Nhà máy đường Phổ Phong: Thực hiện các chính sách ổn định vùng nguyên liệu mía

02:01, 18/01/2012
.

(QNg)- Tết đã cận kề, Nhà máy Đường Phổ Phong chạy hết công suất để tiêu thụ mía cho nông dân. Đây là chính sách đầu tư, thu mua kịp thời để Nhà máy duy trì vùng nguyên liệu mía.  

TIN LIÊN QUAN


Đốn mía cho nông dân đón... tết

Gần tháng qua, kể từ khi Nhà máy Đường Phổ Phong vào vụ ép chính, trời cứ mưa phùn gió bấc. Nhiều đồng mía chữ đường thấp, Nhà máy đã linh hoạt đến các vùng mía gò đồi thu hoạch trước cho bà con. Đến thời điểm này, Nhà máy đã thu mua hơn 36.000 tấn mía mua tại ruộng, với giá 1 triệu đồng/tấn, có chữ đường 10CCS. Tuy nhiên theo ước tính, vùng nguyên liệu mía của Nhà máy hiện vẫn còn trên 200.000 tấn chưa thu hoạch. Thời điểm này, tết đã cận kề, người trồng mía ai cũng cần tiền mua sắm tết. Nhà máy đã thuê 150 xe tải đi khắp các vùng mía Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Sơn Hà... thu mua mía cho nông dân.

Nông dân tập trung thu hoạch mía.
Nông dân tập trung thu hoạch mía.



Đến nhà máy ngày áp tết thấy xe tải, chở mía hối hả về nhà máy để tiêu thụ. Trưởng Phòng nguyên liệu mía - Nhà máy Đường Phổ Phong Nguyễn Xuân Hảo, cho biết: Mỗi ngày, Nhà máy chạy với công suất ép 2.100 tấn mía. Theo đà này, thì Nhà máy đảm bảo thu hoạch mía ở những vùng gò đồi có chữ đường cao trước khi nghỉ tết. Còn những vùng trũng thấp, mía có chữ đường thấp chưa tiêu thụ được thì Nhà máy có kế hoạch ứng cho bà con mỗi sào 200.000 đồng để nông dân có tiền mua sắm tết.

Ông Trần Văn Lợi - Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, phấn khởi: Vùng nguyên liệu mía năm nay bà con chăm sóc tốt, nên năng suất đạt cao. Chữ đường nhiều vùng cũng khá cao, có một số nơi đến thời điểm thu hoạch nhưng chữ đường còn thấp là do mưa nhiều.

Ngay từ đầu vụ Nhà máy đã cho nông dân ứng tiền để mua giống, phân bón, làm đất trồng mía. Riêng năm nay, Nhà máy đã đầu tư 50 tỷ đồng cho nông dân ứng mỗi ha làm đất 5,5 triệu đồng, mua giống 9 triệu đồng/ha và đầu tư 700 - 800 kg/ha phân vô cơ. Nhờ chính sách đầu tư kịp thời nên Nhà máy đã duy trì ổn định vùng nguyên liệu mía hơn 4.900 ha thuộc các huyện miền núi: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà... và các huyện đồng bằng. Bên cạnh việc đầu tư xuống giống, Nhà máy cũng chọn các giống mía cho năng suất cao để nông dân trồng đại trà. Trong vụ ép chính năm nay, nông dân chủ yếu trồng các giống mía K83 -29; ROC 27; QD 94 -119,  đạt năng suất từ 40 - 70 tấn/ha.

Duy trì vùng nguyên liệu

Những năm gần đây, do nhiều cây trồng có giá trị kinh tế đã cạnh tranh với cây mía nên Nhà máy Đường Phổ Phong đã có chính sách thu hút nông dân trồng mía. Ngoài các chính sách đầu tư vốn cho nông dân làm đất trồng, chăm sóc mía, tuyển chọn cây giống cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, Nhà máy đã đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, triển khai các mô hình trồng mía ở đất gò đồi, mở rộng các vùng chuyên canh trồng mía. Trong năm, Nhà máy đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới đường giao thông, công trình thủy lợi, đào giếng nước, đắp đập bổi nội vùng để tưới nước, chăm sóc mía.

Tại vùng đất gò đồi thuộc các xã Ba Vinh, Ba Tiêu, Ba Vì (Ba Tơ), Nhà máy đã triển khai mô hình trồng mía bền vững trên đất gò đồi từ năm 2010, đến nay với diện tích trồng trên 400 ha. Các đồng mía này đem lại năng suất khá cao. Nếu như trước đây, bà con thu hoạch khoảng 40 tấn/ha thì đến nay vùng mía đã đạt 65tấn/ha. Đây là thành công lớn của mô hình trồng mía bền vững trên đất gò đồi ở huyện miền núi Ba Tơ mà Nhà máy Đường Phổ Phong sớm nhận ra để mở rộng vùng nguyên liệu.

Trong vụ trồng mía năm 2012, Nhà máy có kế hoạch trồng mới khoảng 200 ha và duy trì 4.900 ha mía, nâng tổng số diện tích trồng mía lên 5.100 ha, với sản lượng thu được từ 250.000 - 280.000 tấn mía/năm. Ông Trần Văn Lợi - Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, cho biết thêm: Nhà máy duy trì ổn định vùng mía theo hướng tập trung thâm canh, chuyên canh tăng năng suất. Nhà máy tiếp tục triển khai mô hình trồng mía bền vững trên đất gò đồi ở các huyện Ba Tơ, Minh Long và Trường Khánh (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành). Với ba giống mía chủ lực K88 - 29; ROC 27; QD 94 - 119. Nếu nông dân trồng và chăm sóc mía đúng theo kỹ thuật trồng mía trên đất gò đồi sẽ đạt từ  80 - 100 tấn/ha. Kỹ thuật trồng các giống mía này là hàng cách hàng từ 80 - 90 cm, rãnh sâu từ 30 - 40 cm.

Nhà máy Đường Phổ Phong triển khai các chính sách trồng, chăm sóc và thu mua mía kịp thời cho nông dân là cách thu hút nông dân gắn bó với đồng mía. Đó cũng là cách mà Nhà máy tự cứu chính mình trong thời điểm có nhiều cây trồng cạnh tranh trên vùng đất Quảng Ngãi.  


    Bài, ảnh: MAI HẠ


.