(QNg)- Sau một thời gian thành lập và đi vào hoạt động, ban đầu chỉ với 35 tàu cá với trên 400 đoàn viên, đến thời điểm này Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải huyện đảo Lý Sơn đã 58 tàu cá, với gần 700 đoàn viên tham gia, điều này đã khẳng định vai trò quan trọng của Nghiệp đoàn nghề cá đối với bà con ngư dân đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường xa bờ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân Trương Đình Khôi (45 tuổi), chủ phương tiện tàu cá QNg 66152 TS (công suất 120 CV), ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn), hiện đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường biển Hoàng Sa, là 1 trong 261 đoàn viên của 23 tàu cá vừa đăng ký tham gia Nghiệp đoàn nghề cá vui mừng cho hay sau khi được trực tiếp trao đổi, gặp gỡ với các ban, ngành chức năng, anh đã quyết định viết đơn đăng ký tham gia vào Nghiệp đoàn nghề cá, bởi đây là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con ngư dân. "Vào nghiệp đoàn rồi chúng tôi không còn đi về lẻ loi đơn lẻ mỗi khi ra khơi mưu sinh" - anh Khôi nói.
Đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đang chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi. |
Còn ngư dân Đinh Văn Trọng (49 tuổi) hiện là chủ tàu cá QNg 96426 TS, ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn), cũng là đoàn viên mới của Nghiệp đoàn nghề cá hồ hởi cho biết: "Gần 20 năm bám biển, bản thân tôi đã 2 lần bị nước ngoài bắt giữ, bị đánh đập, bị tịch thu tài sản, thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn tinh thần, nhưng chúng tôi chỉ biết ngậm đắng nuốt cay chịu đựng. Sau khi thấy các tàu bạn viết đơn tình nguyện xin vào nghiệp đoàn tôi thấy quyền lợi của bà con ngư dân mình được bảo vệ một cách chính đáng. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của Nhà nước nên đợt này tôi quyết định viết đơn xin gia nhập Nghiệp đoàn. Đây là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, vật chất hỗ trợ chúng tôi mỗi khi gặp khó khăn trên biển, giúp chúng tôi vừa làm kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
"Nghiệp đoàn nghề cá là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con ngư dân đang tham gia khai thác hải sản tại các ngư trường xa bờ và cũng là "Bà đỡ" đối với ngư dân gặp tai nạn, rủi ro trên biển. Do đó mô hình nghiệp đoàn nghề cá sẽ được nhân rộng tại các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian đến". Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định. |
Sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải không ngừng lớn mạnh, từng bước phát huy khả năng gắn kết đối với bà con ngư dân, nhất là khi gặp tai nạn rủi ro trên biển, được bảo vệ bằng luật pháp, kể cả luật pháp quốc tế khi vươn khơi bám biển. Đồng thời, đây là địa chỉ giúp bà con ngư dân được tiếp cận với các phương pháp khai thác mới thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức của mình.
Ông Võ Xuân Huyện - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, hiện nay, tuy một số địa phương ven biển trong tỉnh đã hình thành nhiều tổ, đội liên kết đánh bắt, khai thác hải sản trên biển nhưng chưa đủ mạnh để tạo nên sự gắn kết, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay. Việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải nói riêng và các địa phương trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn nói chung là cần thiết, vì đây là tổ chức có thể gắn kết và tạo nên sức mạnh cho bà con ngư dân khi tham gia khai thác hải sản tại các ngư trường xa bờ.
Bài, ảnh: Văn Mịnh