Quốc tế giảm, tại sao trong nước giá vé máy bay tăng?

02:03, 03/03/2010
.

Từ 1/3, giá trần vé máy bay nội địa phổ thông của Việt Nam đã chính thức tăng. Trong khi đó, hàng không thế giới vẫn đang tìm cách tăng cường liên minh liên kết để hạ bớt chi phí và giá dịch vụ.
 
Đã tăng, còn tăng tiếp
 
Theo Quyết định số 387/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, giá trần vé máy bay nội địa hạng phổ thông được tăng từ 100.000 - 180.000 đồng/vé/chiều kể từ ngày 1/3.
 
 
Hàng không thế giới chọn liên minh liên kết để giảm chi phí, hạ giá vé. (Ảnh: abc)
Hàng không thế giới chọn liên minh liên kết để giảm chi phí, hạ giá vé. (Ảnh: abc)
Như vậy, trần giá vé máy bay được điều chỉnh ở 4 loại đường bay. Cụ thể, đường bay có cự ly dưới 300 km là 682.000 đồng; đường bay từ 300 đến dưới 500 km là 864.000 đồng; đường bay từ 500 km đến dưới 850 km là 1,182 triệu đồng và đường bay từ 850 km trở lên là 1,819 triệu đồng.
 
Giá vé phổ thông cao nhất của đường bay chính trong mạng bay nội địa Hà Nội – TP.HCM là 2,03 triệu đồng thay vì mức 1,811 triệu đồng như hiện nay (giá đã bao gồm thuế, phí và lệ phí).
 
Tờ Người Lao động dẫn lời ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết, đây là đợt điều chỉnh không đáng kể về biên độ nhưng lại rất quan trọng đối với các hãng hàng không. Vì từ năm 2008 đến nay, trần giá vé không được nâng lên trong khi chi phí đầu vào của ngành hàng không biến động rất lớn.
 
Nếu không điều chỉnh, các hãng bị hạn chế khả năng linh hoạt giá vé phù hợp với nhu cầu của các phân thị khách và kích cầu thị trường. Hơn nữa, hoạt động của hãng hàng không phụ thuộc lớn vào tỉ giá USD nên tỉ giá USD/VNĐ biến động mạnh, rất có thể sẽ có đợt điều chỉnh tiếp theo.
 
Đã rẻ, còn rẻ hơn
 
Hôm 6/1, Jetstar và AirAsia tuyên bố sẽ hợp thành một liên minh mới nhằm giảm chi phí, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và mang lại mức giá rẻ hơn cho cả hai hãng.
 
Jetstar là hãng hàng không giá rẻ thuộc Tập đoàn Qantas còn AirAsia, hãng hàng không lớn nhất có giá thấp nhất tại châu Á, có mạng lưới phạm vi dịch vụ với trên 113 tuyến bay đến hơn 60 điểm đến. Trong 8 năm hoạt động, AirAsia chuyên chở hơn 75 triệu lượt khách và gia tăng phi đội máy bay chỉ với 2 chiếc lên 85 chiếc vào thời điểm này.
 
Tổng Giám đốc điều hành Qantas Airways, ông Alan Joyce, cho biết, việc hợp tác chưa từng có trong lịch sử này sẽ mang lại cho Jetstar và AirAsia lợi thế tại một trong những thị trường hàng không cạnh tranh nhất thế giới.
 
Châu Á là thị trường hàng không phát triển và đã được chứng minh bằng sự phục hồi trong 12 tháng qua. Việc thành lập liên minh hợp tác sẽ đảm bảo cho cả 2 hãng tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng này.
 
Thoả thuận bao gồm việc hợp tác phát triển trong những lĩnh vực như: hai hãng cùng xem xét việc mua dòng máy bay thân hẹp để khai thác với chi phí thấp hơn, hiệu quả hơn, sắp xếp hỗ trợ nhau về việc quản lý hành khách xuyên suốt trên toàn mạng bay của AirAsia và Jestar... 
 
Năm 2010 vẫn khó khăn
 
Mới đây, tại một hội nghị quốc tế ở Singapore, Tổng Giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Giovanni Bisingani, tuyên bố ngành hàng không dân dụng thế giới cần ít nhất ba năm để khôi phục những vị thế của mình sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ trở lại đây.
 
Ông Bisingani cho biết, năm 2009, tổng thiệt hại của các công ty hàng không thế giới lên tới 11 tỷ USD. Tổng Giám đốc IATA cảnh báo rằng năm 2010 cũng được xem là một năm khó khăn đối với các công ty hàng không, vì vậy, cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí.
 
Đứng trước thực trạng này, 3 liên minh hàng không thế giới bao gồm Star, SkyTeam và One World đã chạy đua quyết liệt trong việc mở rộng, tạo dựng các bước liên kết gắn bó hơn để hình thành những khối liên kết mới, cắt giảm chi phí.
 
Vụ việc gần nhất là cuộc tranh giành hãng bay phá sản, Japan Airlines. Hôm 9/2, Japan Airlines đã quyết định ở lại với liên minh One World, không gia nhập SkyTeam. Việc "giữ chân" được JAL sẽ giúp liên minh này vươn tới châu Á-Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá là thị trường hàng không lớn nhất thế giới hiện nay.
 
SkyTeam, liên minh đã thua cuộc trong việc giành giật Japan Airlines, cũng có khoảng 10 hãng hàng không lớn gồm: Delta Airlines, Air France – KLM và China Southern Airlines... Được biết, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) mới đây cũng vừa hoàn tất các thủ tục cho việc gia nhập SkyTeam.
 
Trong khi đó, giám đốc tài chính của United Airlines nói rằng hãng bay này đang tìm kiếm đồng minh ở Nam Mỹ và Brazil. United là hãng sáng lập liên minh Star. Hiện Star đã có tới 26 thành viên, như Continental Airlines, US Airways.
 
Theo VNN

.