(QNg)- Từ lâu, vùng biển Hoàng Sa trở nên quen thuộc đối với ngư dân Quảng Ngãi, nhất là ngư dân huyện Lý Sơn và xã Bình Châu (Bình Sơn). Nếu như hàng trăm năm trước bao lớp người đã giong thuyền ra đại dương và sẵn sàng hy sinh để canh giữ quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc, gọi đó là hùng binh thì hàng trăm năm sau, con cháu họ cũng dũng cảm nối bước cha ông cưỡi lên đầu sóng ngọn gió để bảo vệ đất thiêng của Tổ quốc. Đó là những hậu duệ của hùng binh Hoàng Sa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Trương Quang Trị, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) - thuyền trưởng tàu cá QNg 95839 có hơn 20 năm làm nghề biển cho biết, ngư trường chính của ông là vùng biển Hoàng Sa. Ông Trị cho rằng: Vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam nên ông có ý thức vừa ra đó để khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc.
Thời gian gần đây, một số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ trái phép khi đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc gặp tai nạn khi tàu nước ngoài đâm chìm. Tuy nhiên, ngư dân vẫn bám vùng biển này để khai thác hải sản. Vì họ cho rằng: Hoàng Sa là một phần của Tổ quốc Việt Nam mà tổ tiên đã đổ xương máu trên mảnh đất thiêng này, do đó họ có trách nhiệm bảo vệ.
Có những ngư dân đã nhiều lần bị phía nước ngoài bắt giữ và tịch thu tàu thuyền trái phép. Có người khuynh gia bại sản và tinh thần bị khủng hoảng nhưng sau đó họ vẫn ra Hoàng Sa để khai thác hải sản. Anh Dương Dũng ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) là thuyền viên tàu QNg 96004 là một ví dụ. Anh Dương Dũng đã 5 lần bị phía nước ngoài bắt giữ trái phép tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng sau đó được thả về và anh vẫn tiếp tục bám vùng biển này để đánh bắt. Chúng tôi gặp anh Dương Dũng cùng 13 thuyền viên khác ra vùng biển Hoàng Sa khai thác mang hơn 4 tấn cá trở về neo đậu thuyền ở cảng Sa Cần (Bình Sơn). Anh Dương Dũng khẳng định: "Khu vực Hoàng Sa tụi em đi hết luôn, cứ tiếp tục ra đó đánh bắt vì trước kia đảo Hoàng Sa của ông cha ta để lại nếu không ra đánh bắt là có tội với liệt tổ liệt tông của mình".
Mai Phụng Lưu - "Sói biển" ở Lý Sơn 4 lần bị nước ngoài bắt giữ được thả về. Nhưng rồi khi có được tàu thuyền anh lại dong thuyền ra Hoàng Sa bám biển. Anh là một trong những nhân vật vừa được tôn vinh "Vinh quang Việt Nam" năm 2011 được tổ chức tại Hà Nội.
Hằng năm vào tháng 2 âm lịch, ngư dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những hùng binh đã bỏ mình làm nhiệm vụ trên biển năm xưa. "Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa". Ông Bùi Văn Lệnh (70 tuổi), ở thôn An Hải, huyện Lý Sơn- từng là ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa tâm sự: Trong tiềm thức của người dân Lý Sơn, Hoàng Sa là phần máu thịt của Tổ quốc. Chính vì vậy, hết đời này qua đời khác ngư dân vẫn trực chỉ ra Hoàng Sa.
Hoàng Sa - một phần của Tổ quốc mà hàng trăm năm trước cha ông đã bỏ xương máu trên vùng đất thiêng liêng này. Ngư dân Quảng Ngãi - những hùng binh Hoàng Sa ngày nay ngày đêm vẫn hướng về Hoàng Sa. Bởi ở đó, một phần đất máu thịt của Tổ quốc.
Anh Vinh