Bảo vệ phụ nữ và trẻ em

04:08, 23/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938), hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chăm sóc phụ nữ và trẻ em...
 
[links()]
 
“Địa chỉ tin cậy” của phụ nữ
 
Tại huyện Tư Nghĩa, Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ đã triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở 9/9 thôn. "Địa chỉ tin cậy" đặt tại nhà của chi hội trưởng chi hội phụ nữ hoặc trưởng thôn. Đây là nơi phụ nữ bị bạo hành tìm đến và được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý. Vào cuối năm 2021, chị V.T.K.T, ở thôn Xuân Phổ Đông, xã Nghĩa Kỳ, và chồng xảy ra mâu thuẫn. Chị T bị chồng đánh. Ngay sau đó, chị T đã đến "địa chỉ tin cậy" và thông tin với Chi hội Phụ nữ thôn, để tìm hướng giải quyết.
 
Cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) thường xuyên lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của hội viên, phụ nữ.
Cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) thường xuyên lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của hội viên, phụ nữ.
Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Xuân Phổ Đông Nguyễn Thị Hương cho biết, không chỉ có trường hợp của chị T, mà nhiều chị em bị bạo hành đã nhận được sự chia sẻ kịp thời của chi hội. Đây không chỉ là điểm đến cho chị em mỗi khi gặp chuyện không lành, mà còn là nơi chúng tôi lắng nghe, sau đó tìm hiểu nguyên nhân rồi hòa giải, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn vợ chồng. Sau khi hội phụ nữ can thiệp, hầu hết những gia đình này đều sống hạnh phúc và không còn tái diễn tình trạng bạo lực.
 
Còn ở xã Bình Trị (Bình Sơn), phụ nữ cũng ngày càng mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng để ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với bản thân và giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, những năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã còn tích cực tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống của phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi. Đồng thời, cán bộ, hội viên phụ nữ đã chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới...
 
Những năm gần đây, hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc nhận đỡ đầu, chăm sóc trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 trẻ em, phụ nữ được giúp đỡ, với số tiền hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Có 100% cơ sở hội LHPN xây dựng và duy trì các mô hình về an toàn cho phụ nữ và trẻ em... Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có 570 "địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng, góp phần hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành có nơi phòng tránh những rủi ro về sức khỏe, tính mạng...
 
Xây dựng môi trường sống an toàn
 
Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm: "Lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ". Vì vậy, trong quá trình thực hiện Đề án 938, hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục; vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, chủ động tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ...
 
Trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai Đề án 938 đến 100% cán bộ hội và tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của đề án đến hội viên, phụ nữ, người dân, với hơn 500 nghìn lượt người tham gia. Việc triển khai thực hiện đề án gắn với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Hội LHPN các cấp đã tranh thủ nguồn lực, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 938 với những nội dung, hoạt động như hội thảo, tập huấn, truyền thông... cho hơn 12 nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thông qua việc thực hiện đề án đã giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, như an toàn vệ sinh thực phẩm, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường; hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc... góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thị Sương, sau 5 năm thực hiện Đề án 938, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động gắn với chủ đề hằng năm. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể của đề án. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội từ tỉnh đến cấp xã, thôn và phát huy hiệu quả hoạt động mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở, qua đó vận động, hỗ trợ phụ nữ thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 
 

.