(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, hàng nghìn F0 phải điều trị tại nhà, rác thải từ các F0 đều bỏ chung với rác thải sinh hoạt đang là nỗi lo trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi ngành chức năng phải kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế lây lan dịch bệnh.
[links()]
Lúng túng trong việc thu gom rác thải
Tính đến ngày 9/3, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) có 361 F0 đang điều trị tại nhà. Theo chính quyền địa phương, con số này thực tế còn lớn hơn nhiều, vì có nhiều người mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng Trương Thanh Thảo cho hay, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề thu gom rác thải điều trị F0 tại nhà. Bởi số lượng F0 quá nhiều, lực lượng quản lý lại quá mỏng. Muốn thu gom rác thải y tế đúng quy định, thì phải hợp đồng với đơn vị thu gom. Đối với rác thải y tế, địa phương phải chi trả khoảng 30 nghìn đồng/kg, trong khi ngân sách để phòng, chống dịch lại rất hạn chế. Phường đã chỉ đạo ngành chức năng tuyên truyền cho người dân là F0 biết cách thức tự thu gom, xử lý rác tại nhà.
Để tránh gây nguy hiểm cho cộng đồng, rác thải y tế của F0 phải được thu gom, xử lý đúng quy định. Ảnh: A.N |
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Đặng Minh Hoàng, thành phố hiện có khoảng 1.000 F0 điều trị tại nhà. Theo quy định, rác thải của những người mắc Covid-19 là rác thải y tế lây nhiễm, cần phải bỏ đúng nơi quy định và xử lý theo quy trình. Tuy nhiên, đơn vị thu gom rác thải y tế chưa thống nhất việc đặt thùng rác để thu gom. Trung tâm đã chỉ đạo y tế cơ sở hướng dẫn người dân cách thu gom xử lý rác thải này, nhằm hạn chế lây lan dịch ra cộng đồng.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi Đoàn Nhật Linh cho biết, hằng ngày, công nhân môi trường phải thu gom rác thải sinh hoạt khoảng 270 - 300 tấn ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi. Từ khi có chủ trương điều trị F0 tại nhà, rác thải y tế của F0 bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, rác thải này cần phải được thu gom, xử lý đúng quy trình. Nhưng hiện nay, chưa có địa phương nào ký hợp đồng với công ty để đặt thùng rác, bố trí lực lượng để thu gom.
Chất thải y tế lây nhiễm
Mới đây, Sở TN&MT có văn bản quy định, tất cả chất thải phát sinh của người nhiễm Covid-19 được xem là chất thải lây nhiễm và quản lý theo quy định về chất thải y tế lây nhiễm, quy định tại Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 quản lý tại nhà và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ, được coi là chất thải lây nhiễm, phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ: “Chất thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2”. Chất thải sau khi được phân loại và dán chữ, được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi; sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải màu vàng, bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh...
Theo văn bản trên, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm phát sinh tại nhà đối với người nhiễm Covid-19. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, để người dân nắm bắt và thực hiện các hướng dẫn trong phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm phát sinh tại các hộ gia đình có người cách ly, điều trị F0 tại nhà để xử lý đúng quy định...
A.NGUYỆT