(Baoquangngai.vn)- Ở phía thượng nguồn là Chu Cẩm Phong, nơi cuối dòng là Dương Thị Xuân Quý- các anh, các chị đã chọn “đất lành Duy Xuyên” bên dòng Thu Bồn để nằm lại vĩnh viễn. Họ là những nhà văn, vào chiến trường với một tâm nguyện là để viết văn, nhưng cuộc chiến khốc liệt đã chọn nghề cho họ: Làm báo trước đã, viết văn tính sau!
Trên 40 nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã có cuộc “tìm về” đẫm nước mắt trên đất Quảng Nam hồi trung tuần tháng 5.2022 vừa qua. Tóc bạc da mồi, chân đi không còn vững nữa, nhưng những cụ ông, cụ bà chuẩn bị bước vào tuổi tám mươi này vẫn còn nguyên vẹn ký ức thanh xuân từ hơn 50 năm trước. Bấy giờ, họ là những chàng trai, cô gái đang tuổi hai mươi đã tạm biệt Hà Nội để tăng cường cho chiến trường Khu 5 đang vào hồi khốc liệt nhất.
Các nhà văn, nhà báo tại vùng rừng Trà My (Quảng Nam) thời chống Mỹ. Ảnh: Nhà văn Cao Duy Thảo cung cấp. |
Làm báo trước, viết văn sau
Nhà văn Cao Duy Thảo-tác giả truyện ngắn Thời gian nổi tiếng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, là người vào chiến trường từ rất sớm (1966), nhớ lại: “Tôi học trường điện ảnh, ấp ủ viết kịch bản phim nhưng khi vào Khu Năm, tôi mới biết, thực tế chiến trường không như mình tưởng tượng từ hồi còn ở Hà Nội. Khu Năm hồi đó có tờ Tạp chí Văn nghệ nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những bút ký nặng tính báo chí, phản ảnh cho được không khí của quân và dân ta ở các mặt trận. Để thực hiện yêu cầu ấy, các nhà văn trẻ thay nhau khoác ba lô “hạ sơn”, bám theo các đơn vị bộ đội trực tiếp tham gia các chiến dịch như một người lính thực thụ.
Các văn nghệ sỹ Khu Năm viếng ngôi mộ gió cùng bia tưởng niệm nhà văn-nhà báo Dương Thị Xuân Quý. Ảnh: Trần Đăng |
Không trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Khu Năm nhưng nhà thơ Thanh Thảo rất “thuộc” những người bạn của mình. Ông kể rằng, vào cuối năm 1970, tại Quảng Bá, Hội Nhà văn VN có mở một lớp cấp tốc “bồi dưỡng” cho những cây bút vừa tốt nghiệp các khoa văn, sử của các trường đại học nhưng đam mê sáng tác để họ nắm các kỹ năng viết văn trước khi đi B. “Tôi mơ ước được tham dự lớp học “danh giá” ấy nhưng chẳng được nên chọn con đường làm phóng viên chiến trường Nam bộ thuộc Ban Binh vận và đi thẳng vào miền Nam”. Từ một nhà báo chuyên nghiệp, Thanh Thảo trở thành một nhà thơ nổi tiếng khi ông tham gia Trại sáng tác Khu Năm ngay sau ngày hòa bình do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng.
Những nhà văn tương lai của lớp học ở Quảng Bá sau này nhiều người thành danh trong văn học như Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Vũ Thị Hồng (vợ nhà văn Chu Lai)… hoặc thành danh trên chính trường như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt.
Viếng mộ nhà báo liệt sĩ Nguyễn Hồng tại NTLS Điện Bàn-Quảng Nam. Ảnh Trần Đăng |
Còn Dương Thị Xuân Quý, sau nhiều tháng ở nhà giữ rẫy, tháng 3.1968, chị về vùng sâu ở phía đông huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam và vĩnh viễn tan vào mảnh đất này sau một trận phục kích của lính Nam Triều Tiên mà cho đến hôm nay, không một ai có thể biết thân xác của chị gửi vào đâu trên mảnh vườn của một gia đình ở xã Duy Thành này. Những trang nhật ký dở dang, những bài báo chép vội trên đường của nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý mãi mãi dừng lại cùng tuổi 28 của chị.
Báo nhường cho văn
Sau ngày hòa bình, nhà văn Nguyễn Chí Trung cùng các cộng sự đã thành lập ngay Trại sáng tác Khu 5, tập họp toàn bộ những nhà báo có một vài sáng tác văn học triển vọng trong toàn quân khu, tập trung về Đà Nẵng để “ngồi đó mà viết văn”. Một thế hệ nhà văn “sinh sau đẻ muộn” trong chiến tranh chống Mỹ đã ra đời bằng những tên tuổi cùng các tác phẩm đình đám một thời: Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh…
Cũng khó để phân biệt một cách rạch ròi là báo hay văn quan trọng hơn trong giai đoạn lịch sử đó. “Nhờ làm báo- viết liên tục cho Đài TNVN và Đài Phát thanh giải phóng nên tôi có điều kiện để giáp mặt với thực tế của cuộc chiến tranh. Những bài thơ tôi ưng ý nhất và cũng mang lại cho tôi nhiều phiền toái nhất là những bài thơ tôi xuống chiến trường Nam bộ vào cuối năm 1972. Nếu anh không lăn lộn với tư cách là một nhà báo thì cũng khó có được những bài thơ lấm lem bụi đất của chiến hào như vậy” - nhà thơ Thanh Thảo tâm tình.
Còn nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Ngô Thế Oanh từng về “nằm vùng” nơi xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ cùng nhiều vùng quê khác ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định trong nhiều tháng liền để rồi cả hai có những truyện ngắn, những bài thơ hay nhất của đời mình sau những bài báo “mì ăn liền” ngay trong lúc giao tranh.
Sau những nóng sốt của các bài báo là những lắng đọng chiêm nghiệm của mỗi nhà báo, nhà văn. Cả một thế hệ cùng đất nước ra trận trong những năm chiến tranh và đã in dấu ấn của mình trên những trang viết- cả báo lẫn văn. Ngưỡng mộ thay!
TRẦN ĐĂNG