(QNĐT) - Giữa tháng 4 vừa qua, tin đồn phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến nước biển đã gây cơn sốt khiến muối Sa Huỳnh đột ngột tăng giá lên gấp đôi, diêm dân vui như “tết”. Thế nhưng, niềm vui ấy chỉ được vài ngày, sau đấy điệp khúc buồn “giá rẻ như bèo” lại nhanh chóng tái diễn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* 50 kg muối = 1 tô phở
Vào những ngày nắng nóng tháng 6 này, chúng tôi về cánh đồng muối Sa Huỳnh nằm trên địa bàn thôn Long Thạnh và Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nắng bỏng rát cùng với gió biển thổi mạnh mang theo vị mặn chát, khiến cho không khí ngột ngạt đến khó chịu. Thời tiết đang nắng gắt là điều kiện thuận lợi cho diêm dân ra đồng làm muối, ấy thế mà trên những cánh đồng muối ấy chỉ có vài diêm dân ra đồng.
Đưa bàn tay gầy, sạm nắng quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bà Ngô Thị Thu, ở thôn Tân Diêm buồn bã: “Mọi năm, vào thời điểm này là muối trắng đồng, còn năm nay đang vào chính vụ mà ông trời cứ đổ mưa liên tục. Với diện tích hơn 1.500 m 2 ruộng muối mà từ tháng hai đến giờ tôi chỉ thu được có hơn 3,5 tấn được 1,5 triệu đồng. Cùng với diện tích này, nếu trời nắng ráo chỉ mất 15 ngày là có thể thu được 1,5 tấn. Càng ngày mưa càng nhiều, khiến việc sản xuất muối lại càng khó khăn thêm cộng với giá rẻ như bèo đẩy diêm dân vào cảnh cùng cực. Chúng tôi chỉ biết than trời chứ biết kêu ai bây giờ?”.
Để làm ra hạt muối, diêm dân phải mất rất nhiều công sức từ khâu vệ sinh ruộng, đầm ruộng, vô cát, vô nước, đo nồng độ mặn rồi chờ thời gian kết tinh thành muối…Quy trình ấy mất khoảng nửa tháng thì hạt muối mới kết tinh. Năm nay mưa đến sớm, từ đầu vụ đến giờ, những cơn mưa xuất hiện thường xuyên hơn, các trận mưa lớn thất thường đã làm ngập úng đồng muối, lúc đó chỉ còn biết nhìn trời mà khóc. Cứ sau mỗi cơn mưa thì diêm dân phải làm đi làm lại công đoạn này.
Khổ cực trăm bề nhưng hạt muối làm ra bán không ai mua. Có mua thì cũng với giá rẻ mạt: “Với giá 400 đồng/kg như hiện nay thì diêm dân chúng tôi cầm chắc thua lỗ. Mỗi ngày chúng tôi kiếm chưa được 20.000 đồng thì lấy đâu nuôi con ăn học, rồi trang trải cuộc sống”. Ông Nguyễn Văn Đi nói giọng đầy chua chát.
Đã bao đời nay, diêm dân vùng muối Sa Huỳnh bám vào đồng muối để sống. Biết bao giọt mồ hôi công sức đổ xuống đồng muối. Với nghề khác, người ta làm khi trời mát mẻ và nghỉ ngơi khi nắng to thì nghề này ngược lại. Nắng càng to diêm dân càng mừng. Nắng to nhất là lúc phải phơi mặt ra đồng để trang nước.
Diêm dân dãi nắng dầm sương, bán mặt cho muối bán lưng cho trời nhưng muối Sa Huỳnh còn nhiều tạp chất không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên đầu ra cho sản phẩm hầu như phụ thuộc vào các tư thương. Muối rớt giá, tư thương tha hồ o ép diêm dân. Cuộc sống của người dân khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Bởi vậy, những người trẻ không mặn mà với nghề. Vì cuộc sống mưu sinh họ phải ly hương . Một số khác chuyển sang đi bạn trên những tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ.
Trên những cánh đồng giờ chỉ thấy người già, phụ nữ hằng ngày vật vã giữ gìn cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Đi khắp các cánh đồng muối, đến đâu cũng nghe diêm dân than thở với giọng buồn nặng trĩu: “Bán 50 kg muối mới ăn được một tô phở”. Nghe câu nói ấy, mấy ai không thấy xót xa nhất là trong bối cảnh vật giá leo thang đến cho chóng mặt như hiện nay.
*Quyết tâm giữ nghề
Hiện xã Phổ Thạnh có 867 hộ diêm dân trên địa bàn hai thôn Long Thạnh và Tân Diêm làm nghề sản xuất muối từ bao đời nay trên diện tích khoảng 112 ha. Cách đây 5 năm, khi Nhà máy Muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh được đầu tư xây dựng ngay cạnh cánh đồng muối khiến nông dân mừng như mở hội vì đã có nơi thu mua, chế biến muối cho diêm dân.
Ấy thế mà, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động lấy lý do muối Sa Huỳnh làm trên nền đất, chất lượng không tốt, lẫn nhiều tạp chất, nên mỗi vụ nhà máy chỉ mua của diêm dân Sa Huỳnh được vài chục tấn, còn lại đi thu mua ở các tỉnh khác. Được vài năm, do làm ăn kém hiệu quả, nhà máy đóng cửa. Thế là dự án 5 tỷ đồng này không mang lại lợi ích cho diêm dân Sa Huỳnh như họ hằng ước mơ.
Cuộc sống của 867 hộ diêm dân vẫn đang đối mặt với bao khó khăn chồng chất. Nhiều hộ chẳng còn cách nào khác là phải gánh muối đi bán dạo hoặc đổi lúa ở khắp các địa phương. Nhưng bán dạo thì hỏi mấy ai mua, biết bao giờ mới hết muối?
Với các diêm dân thì đây là nghề truyền thống mà bao đời cha ông để lại, họ hy vọng nhà nước có những chính sách hỗ trợ để diêm dân giữ nghề. |
Với quyết tâm nhằm tạo điều kiện cho diêm dân giữ gìn và phát triển nghề muối truyền thống của địa phương, dự án quy hoạch lại đồng muối Sa Huỳnh thành vùng sản xuất chuyên canh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, chính quyền địa phương sẽ tiến hành đo đạc diện tích hiện trạng đang được sử dụng để sản xuất muối, làm cơ sở để triển khai cấp sổ đỏ cho diêm dân để diêm dân đầu tư, sản xuất muối trên nền xi măng theo hướng công nghiệp sạch. Diêm dân lại một lần nữa đặt niềm hy vọng. Thế rồi niềm vui ấy cũng vụt tắt khi dự án bị treo suốt nhiều năm.
“Đây là nghề mà bao đời nay cha ông để lại, chúng tôi sẽ quyết tâm giữ nghề nếu được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn nhưng cũng lo lắng vì sợ vay vốn ngân hàng đầu tư rồi giá cả vẫn không được cải thiện là mấy. Giá phải gấp đôi hiện nay trở lên thì diêm dân mới có lãi chứ vay vốn, đầu tư rồi mà giá vẫn vậy thì biết lấy đâu mà trả lãi ngân hàng”. Ông Nguyễn Hiệp, ở thôn Tân Diêm phân vân.
Ông Lê Hữu Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết, năm nay mưa nhiều, đặc biệt là các trận mưa lớn hồi tháng ba vừa qua khiến sản lượng muối giảm đáng kể. Ghi nhận đến thời điểm này, sản lượng muối của địa phương mới chỉ đạt hơn 3.000 tấn. Trong khi đó chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết mùa vụ. E rằng sẽ không đạt năng suất và sản lượng muối của năm.
Hiện ngân hàng chính sách đã giải ngân cho hơn 100 hộ diêm dân có nhu cầu vay vốn được 1,3 tỷ đồng để xây nền xi măng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng muối Sa Huỳnh. Dự tính, nếu sản xuất muối theo hướng này, sản lượng muối sẽ tăng 1,5 lần so với phương thức truyền thống, đồng thời giá muối sẽ tăng lên đáng kể vì không lẫn các tạp chất.
Hy vọng, với quyết tâm giữ nghề của diêm dân cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước, người dân nơi đây sẽ tiếp tục gắn bó với ruộng muối, để câu hát:
“Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết, như những tấm lòng hiền hậu thủy chung” sẽ còn vang mãi trong lòng người.
Ái Kiều