HTX quản lý, kinh doanh chợ: Hướng đi phù hợp ở Quảng Ngãi

05:06, 18/06/2011
.

(QNg)- Hiện nay, hệ thống chợ ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại. Do đó chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ là bước đi cần thiết, nhằm nâng cao vai trò của chợ đối với cộng đồng. 
 

Theo Sở Công thương, Quảng Ngãi hiện có 153 chợ, trong đó, số chợ có ban quản lý là 66 chợ và tổ quản lý là 64 chợ. Trong những năm qua, các Ban quản lý, tổ quản lý chợ trên địa bàn tỉnh đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ. Tuy nhiên, mô hình ban quản lý, tổ quản lý chợ hiện nay không còn phù hợp.
 
Xây dựng mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế ở Quảng Ngãi. Trong ảnh: Người dân buôn bán tại chợ Sơn Giang (Sơn Hà).
Xây dựng mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế ở Quảng Ngãi. Trong ảnh: Người dân buôn bán tại chợ Sơn Giang (Sơn Hà).

Vai trò của ban quản lý, tổ quản lý chợ chỉ dừng lại ở việc thực hiện chức năng thu phí để chi trả công tác quản lý, vệ sinh môi trường tại chợ, chưa có quyền tự chủ và tư cách pháp nhân trong việc huy động nguồn vốn; vay vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ; trang thiết bị phục vụ công tác chưa đảm bảo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế.

Do đó vấn đề lựa chọn mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là cần thiết. Ông Nguyễn An- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Do đặc điểm của các chợ trên địa bàn tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn bỏ vốn để đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Chính vì vậy việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo mô hình Hợp tác xã (HTX) kinh doanh, quản lý chợ là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

HTX kinh doanh, quản lý chợ là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ kinh doanh, những thương nhân có quan hệ trao đổi hàng hoá và làm dịch vụ tại chợ, xã viên có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật, để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia HTX, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế- xã hội cho từng địa phương.

Ngoài ra, khi tham gia HTX kinh doanh, quản lý chợ, xã viên sẽ được chia lãi theo tỷ lệ vốn đóng góp và theo qui mô sản xuất kinh doanh- dịch vụ của HTX. Mỗi xã viên có quyền ngang nhau trong việc quyết định các hoạt động của HTX. Ban quản lý HTX là người đại diện cho xã viên, thực hiện ý chí của xã viên, trong đó những vấn đề lớn mà xã viên quan tâm như: Xây dựng phương án phát triển hoạt động kinh doanh của HTX; các nguồn vốn cần đóng góp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; phân phối lợi nhuận...

Hiện nay, việc chuyển đổi các hình thức quản lý chợ (ban quản lý hay tổ quản lý) sang mô hình HTX dễ dàng hơn mô hình doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ. Vì khi chuyển sang mô hình HTX, nguồn vốn của Nhà nước sẽ không mất đi, còn nếu HTX giải thể thì nguồn vốn này được giao lại cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. Mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ sẽ giúp công tác quản lý, kinh doanh chợ hiệu quả.

Khi đó HTX sẽ chủ động về tài chính, chợ được nâng cấp, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho chợ và quản lý điều hành không phải phụ thuộc ngân sách Nhà nước. Nhờ đó lực lượng kinh doanh tại chợ sẽ góp phần bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, HTX quản lý, kinh doanh chợ luôn hướng đến mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở xã viên là thành viên được hưởng lợi. HTX còn hỗ trợ xã viên về: Vốn vay, khai thác nguồn hàng, hợp tác mua bán… để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Để quyết định sự thành công của mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ thì hình thức tổ chức ban quản lý chợ đóng vai trò quan trọng. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động, quy mô của chợ và điều lệ của từng HTX, để quy định tổ chức bộ máy quản lý chợ hoạt động sao cho phù hợp. Theo ông Phó Giám đốc Sở Công thương có 2 mô hình ban quản lý chợ có thể áp dụng.

Thứ nhất, nếu HTX đang hoạt động được giao quản lý chợ thì có thể thành lập Ban quản lý chợ là một bộ phận trực thuộc của HTX, ban quản lý HTX sẽ cử thành viên làm trưởng ban quản lý chợ.

Thứ hai, nếu HTX được thành lập mới trên cơ sở Ban quản lý chợ hiện có hoặc HTX được hình thành mới trên cơ sở huy động vốn của xã viên và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng chợ mới thì Ban quản lý HTX đồng thời là Ban quản lý chợ. Sau đó nếu định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX được mở rộng và đủ điều kiện thì Ban quản trị sẽ quyết định phân công thành viên làm trưởng ban quản lý chợ.

Thiết nghĩ, mô hình này là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế ở Quảng Ngãi vào thời điểm hiện tại. Hy vọng trong thời gian đến, các cấp, ngành sẽ phối hợp nghiên cứu, để áp dụng hiệu quả mô hình này tại các chợ, góp phần vào sự phát triển thương mại vùng nông thôn.

NGUYỄN TRIỀU

.