(QNg) - Hơn 3 thế kỷ trôi qua, quần đảo Hoàng Sa đã in bao dấu chân của nhiều thế hệ người dân Quảng Ngãi. Thời triều Nguyễn, người dân An Vĩnh (tức Tịnh Kỳ- huyện Sơn Tịnh) và dân huyện đảo Lý Sơn sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đặt chân trên đảo cắm mốc chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tủ ốc chứa đầy ký ức
52 tuổi đời, nhưng ông Võ Duy Bạch - thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã có hơn 30 năm đi biển. Trong đó có 10 năm đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Giờ không còn "cầm cương" con tàu ra khơi đánh bắt, nên ông nhớ biển lắm.
Tủ ốc của ông Võ Duy Bạch chứa đầy kỷ niệm về Hoàng Sa. |
Cách đây chừng 20 năm (lúc đó ông Bạch mới 32 tuổi) nghe tin những bạn thuyền trên đảo Lý Sơn bảo rằng, ngoài đảo Hoàng Sa có nhiều hải sản quý nên ông đánh liều đưa tàu ra khơi. Thời điểm tháng 3 buồm no gió, nhưng phải mất 3 ngày đêm lênh đênh trên sóng nước, tàu mới đến đảo Hoàng Sa. Từ xa anh em đã thấy vệt lóng lánh vàng quẹt dài trên bầu trời. Những bạn thuyền từ các tàu ở Lý Sơn đi cùng bảo đó là quần đảo Hoàng Sa. Nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ nữa, tàu mới đến được đảo Hai Trụ - đảo đầu tiên của vùng biển đảo Hoàng Sa. Cảnh đẹp như trong tranh, anh em ngước nhìn trời chim bay rợp bóng, nhìn xuống nước cá ken dày như gạo, nhìn đảo có những rặng dừa xanh. Sau những phút làm quen với vùng biển mới, anh em bạn thuyền quăng lưới giăng chài. Trong chốc lát, cá mắc kín lưới. Đánh bắt trong 2 ngày, thuyền các ông đã đầy cá. Chuyến ra khơi đầu tiên đến quần đảo Hoàng Sa đánh bắt cá được nhiều, nhưng cá bán chẳng có lời bao nhiêu. Ông Bạch quyết định chuyển sang nghề đi lặn...
Đêm đầu tiên của chuyến biển đi lặn đã khắc sâu vào tâm trí của ông Bạch cho đến hôm nay. Ông bảo: Giờ phút mà chuẩn bị lặn xuống lòng biển xanh anh em ai cũng hồi hộp. Sau khi cúng âm linh nơi biển khơi, Thanh Hảo là tay lặn chính của tàu đã xin phép lặn trước. Chỉ có một hơi lặn ngắn mà hai tay của chú đã cầm hai con hải sâm giơ lên khỏi mặt nước và bảo với mọi người còn vô số hải sâm, đồn đột, đồi mồi, ốc tai tượng... dưới đáy biển. Đêm đó anh em bắt được 170 con, rồi sau đó chẳng ai buồn tính nữa. Chuyến lặn biển Hoàng Sa đầu tiên đó anh em đã trở về thu lợi gấp 3 lần so với đánh cá.
Rồi những chuyến biển đến với Hoàng Sa ngày càng dày hơn, nhanh hơn. Những bước chân của ông và nhiều ngư dân đi cùng đã in đậm trên những đảo Ông Già, Bom Bay, Đá Lồi, Phú Lâm, Xà Cừ, Cây Bàng... lượm trứng vích, ba ba, đồi mồi, trứng chim nhiều vô kể mỗi khi đêm chưa xuống... Có những chuyến lại ghé Đảo Nhài (đảo toàn cây nhài mọc kín) hái trái và đào rễ về dầm rượu uống chữa đau lưng. Mỗi chuyến biển trở về ông Bạch không chỉ chở hải sản đầy thuyền, mà còn lượm một số con ốc đẹp để làm kỷ niệm cho những chuyến đi. 10 năm ra vào ở đảo Hoàng Sa đem lại cho ông và anh em bạn tàu số tiền khá lớn. Con cái thấy nghề lặn nhọc nhằn mà tuổi ông đã lớn, nên khuyên ông giải nghệ nghề lặn chuyển sang làm dịch vụ cung cấp đá cây. Ông đành nghe theo, nhưng lòng ông thì nhớ biển xanh, nhớ nhiều đến những hòn đảo và những bãi cát vàng muôn dặm...
Tiếp nối nghề của cha ông...
Ông Phạm Đậu ở xóm Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) từ nhỏ đã được nghe nhiều những câu chuyện về Hoàng Sa từ cha của mình và từ những thợ lặn trong xóm sau mỗi chuyến biển trở về. Năm ông tròn 20 tuổi, cha ông không còn sức nữa nên ông Đậu đã nối nghiệp cha ra khơi. Đêm đầu tiên lặn ở Hoàng Sa, tàu ông đã bắt được gần 400 con hải sâm, đồi mồi... và sau hai đêm kế tiếp tàu ông lại bắt thêm trên 800 con đồi mồi, hải sâm nữa đem bán thu được trên 100 triệu đồng.
Tàu thuyền ra khơi đầy ắp niềm vui. |
Cùng tuổi với con trai ông Đậu, đánh bắt ở Hoàng Sa còn có anh Dương Hoa - 32 tuổi quê ở xã An Lý (Lý Sơn). Tàu anh vừa cập bến cảng Sa Kỳ sau chuyến đánh bắt 20 ngày từ vùng biển Hoàng Sa trở về. Cầm con hải sâm giơ lên, anh cười nói: Loài này ngoài biển Hoàng Sa còn nhiều lắm, có giá trị đến 500.000 đồng/kg. Chuyến biển này thu được hơn 200 triệu đồng, khởi đầu cho một năm làm ăn thuận lợi nơi đảo Hoàng Sa.
Bao đời đi biển, rồi những ngư dân dạn dày sóng gió cũng rút ra được nhiều bài học ở biển khơi. Người thì tiếp tục truyền lại kinh nghiệm đánh bắt, trao cho con "cầm cương" những con tàu ra với đảo Hoàng Sa nối tiếp thế hệ cha ông... Nhưng tất cả, họ đều biết nguồn sống để nuôi ý chí ước mơ đổi đời của họ từ vùng biển đảo Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc, mà cố gắng làm tốt những phần việc mình đang thực hiện và càng yêu biển hơn.
Bài, ảnh: Mai Hạ