(Baoquangngai.vn)- “Ngày dân tộc tụ về đường số Một” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo) đã diễn ra một cách trọn vẹn cảm xúc của ngày hòa bình, thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngày đầu tháng 3/1975, bắt đầu từ bờ nam sông Bến Hải (Quảng Trị), cờ giải phóng tung bay ở khắp các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Người dân tụ về hai bên đường cái quan để cổ vũ những đoàn xe chở bộ đội, xe kéo pháo... rầm rập tiến về Sài Gòn để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân ai vẫy tay chào bộ đội cụ Hồ.
Có những chiếc xe khi ngang qua địa phận Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) thì bị hỏng, được người dân giúp đỡ sửa chữa, lo chỗ ăn chỗ nghỉ cho bộ đội, khi xe tiếp tục lăn bánh thì mọi người lưu luyến như chia tay người thân. Các anh bộ đội tặng người dân lương khô, nhưng họ không lấy và bảo rằng, đường vô Sài Gòn còn xa, các chú để dành ăn khi lỡ đường. Bộ đội chia phần lương khô cho mấy em nhỏ, ăn lạ miệng, đứa nào cũng bảo ngon quá!
Những ngày Tháng Tư năm ấy, người dân trong làng ai cũng ngất ngây trong không khí hòa bình. Niềm hạnh phúc lớn quá, có người cứ ngỡ là trong mơ. Có lẽ “nghe” hòa bình chưa đủ. Người dân muốn “sờ thấy” hòa bình. Vậy nên mới sáng sớm, nhiều người đã lên đường lớn chờ đón xe bộ đội trên đường tiến về Sài Gòn. Giữa trưa, có xe dừng lại năm mười phút để xin nước. Người dân đứng quanh xe, sờ những khẩu pháo xanh lá ngụy trang. Ai cũng rưng rưng khi đọc trên thành xe dòng chữ viết vội bằng tay: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Người dân nắm tay, vỗ vai thăm hỏi các anh giải phóng quân, sờ lên áo vải kaki đã sờn vai, nghe mùi thuốc súng, mùi bụi đường, mùi mồ hôi phả vào mặt mới chịu. Chắc mọi người nghĩ, gặp những người con chiến đấu để giành lấy hòa bình coi như đã “sờ” thấy hòa bình. Sau đó ít lâu, đọc thơ của Bằng Việt, thấy ông viết sao mà giống với tâm trạng của người dân hôm ấy: “Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ/ Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi vẫn cứ nghĩ trong mơ".
Tôi bùi ngùi xúc động khi nghĩ về những giấc mơ hòa bình mà biết bao chiến sĩ cách mạng đã bỏ dở dang khi phải giữa đường nằm lại. Đó là hàng chục nghìn nấm mồ liệt sĩ có tên và không tên của quân giải phóng dọc đường Trường Sơn và muôn vạn nẻo đường chạy dài theo kháng chiến... "Những dấu chân lùi lại phía sau/ Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ/ Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt/ Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/ Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên" (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Những người lính tuổi đôi mươi như những bông hoa lặng lẽ dồn nén sắc tươi thắm của mình trong lòng đất, để làm nên mùa hoa đỏ tháng Tư, dựng nên mùa xuân đại thắng.
Năm 1972, ở trạm xá giữa rừng núi ở Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong nhật ký: “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”. Hàng triệu người như chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc... đã mơ, đã cầm súng chiến đấu, đã dấn thân không tiếc đời mình để nhân dân được sống hòa bình giữa lòng Tổ quốc, non sông liền một dải. Thời gian cứ mãi trôi, đến nay đã gần nửa thế kỷ, nhưng không khí hào hùng của ngày 30/4/1975 lịch sử thì vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Tháng Tư về. Chúng ta cùng nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975. Chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh xương máu của những anh hùng liệt sĩ. Không có những hy sinh, chia ly, mất mát trong những năm dài kháng chiến thì không thể có ngày đất nước trọn niềm vui, non sông liền một dải. Sự mất mát trong cuộc trường chinh giành độc lập lớn đến mức mà nhạc sĩ Văn Cao, dù bay bổng những nốt nhạc hân hoan trong “Mùa xuân đầu tiên”, vẫn có những dòng thơ trầm mặc: "Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ...". “Những tiếng rạn vỡ” là nỗi niềm tiếc thương đồng đội, là nỗi nhớ đau đáu, chẳng thể nguôi ngoai về những cánh rừng Trường Sơn: "Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc/ Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây/ Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/ Xin hãy đề “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ” (Thanh Thảo).
Ngày 30/4/1975 là ngày hạnh phúc của dân tộc. Từ hạnh phúc lớn lao đó, mỗi gia đình, mỗi cá nhân tự xây dựng niềm hạnh phúc nho nhỏ cho cuộc sống của riêng mình!
TRẦN CAO DUYÊN