chất lên xe đưa ra cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, thì dân chặn xe lại không cho đi, vì cho rằng, giá dưa 4.000 đồng/kg, sao lại mua 3.700 đồng/kg. Đến sáng 30/3, điều đình mãi xe dưa mới đi được thì giá lại còn 2.000 đồng/kg.
"Giá bất thường kiểu đó, trở tay không kịp. Ở Quảng Ngãi, dân mua bán dưa từ đầu mùa đến giờ, cũng có vài người vào đầu mùa kiếm ăn được. Nhưng sau đó, có người lỗ 3 tỷ đồng, còn lại lỗ từ 300 – 500 triệu đồng chứ không ít"-ông Vũ cho hay.
Theo lái thương Trần Ngọc Dương, quê ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), hiện nay các tỉnh miền Trung có diện tích dưa trồng nhiều hơn năm 2011. Thời điểm hiện nay, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, mỗi tỉnh trong ngày có từ 50-100 xe dưa (20-25 tấn dưa/xe) chở ra cửa khẩu Tân Thanh chuyển sang Trung Quốc để bán. Còn ở tỉnh Gia Lai, chỉ tính ở huyện An Khê, có sản lượng đến vài trăm ngàn tấn dưa cũng được chuyển lên biên giới phía Bắc để bán.
Liên lạc với chúng tôi, ông Nguyễn Thuận (thương lái quê ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn, chuyên đưa dưa hấu ở tỉnh Gia Lai ra biên giới phía Bắc bán) từ cửa khẩu Tân Thanh gọi về, cho hay: Ở cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có khoảng 300 xe dưa nằm chờ. Cứ cách một mét có một xe dưa, kéo dài đến 4-5 km. Có ngày, xe chở dưa nhích được 50 – 100 mét là mừng rồi. "Trung Quốc mua thất thường lắm. Có xe dưa họ bỏ hết một nửa, xem như lỗ trên trăm triệu đồng. Có xe dưa hiện giờ chảy nước ròng ròng, xem như tìm bãi đổ rồi chạy về, chịu lỗ trên 200 triệu đồng"-ông Tình cho hay.
* Nguyên nhân từ đâu?
Nguyên nhân vì sao dưa năm nay giá cả thất thường như thế? Ông Huỳnh Dự cho biết, một phần dưa hạ giá cũng là do bà con nông dân. Khi dưa có giá cao, bà con chạy nước cho dưa nặng thêm, nhưng thực chất làm như vậy là dưa bị đen ruột và chậm chín. Vì vậy phía Trung Quốc biết là trừ trọng lượng và giá ngay.
Còn ông Trần Ngọc Dương cho biết: Vào đầu mùa, thấy dưa được giá, bà con nông dân cứ hái cả trái non mà bán. Vì vậy, khi Trung Quốc xẻ dưa ra mà thấy ruột dưa đen hoặc không chín là căn cứ vào đó để trừ và mua hạ giá. Trong khi đó, vào ngày 26/3, các tỉnh phía Bắc và miền Trung có không khí lạnh, nên lượng tiêu thụ dưa chậm lại, còn ruộng dưa đến ngày chín, bà con phải bán chứ không dám giữ lại. Còn vài ngày qua, thấy lượng dưa qua cửa khẩu Tân Thanh quá nhiều, nên phía Trung Quốc ép giá.
Với người nông dân, không sản xuất cây gì nhọc nhằn bằng cây dưa hấu. Thế nhưng, hết phụ thuộc trời, lại phụ thuộc vào giá thu mua, khiến người nông dân trồng dưa năm nào cũng thắc thỏm...
PHẠM ANH