(Báo Quảng Ngãi)- Có nhiều câu chuyện đẹp về tấm lòng y đức của người thầy thuốc được người bệnh và nhân dân nhắc đến với tình cảm trân quý. Các y, bác sĩ đã cứu giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.
[links()]
Nhớ mãi ân tình
Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) đứng ngồi không yên. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tiêu cho biết, trên vùng cao này, chỉ cần có những cơn mưa lớn là nước sông, suối dâng cao chia cắt các xóm làng.
Đợi đến khi mưa tạnh, nước sông, suối cạn, có trường hợp bệnh nhân đến được trạm y tế đã rơi vào nguy kịch. Đơn cử như trường hợp của chị Phạm Thị Hâm (27 tuổi), ở thôn K’Rầy, xã Ba Tiêu. Giữa đêm 27/9/2022, chị Hâm chuyển dạ sinh con thứ 4, lúc này bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Trên địa bàn xã có mưa to, gió lớn.
Nhà chị Hâm bị tốc mái. Chị bị ướt sũng trong cơn đau. Thế nhưng, muốn đến được trạm y tế, chị phải vượt qua suối Glem và sông Re hoặc đường rừng. Giữa đêm tối mịt mù, nước sông càng lúc càng dâng cao, chị Hâm đành chịu đựng những cơn đau, đợi trời sáng.
|
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhân bị gỗ keo đâm xuyên ngực sau phẫu thuật. |
Mãi đến 6 giờ ngày 28/9, gia đình mới đưa chị vượt 5km đường gập ghềnh, vượt sông, suối để đến trạm y tế xã. Bác sĩ Ngọc nhớ lại, lúc này, ngoài trời vẫn còn mưa to, hệ thống điện bị cắt, sản phụ đau bụng dữ dội, dấu hiệu vỡ ối... Trường hợp này để sinh tại trạm rất nguy hiểm.
Thế nhưng, trong tình trạng khẩn cấp không thể đưa sản phụ lên tuyến trên, nên trạm đã liên lạc với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ nhờ hỗ trợ, đồng thời huy động toàn lực gồm 6 y, bác sĩ, nữ hộ sinh tập trung cứu sản phụ. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, chị Hâm đã sinh được bé trai nặng 3kg.
“May nhờ y, bác sĩ ở trạm y tế xã tận tình cứu giúp mẹ con tôi mới qua cơn nguy kịch. Gia đình tôi nhớ mãi ân tình này", chị Hâm xúc động nói.
Báo động đỏ - Cứu người trong đêm
Mới đây, Khoa Khám bệnh và Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) đã tiếp nhận cấp cứu một ca bệnh hy hữu. Đó là trường hợp bệnh nhân H.N.S (41 tuổi), ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) bị cây gỗ keo đâm thủng ngực, gãy sườn phải, nhập viện đêm 26/9/2022.
Hai lần được bác sĩ cấp cứu qua cơn nguy kịch Anh H.N.S chia sẻ, đây là lần thứ hai các y, bác sĩ ở BVĐK tỉnh giúp tôi thoát nạn. Lần đầu là năm 2017, tôi bị tai nạn lao động ở chân rất nặng, được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hồi ấy, phương tiện, thiết bị y tế còn thiếu, nhưng nhờ sự tận tâm của các y, bác sĩ đã kịp thời phẫu thuật nên đã giữ được cái chân cho tôi. Giờ bị tai nạn với xe chở keo và được các y, bác sĩ ở nơi đây cứu chữa. Tôi và gia đình rất biết ơn. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Chấn - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh) cho biết, bệnh nhân H.N.S vào viện trong tình trạng rất nặng, mệt, khó thở, khúc gỗ keo còn đâm xuyên ngang người.
Kíp trực ở khoa xác định đây là ca nguy hiểm nên đã phát tín hiệu báo động đỏ toàn bệnh viện, nhằm huy động bác sĩ ở các khoa cấp cứu, ngoại tổng hợp, ngoại tiêu hóa, gây mê hồi sức, huyết học để chuẩn bị các phương án cứu người.
Bác sĩ Chấn cùng bác sĩ chuyên khoa II Võ Văn Thịnh - Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa cùng với 8 y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật phát hiện bệnh nhân bị gãy 4 xương sườn, thủng phổi... Trong thời gian 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở ngực, rút cây gỗ keo ra khỏi người bệnh nhân, khâu cầm máu vết thương... Đồng thời, truyền 8 đơn vị hồng cầu khối và plasma tươi.
“Đối với vết thương ngực hở như bệnh nhân H.N.S do vật nhọn đâm xuyên qua lồng ngực, phổi đã thông thương với bên ngoài gây ra rối loạn suy hô hấp, mất máu nên có nguy cơ tử vong rất cao. Trường hợp này phải được phẫu thuật kịp thời. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân H.N.S đã ổn định", bác sĩ Chấn chia sẻ. Đây là trường hợp hy hữu thứ 2 bị cây gỗ keo đâm xuyên ngực được y, bác sĩ ở BVĐK tỉnh cứu sống.
A.NGUYỆT