Trồng rau màu phủ bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao

09:03, 23/03/2011
.

(QNg)- Những năm qua, ở Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến mô hình trồng rau màu phủ bạt tại xã Bình Dương (Bình Sơn).
 
Việc áp dụng phủ bạt trong sản xuất cây rau màu được coi là bước đột phá của nông dân Bình Dương. Nhờ đó hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
 
 
 
Mô hình trồng rau màu phủ bạt của nông dân Bình Dương (Bình Sơn). 
Mô hình trồng rau màu phủ bạt của nông dân Bình Dương (Bình Sơn). 

HTX Nông nghiệp xã Bình Dương hiện có trên 70 ha đất chuyên trồng cây rau màu. Những năm qua nhờ không ngừng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nên hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng đáng kể. Trung bình mỗi hecta đất chuyên canh rau màu cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng. Cá biệt có mô hình trồng ớt cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Từ những chân ruộng được dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân trồng cùng một giống rau màu, nông sản cùng lúc, nên tư thương thu mua thuận lợi. Nét mới trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương là việc phủ bạt trên diện tích cây rau màu (ớt, khổ qua, bí đao, cà chua, cà tím và một số cây trồng khác).

Ông Nguyễn Đừng (ở thôn Mỹ Huệ) là hộ trồng rau màu cả năm đạt hiệu quả cao cho biết: Năm 2003 được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện và tỉnh, ông đã đầu tư gần 2 triệu đồng để mua bạt phủ toàn bộ 9 sào đất trồng rau màu của gia đình. Bước đầu nhờ áp dụng mô hình này trong sản xuất rau, nên đã có hiệu quả cao. Mỗi năm trừ chi phí ông Đừng thu lãi trên 100 triệu đồng. Ông chia sẻ kinh nghiệm; "phủ bạt mặc dù tốn chi phí, nhưng bù lại nó tiết kiệm được công  làm cỏ, giảm tiêu hao lượng phân bón trong đất".

Chúng tôi trao đổi với nhiều nông dân về việc phủ bạt trên diện tích trồng cây rau màu, thì được biết: Sau khi hoàn thành khâu làm đất, một giải pháp mang tính kỹ thuật được áp dụng khá phổ biến hiện nay ở những vùng trồng rau là phủ bạt cho đất, để giữ ẩm, chống xói mòn rửa trôi, tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, hạn chế cỏ dại… Tùy từng chân đất mà bà con chọn loại cây trồng thích hợp. Đối với đất chuyên trồng cây rau màu, nông dân Bình Dương thường chọn cây ớt, khổ qua và bí đao. Toàn xã hiện có trên 50  héc ta ớt, thì hiện phần lớn nông dân đã chọn cách trồng phủ bạt, đã giúp nhà nông tranh thủ được thời tiết, công lao động và hạn chế được sâu bệnh.

Hiện nay phần lớn diện tích đất chuyên canh ràu màu ở xã Bình Dương được nông dân áp dụng việc phủ bạt để sản xuất. Nhờ đó mà hiệu quả kinh tế trong năm 2010 rất cao. Tổng thu nhập từ cây rau màu của nông dân toàn xã đạt trên 67 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật ở xã Bình Dương không phải là việc làm tự phát của nông dân, mà có chiến lược cụ thể được HTX có chủ trương. Hiện nay phần lớn cây rau màu ở Bình Dương được cung ứng cho địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất.  Ngoài ra hàng nông sản, nhất là ớt ở Bình Dương còn được tiêu thụ ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.

Có thể nói bằng kinh nghiệm sản xuất, nông dân Bình Dương đã mạnh dạn áp dụng và nhanh chóng nhân rộng việc phủ bạt trên diện tích cây rau màu. 100% diện tích đất chuyên canh rau màu ở Bình Dương được nông dân chọn cách phủ bạt. Không chỉ ở địa phương, mà nông dân ở các xã Bình Thới, Bình Long, Bình Trung... cũng đã học hỏi và áp dụng cách phủ bạt vào sản xuất cây rau màu, nhằm có giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

   Quang Huy

.