(QNĐT)- Mặc dù được công nhận thương hiệu, nhưng từ năm 2011 trở lại đây, tỏi Lý Sơn rớt giá liên tục. Nguyên nhân của việc này là do tỏi, hành nơi đây đã không còn được ưa chuộng như xưa, hay vì một lý do nào khác?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người dân huyện đảo vẫn còn nhớ như in ngày 31/3/2009, khi sản phẩm hành, tỏi được chính thức công nhận thương hiệu. Niềm vui không chỉ dành riêng cho 50 hộ dân thuộc 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình, là những tập thể trực tiếp đăng ký thương hiệu, mà chia đều cho nhiều hộ dân thuộc “Vương quốc hành, tỏi”.
Cây tỏi được công nhận thương hiệu đã đem lại niềm vui cho nhiều hộ dân huyện đảo. Nhưng hiện tại thì giá hành tỏi Lý Sơn lại rớt thê thảm. |
Để sản phẩm từng “im hơi lặng tiếng” từ hàng trăm năm nay được biết đến với tư cách là một thương hiệu nổi tiếng gần xa như vậy, người dân Lý Sơn phải đổ bao mồ hôi, nước mắt và vượt qua lắm gian truân.
Được trồng trên diện tích hơn 300 ha đất đảo cùng với sự kỳ công chăm bón của người dân địa phương, sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn có mùi vị rất riêng, thơm và dịu. Từ khi được công nhận thương hiệu, các sản phẩm độc đáo này có cơ hội thêm tiếng vang và vươn ra xa không chỉ trong, ngoài tỉnh mà còn vươn ra thế giới.
Nhờ thế, đời sống của người dân Lý Sơn khấm khá hơn rất nhiều nhờ vào hành, tỏi. Chị Phạm Thị Hồng, xã An Bình cho biết: Vào thời điểm này hơn 1 năm trước, 1kg tỏi được bán với giá 150.000-160.000 đồng, 1kg hành có giá 60.000-70.000 đồng. Nhiều gia đình nhờ bán hành tỏi mà sắm được nhiều vật dụng trong gia đình, góp phần nâng cao đời sống hằng ngày về cả vật chất lẫn tinh thần.
Sản phẩm hành Lý Sơn hiện chỉ có giá 2.000 đồng/kg |
Thế nhưng, “thời vàng son” ấy lại quá ngắn ngủi. Hiện tại, các sản phẩm hành, tỏi mang thương hiệu Lý Sơn chính gốc đang trượt giá không phanh với mức kỷ lục: 2.000 đồng/kg hành, 15.000-20.000 đồng/kg tỏi.
Có dịp ra thăm Lý Sơn, mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của người dân địa phương khi bỏ công chăm sóc loại cây trồng đặc sản này. Họ phải miệt mài hàng vài tháng trời trên đồng ruộng, nhưng đến lúc thu hoạch thì không đủ tiền công, chưa nói đến vốn đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Thu, ở xã An Bình chia sẻ: Gia đình chị trồng 3 sào tỏi và 2 sào hành. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mọi năm còn đỡ, nhưng năm nay thì nhà chị và nhiều hộ khác chỉ biết "khóc ròng", vì hành, tỏi mất mùa do thiếu nước lại chẳng được giá.
“Mùa này là mùa thu hoạch tỏi. Còn cây hành thì đáng lẽ đã thu hoạch từ tháng Giêng, nhưng đến nay nhiều hộ chẳng buồn ra ruộng nhổ về, vì nếu thu hoạch, bỏ tiền thuê tàu chở vào đảo Lớn, đất liền bán thì càng lỗ nặng hơn. Cây hành là thế, cây tỏi cũng chẳng khá hơn là bao…”- Chị Thu buồn rầu nói.
Vì hành quá mất giá nên nhiều hộ không thu hoạch mà cứ để phơi nắng gió ngoài ruộng. |
Nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích cho câu hỏi vì sao một sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia như vậy giá cả lại ngày càng tụt dốc. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn vẫn không hề giảm sút, mà ngày càng được khẳng định qua sự ưa chuộng của người tiêu dùng trong cả nước.
Từ năm 2010, nhân dân Lý Sơn rất bức xúc vì cảnh ngược đời: Lý Sơn lại… nhập tỏi từ các nơi khác về. Nhiều lái buôn địa phương đã trà trộn tỏi Lý Sơn thật và tỏi Lý Sơn nhái để trục lợi cá nhân dựa trên thương hiệu tỏi Lý Sơn. Cũng từ đó, thương hiệu hành, tỏi mà bấy lâu nay họ đã tốn công gầy dựng bị giảm sút uy tín. Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến cho sản phẩm nổi tiếng của địa phương liên tục rớt giá trong thời gian qua? Có lẽ huyện Lý Sơn và các cơ quan chức cần sớm tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Thanh Phương