Chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng XHH: Hướng đi phù hợp

02:03, 28/03/2011
.

(QNg)- Chợ xuống cấp, mất vệ sinh, mất an toàn, hoạt động kém hiệu quả là thực trạng chung của nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động là yêu cầu đang đặt ra để hệ thống chợ thật sự phát huy hiệu quả.

CHỢ CHỜ... VỐN:

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 156 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, 16 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3. Tuy nhiên thực tế hầu hết các chợ đều xuống cấp (ngoại trừ một số chợ mới được đầu tư). Điểm yếu dễ thấy nhất là công tác vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu kém. Ngoài ra hầu hết các chợ chưa có hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống vệ sinh công cộng, cấp nước sạch do đó đã ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi mua bán hàng hóa tại các chợ.
 
Khách hàng mua sắm tại chợ cũ Quảng Ngãi.
Khách hàng mua sắm tại chợ cũ Quảng Ngãi.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng vấn đề chính là do bất cập của mô hình tổ chức quản lý chợ như hiện nay.  Các ban quản lý, tổ quản lý chợ hiện không đủ tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ. Trong khi đó việc chuyển đổi mô hình quản lý theo Nghị định số 02 và 114 của Chính phủ đang trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2008 đến nay các huyện đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban quản lý các chợ trên địa bàn, nhưng hầu hết các ban quản lý, tổ quản lý chợ chỉ làm một việc duy nhất là thu phí chợ, thu hộ thuế cho cơ quan thuế, mà nhiệm vụ chính như bảo trì, nâng cấp các công trình chính của chợ còn bỏ ngỏ.
 
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm đến đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng chợ. Nhiều địa phương thiếu năng động trong việc huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển chợ mà chỉ trông chờ nguồn vốn cấp trên. Và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách có hạn, mỗi năm chỉ bố trí trên dưới 10 tỷ đồng. Địa phương "nằm chờ vốn" nên có năm, có huyện lập kế hoạch đầu tư xây dựng chợ nhưng không xây dựng được một chợ nào. 

Một điểm đáng chú ý là lực lượng thương nhân hoạt động kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh khoảng trên 24 ngàn hộ. Điều này cho thấy chợ đang là "nguồn sống" cho rất nhiều người, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại. Vì thế yêu cầu xã hội hóa trong đầu tư, khai thác kinh doanh và quản lý chợ để phát huy hiệu quả của các chợ đang là vấn đề đặt ra.

Hiện nay trong cả nước đã có 9 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực này. Và theo khảo sát, đánh giá của Sở Công thương thì, phần lớn các địa phương triển khai thực hiện, lợi ích mang lại khá rõ nét.

DOANH NGHIỆP VÀO CUỘC:

Cuối cùng thì những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư mới xây dựng Chợ Quảng Ngãi cũng được "hóa giải" khi UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án này. Đây là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác và quản lý, nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.
 
Quyết định không di dời, tái định cư cho 16 hộ dân (nằm trên dường Ngô Quyền và Nguyễn Bá Loan nằm trong vị trí quy hoạch và xây dựng Chợ Quảng Ngãi) là nguyên nhân chính làm dự án này chậm tiến độ... 34 tháng - đã tháo gỡ "nút thắt" để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án này. Hiện Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đơn vị trúng thầu đã điều chỉnh quy hoạch và quy mô xây dựng chợ trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
 
 Mô hình chợ Châu Ổ sau khi hoàn thành xây dựng.
Mô hình chợ Châu Ổ sau khi hoàn thành xây dựng.

Không kéo dài như dự án Chợ Quảng Ngãi, dự án Chợ Châu Ổ (Bình Sơn) được  Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng Tân Ốc Đảo đầu tư xây dựng khá thuận lợi, do ít vướng trong khâu giải phóng mặt bằng (xây trên nền khu đất chợ cũ). Với tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, theo thiết kế chợ Châu Ổ mới có diện tích hơn 14 nghìn mét vuông, có nhà lồng, một tầng trệt, 2 tầng lầu...
 
Khởi công giữa năm 2010, hiện chủ đầu tư đang tiến hành đóng ép cọc, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011. Còn ở huyện miền núi Sơn Hà, chính quyền địa phương này cũng đã khởi động thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Di Lăng theo mô hình quản lý mới.

Như vậy, xã hội hóa công tác đầu tư, khai thác kinh doanh và quản lý chợ là hướng đi phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi thực tế nguồn ngân sách không kham nổi, vì nhu cầu đầu tư là rất lớn. Vấn đề là, các cấp chính quyền cần vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

*Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn An:  Thực hiện mô hình quản lý chợ với sự tham gia của doanh nghiệp hay các hợp tác xã... chúng ta mới có điều kiện huy động nguồn lực tài chính để đầu tư, nâng cấp các chợ (vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở chợ). Đặc biệt là với cách làm này chúng ta sẽ gắn được trách nhiệm, quyền lợi của đối tượng tham gia nhằm khai thác, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển mạnh hơn nữa. Hiện nay Sở đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thành phố, để nắm tình hình thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng chợ, để hỗ trợ, hướng dẫn về chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

*Ông Huỳnh Chánh-Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi: Phương án xây dựng mới chợ Quảng Ngãi đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 318/QĐ-UBND ngày 29/2/2008. Quy mô chợ gồm 3 tầng và 1 tầng hầm (giai đoạn 1), sau nâng lên thành 5 tầng (giai đoạn 2). Tuy nhiên đến nay dự án đã bị chậm 34 tháng. Sau khi Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc, UBND thành phố đã hoàn thành các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch điều chỉnh. Thành phố đã gởi văn bản đề nghị Sở Xây dựng thẩm định phương án điều chỉnh quy hoạch, quy mô xây dựng. Nhìn chung, mọi khó khăn sẽ được thành phố tập trung giải quyết để có thể khởi công xây mới chợ vào tháng 5/2011.

*Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tân Ốc Đảo Nguyễn Văn Sơn: Theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh và huyện Bình Sơn, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây mới chợ Châu Ổ. Song song với triển khai xây dựng, công ty cũng đã cử cán bộ đi học tập mô hình quản lý chợ ở một số tỉnh, thành. Nhìn chung dự án triển khai khá thuận lợi, bởi tỉnh, huyện đều tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án. Cái khó hiện nay là thủ tục đất đai vẫn chưa giải quyết xong, nên công ty rất khó trong việc vay vốn ngân hàng. Nếu sớm giải quyết vấn đề này thì công ty sẽ thuận lợi hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

*Ông Ngô Văn Tươi-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi: Việc chậm giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư đã làm cho dự án đầu tư chợ Quảng Ngãi chậm tới 3 năm. Dự án chậm triển khai làm công ty mất cơ hội kinh doanh, kinh phí đầu tư cho dự án buộc "đội lên" 50-60%. Hiện nay sau khi giải quyết vướng mắc, nếu Sở Xây dựng thẩm định điều chỉnh quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 3 thì tháng 4, Công ty sẽ tiến hành thiết kế cơ sở, đồng thời xin chủ trương vừa thiết kế kỹ thuật, vừa thi công để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác có hiệu quả.

*Ông Phan Châu Trinh-Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huỵên Sơn Hà: Chủ trương của huyện Sơn Hà là sẽ sớm thực hiện theo mô hình quản lý chợ mới để nâng cao hiệu quả khai thác chợ. Chợ Di Lăng vừa được đầu tư, xây mới hơn 4,2 tỷ đồng, đây là chợ trung tâm của huyện không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa mà còn nằm trong kế hoạch đầu tư, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng trung tâm huyện. Hiện chúng tôi tạm thời giao cho HTX Dịch vụ Điện Sơn Hà quản lý. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là quyết định tạm thời vì huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình phù hợp trước khi bàn giao chính thức.


Hoàng Triều

.