(QNg)- Làng cây cảnh Xuân Vinh (thuộc thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, Nghĩa Hành), phát triển trên chục năm nay, được giới chơi cây cảnh khắp nơi biết đến. Nhờ sự phát triển và tính hiệu quả, nên được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Thế nhưng gần nửa năm nay, thị trường tiêu thụ cây cảnh trở nên ế ẩm, ảnh hưởng đến kinh tế của không ít hộ dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cây cảnh giúp dân thoát nghèo
Làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Xuân Vinh có thâm niên trên 20 năm, nhưng phát triển "cực thịnh" trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của nghề cây cảnh ở đây, những năm qua, UBND xã Hành Đức đã có nhiều chủ trương hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển nghề trồng cây cảnh, đem lại thu nhập cao cho nhân dân địa phương.
Ông Nguyễn Kiệt- Trưởng thôn Xuân Vinh cho biết: Toàn thôn có gần 700 hộ, trên 100 hộ đầu tư trồng cây cảnh có quy mô, còn một số hộ trồng nhỏ, lẻ. Nghề cây cảnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho không ít hộ dân. Thậm chí có nhiều hộ đã "đổi đời" từ nghề này. Hằng năm nghề cây cảnh đem lại thu nhập 40-50 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Trương Chi với thế cây ngũ phúc trị giá hàng trăm triệu đồng. |
Thăm quan một số hộ trồng cây cảnh số lượng lớn, chúng tôi nhận thấy, cây cảnh Xuân Vinh không những đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn đem lại cảnh quan khá đẹp cho làng nghề này.
Vườn cây cảnh của hộ ông Trương Chí, ở đội 3, tôi được tận mắt chứng kiến các loại cây từ mới chiết cành cho đến cây lâu năm với những bộ rễ độc đáo. Ông Chí trước đây là giáo viên, vì mê cây cảnh, nên ông bỏ nghề giáo theo nghề trồng, sửa cây đã hơn chục năm nay. Ông Chí chia sẻ: Cây càng kỳ quái, càng cổ thụ thì càng bán được giá. Cây có dáng và thế đẹp thường được mọi người ưa thích. Cây cảnh không có giá cụ thể, tuỳ vào cảm hứng của người mua, có thể hôm nay giá này, mai giá khác là chuyện thường. Như cây sanh ở đây tôi mua ở Campuchia, thế ngũ phúc, thâm niên gần 100 năm, có giá gần 700 triệu đồng, trước đây có người trả, tiếc cây không bán, để chơi. Nhưng hiện nay, thị trường tiêu thụ chậm, thì chưa thấy "đại gia" nào ghé thăm. Vườn cây cảnh của ông gần 1000 cây các loại, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhưng so với mọi năm, năm nay là thất thu nhất.
Sang thăm vườn cây của hộ ông Nguyễn Đức Chung, chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng nhiều thế sanh độc, lạ. Nhờ cây cảnh mà ông Chung có điều kiện xây nhà, lo cho hai con học đại học.
"Cây cảnh không có giá cụ thể, đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào "gu" của từng người. Có những cây mình nhìn vào không "cảm" được nhưng nó lại là cây đắt tiền. Cây càng cổ, càng "quái dị" thì càng đắt giá, được khách chơi cây săn lùng. Dù đứng giá, nhưng những cây mình bỏ công chăm sóc, có giá trị nghệ thuật thì sẽ đứng vững trước bão táp thị trường hiện nay…"- anh Chung tự tin chia sẻ.
Trăn trở đầu ra
Thực tế không thể phủ nhận là cây cảnh ở Xuân Vinh đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Mấy năm gần đây nhờ đầu tư cây cảnh, đời sống của nông dân trong thôn khá hơn trước rất nhiều. Nhưng việc đầu tư cây cảnh ồ ạt như hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh nói chung và Xuân Vinh nói riêng, nên khó khăn cho việc tiêu thụ là không tránh khỏi.
Gần 1 năm qua, thị trường cây cảnh bỗng nhiên "đứng bánh", khiến cho người dân Xuân Vinh khá lo lắng. Anh Nguyễn Văn Hưng ở Đội 4, mới đây đã đầu tư tiền của mua cây, gia công chăm sóc, giờ cây bán chưa được nên gặp khó khăn về vốn. Số vốn bỏ ra không biết khi nào mới lấy lại.
Ông Nguyễn Sĩ Hải-Phó Chủ tịch xã Hành Đức cho biết: Trước thực tế cây cảnh tạm thời thị trường chậm tiêu thụ, UBND xã đã tạo điều kiện giúp nông dân vay vốn để phát triển kinh tế. Đồng thời ở xã cũng thành lập câu lạc bộ những người chơi cây cảnh (100 người), câu lạc bộ sẽ chia sẻ những khó khăn của hội viên, những thành viên kinh tế khá giả có điều kiện giúp đỡ những thành viên gặp khó khăn về vốn cũng như kỹ thuật chăm sóc cây cảnh; mở rộng trồng cây mai, vì cây mai có thị trường tiêu thụ hơn cây sanh.
Thiết nghĩ, bên cạnh đầu tư chăm sóc để cây cảnh làng Xuân Vinh ngày một có tiếng trên thị trường, thì chính quyền xã cũng cần quan tâm hỗ trợ, tư vấn để người nông dân có hướng đầu tư phù hợp với thị trường tiêu thụ. Một khi có đầu ra thuận lợi thì công sức tiền của của người dân mới thu lại giá trị xứng đáng, đồng thời mở hướng phát triển kinh tế ở địa phương.
Bài, ảnh: Kim Ngân