Trên quê hương Khánh Lâm anh hùng

08:09, 03/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từng là căn cứ địa cách mạng, mang trong mình vết tích chiến tranh, nay thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) đã khoác tấm áo mới trên bước đường phát triển.
 
Những ngày cuối tháng Tám, trời thu xanh thẳm. Thôn Khánh Lâm đẹp và thơ mộng với những con đường chạy dọc bờ sông Hầm Giang rợp bóng cây xanh. Trên những cánh đồng lúa vàng ươm, nông dân nhộn nhịp trong mùa thu hoạch.
 
Vùng quê cách mạng
 
Trong tâm khảm của các thế hệ người dân ở thôn Khánh Lâm, tinh thần cách mạng của quê hương mãi là niềm tự hào. Ông Đào Duy Trâm (70 tuổi), ở thôn Khánh Lâm chia sẻ, khi nhân dân ở Khánh Lâm đứng lên kháng chiến chống Mỹ, tôi mới hơn 10 tuổi. Dù còn nhỏ, nhưng tôi đã cảm nhận được khí thế cách mạng lúc bấy giờ qua việc người dân đào hầm, dựng chòi giữa đồng để bám đất, bám vườn, tăng gia sản xuất, nuôi giấu cán bộ.
 
Bia tưởng niệm 84 người dân bị lính Nam Triều Tiên sát hại.                                                                      ẢNH: THỦY TIÊN
Bia tưởng niệm 84 người dân bị lính Nam Triều Tiên sát hại. ẢNH: THỦY TIÊN
Đặc biệt, một số thanh niên đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt như anh Trương Quang Khanh, Nguyễn Ngại, Đặng Kinh... Một số đồng chí trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào diệt tề trừ gian, tiếp tế cho cán bộ như anh Đặng Hồng Vân, Đào Nhị, Lý Tiền... Khí thế cách mạng lúc bấy giờ đã giúp tôi sớm giác ngộ và đi theo cách mạng từ năm 1966. Năm 1974, tôi được kết nạp vào Đảng. Năm 1981, tôi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện. Bây giờ, tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn thường dạy các con, các cháu hãy sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.
 
Chúng tôi cùng ông Trâm đến xóm Nho Lâm, vùng quê trải dài sắc vàng của lúa, xung quanh làng là những quả đồi.  Ở đó có những hầm địa đạo mà cán bộ đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Trâm cho biết, tại nơi này, 84 người dân trong thôn đã bị lính Nam Triều Tiên sát hại. Ngày 14/8 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ...
 
Ông  Đào Duy Trâm (bên phải) cùng người đồng đội ôn lại lịch sử quê hương.    ẢNH: THỦY TIÊN
Ông Đào Duy Trâm (bên phải) cùng người đồng đội ôn lại lịch sử quê hương. ẢNH: THỦY TIÊN
“Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Khánh Lâm đã trở thành vùng căn cứ địa cách mạng nuôi giấu cán bộ và là nơi đứng chân của các cơ quan chủ chốt của tỉnh, huyện, trở thành bàn đạp cho các phong trào kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Dấu tích ở chùa Khánh Vân là một minh chứng cho lịch sử cách mạng hào hùng của địa phương”, ông Trâm cho hay.
 
Người dân thôn Khánh Lâm vẫn nhớ như in ngày 14/8/1945, thời khắc nhân dân tỉnh nhà đứng lên khởi nghĩa. Ngày đó, Ủy ban Khởi nghĩa Khánh Lâm dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trương Quang Khanh, lực lượng nhanh chóng vây đánh quân địch tại các điểm chốt và giành thắng lợi ngay trong đêm. Sau đó, lực lượng phối hợp với các đội tự vệ trong huyện tiến về chiếm huyện đường, vây bắt toàn bộ quân địch. 
 
Những năm sau, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Sơn Tịnh, nhân dân Khánh Lâm đóng góp sức người, sức của góp phần cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Xây dựng quê hương giàu đẹp  
 
Chiến tranh đi qua, vượt qua mọi khó khăn, cán bộ, nhân dân thôn Khánh Lâm đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, từ năm 1993, khi nước từ công trình đại thủy nông Thạch Nham được đưa về đã tắm mát bao cánh đồng khô cằn. Nhân dân phấn khởi thi đua sản xuất, chủ động chọn loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế, vừa thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương để thâm canh sản xuất. Vùng đất khô cằn năm nào, bây giờ đều được phủ xanh, mang diện mạo tươi mới, tràn đầy sức sống.
 
Đời sống của người dân thôn Khánh Lâm ngày càng cải thiện nhờ phát triển các mô hình kinh tế.                                                                                            ẢNH: THỦY TIÊN
Đời sống của người dân thôn Khánh Lâm ngày càng cải thiện nhờ phát triển các mô hình kinh tế. ẢNH: THỦY TIÊN
Ông Nguyễn Thông (59 tuổi), ở thôn Khánh Lâm hồ hởi nói, trước đây, ngoài đất ruộng thì nhiều vùng đất nằm dưới chân núi rất khó sản xuất, phải bỏ hoang. Thế nhưng, từ khi được cán bộ địa phương hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi biết cách cải tạo đất, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, tạo động lực để phát triển kinh tế. Với hơn 3 sào đất ở triền núi, vợ chồng tôi trồng khổ qua, dưa leo... Cùng với đó, chăn nuôi gà thả đồi, giúp gia đình có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá. 
 
Đi qua thời chiến đến thời bình, nhân dân thôn Khánh Lâm luôn phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông đi trước. Minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng lòng của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là nhân dân tự nguyện hiến đất để mở đường, đóng góp tiền xây dựng nhà tình thương, nhà văn hóa thôn. Nhiều hộ trở thành điểm sáng của phong trào như ông Đỗ Sơn (hiến 500m2), ông Ngô Văn Kiệt (hiến 350m2), hộ ông Lương Văn Quý (hỗ trợ 20 triệu đồng), ông Dương Chính (hỗ trợ 15 triệu đồng)... góp phần xây dựng quê hương ngày càng  giàu đẹp.
 
Niềm tự hào
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Thiện Phan Thị Đức cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Khánh Lâm được biết đến là cái nôi của cách mạng. Nơi đây có rất nhiều người con trung dũng, kiên cường, một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Chiến tranh đi qua, cả thôn có hơn 300 hộ dân, nhưng có đến 107 liệt sĩ, 14 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 38 thương binh, bệnh binh. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn nhắc nhớ thế hệ trẻ tiếp nối tinh thần cách mạng, ra sức học tập xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
THỦY TIÊN
 
 
 
 
 
 

.