(QNĐT)- Trước khi quyết định đầu tư tại KKT Dung Quất, nhiều nhà đầu tư ở lĩnh vực sản xuất hàng hoá xuất khẩu như may mặc, chế biến gỗ, trang trí nội thất đều có ý định sẽ xuất hàng hoá qua cảng Dung Quất ra các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp ở đây không thể xuất khẩu hàng qua hệ thống cảng ở Dung Quất, mà phải xuất qua các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, một số ít ở cảng Đà Nẵng. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, mất thời gian cho các doanh nghiệp, đồng thời là một cản trở lớn trong việc thu hút đầu tư ở Dung Quất.
Nếu lượng hàng khoảng 200 container/tuần thì cảng Dung Quất có thể mở chuyến tàu container. |
Khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất hiện có gần 20 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng chế biến gỗ, trang trí nội thất, may mặc, chế biến dăm gỗ… Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp ở đây xuất khẩu khoảng 800 ngàn tấn sản phẩm đi các nước Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch. Mặc dù đầu tư, sản xuất tại KKT Dung Quất, thế nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chưa thể xuất khẩu hàng qua hệ thống cảng Dung Quất mà phải xuất khẩu qua các cảng TP. Hồ Chí Minh
Ông Văn Hữu Thành – Giám đốc Nhà máy may Dung Quất cho biết:
“Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xuất khẩu vì tất cả hàng hoá đều phải đưa vào thành phố Hồ Chí Minh, hoặc ra Đà Nẵng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Dung Quất có cảng nhưng không đủ điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng”.
Theo nhiều doanh nghiệp, các mặt hàng chế biến gỗ, trang trí nội thất, may mặc xuất khẩu qua cảng theo hệ thống tàu vận chuyển container. Khi cập cảng, mỗi tàu này phải nhập hàng và xuất hàng ít nhất từ 200 container, tương đương 5.000 - 8.000 USD trở lên thì mới đủ chi phí để tàu cập cảng. Tuy nhiên, do lượng hàng hoá xuất khẩu bằng container ở Dung Quất chỉ đạt 80 đến 100 container/ lần, nhiều kiện hàng rời rạc nên cho đến nay không thể mở được tuyến tàu container. Điều này đã gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp ở KKT Dung Quất.
Để vận chuyển hàng hoá, nhiều doanh nghiệp ở đây bắt buộc phải vận chuyển qua các cảng thành phố Hồ Chí Minh, một số ít ở cảng Đà Nẵng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, quá trình xuất khẩu qua các cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, từ khi vận chuyển hàng bằng đường bộ vào cảng đến khi hoàn tất phải mất từ 6 đến 7 ngày, chi phí cao gấp 1,5 lần. Trong khi đó, nếu xuất qua cảng Dung Quất, thời gian sẽ giảm một nửa và chi phí thấp hơn rất nhiều.
“Hiện nay chúng tôi phải xuất qua cảng Hồ Chí Minh nên không chủ động về thời gian, chi phí vận chuyển rất lớn. Từ quá trình kiểm tra, vận chuyển hàng từ nhà máy ra đến các cảng, nhận bộ chứng từ để giao hàng đi các nước mất từ 6 đến 7 ngày, mình lại không chủ động thời gian nên rất khó khăn” - Bà Võ Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu chia sẻ.
KKT Dung Quất hiện có 2 cảng là Bến số 1 và cảng Gemandep, có thế mạnh là cảng nước sâu, hoàn toàn có thể tiếp nhận tất cả các loại tàu chở hàng hoá xuất nhập qua cảng. Thế nhưng cho đến nay hệ thống cảng này chỉ tiếp nhận các mặt hàng dăm gỗ, xi măng, cát, chưa được khai thác hết tiềm năng, trong khi đó các doanh nghiệp phải xuất hàng ở các cảng xa hơn, gây thiệt thòi cho chính doanh nghiệp cũng như khu kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng dịch vụ bến số 1 Cảng Dung Quất khẳng định:
“Cảng Dung Quất hoàn toàn có thể tiếp nhận tất cả các loại tàu từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn. Nếu lượng hàng khoảng 200 container/tuần thì chúng tôi có thể mở chuyến tàu container, lúc đó chi phí xuất hàng sẽ rẻ hơn rất nhiều”.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, thì do không xuất khẩu được hàng hoá qua cảng Dung Quất nên trong 2 năm trở lại đây nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ còn e ngại khi đầu tư vào khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất.
Bài, ảnh: Quang Minh