Tết của yêu thương

08:02, 09/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đất trời đã vào Xuân. Lòng người phơi phới mong chờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với bao ước vọng. Tết đã đến với mọi người, mọi nhà. Tết của yêu thương, Tết sẻ chia... đã lan tỏa tình người đi khắp muôn nơi...
[links()]
 
Tết sẻ chia  
 
Tết sẻ chia đã đến với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trong toàn tỉnh. Ngày cận Tết, chị Trần Thị Trai, ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) phấn khởi khi được nhận món quà là 1 triệu đồng và thùng bánh kẹo. Gia đình chị Trai thuộc hộ cận nghèo, vợ chồng chị không có việc làm ổn định. Năm qua, do dịch Covid-19, chị Trai không tìm được việc làm, con gái thứ hai lại phải phẫu thuật lấy khối u do viêm tủy xương.
 
“Cứ nghĩ năm nay gia đình tôi chắc không có Tết. Nhưng giờ thì vui rồi, Tết này vậy là đã có bánh kẹo cho các con, có tiền mua thịt cá mấy ngày Tết...”, chị Trai chia sẻ. 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng quà Tết cho hộ nghèo ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh).     Ảnh: T.Thuận
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng quà Tết cho hộ nghèo ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Ảnh: T.Thuận
Đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cấp đã trao hơn 106 nghìn suất quà Tết cho người nghèo, với tổng trị giá trên 57 tỷ đồng. Các gia đình chính sách, người có công cũng được chăm lo Tết chu đáo. Ông Võ Của (90 tuổi, thương binh 3/4), ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) phấn khởi nói, Tết năm nào cũng được các cấp, các ngành quan tâm tặng quà, tôi cảm thấy rất vui.  
 
Năm nay, người có công, gia đình chính sách trong tỉnh được tặng gần 58 nghìn suất quà của Chủ tịch nước, với số tiền hơn 17,3 tỷ đồng; 80,5 nghìn suất quà của tỉnh, với số tiền hơn 35,9 tỷ đồng; quà bằng hiện vật tặng 33,3 nghìn gia đình liệt sĩ, với tổng trị giá hơn 13,3 tỷ đồng. “Các cấp, ngành đã quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, đây là nguồn động viên để mọi người, mọi nhà đón Tết đầm ấm, vui tươi", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan bày tỏ.
 
Hội, đoàn thể các cấp và nhiều cá nhân, hội nhóm thiện nguyện trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa sẻ chia với người nghèo nhân dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Huy, Trưởng Nhóm Nhà ăn không đồng Nhất Tâm chia sẻ, khép lại một năm nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với những người nghèo lại càng khó khăn hơn. Do đó, Nhóm Nhà ăn không đồng Nhất Tâm đã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp được khoảng 40 triệu đồng, thực hiện chương trình tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn”.  
 
Đoàn Thanh niên xã Đức Tân (Mộ Đức) đã tổ chức hoạt động “Rửa xe gây quỹ”, thu được gần 6 triệu đồng để tặng quà cho học sinh nghèo. Hay các chương trình “Hoa Tết gắn kết yêu thương” của tuổi trẻ xã Bình Thạnh (Bình Sơn); “Bán dừa thư pháp gây quỹ cho trẻ em nghèo” của tuổi trẻ xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi); “Xuân yêu thương” của tuổi trẻ phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Các cấp hội phụ nữ ở huyện Mộ Đức tặng 220 suất quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo, với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Cùng chung tay đồng hành với những hộ nghèo, những bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, Hội LHPN phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) đã tổ chức hoạt động “Tết sum vầy, đầy yêu thương”. Hội đã quyên góp được hơn 20 triệu đồng, tổ chức gói và trao hơn 1.000 chiếc bánh chưng, bánh tét.
 
Đón nhận những chiếc bánh chưng, bánh tét từ Hội LHPN phường Trương Quang Trọng, anh T.V.C xúc động chia sẻ, đây là cái Tết đặc biệt đối với tôi. Dù không may nhiễm Covid-19, nhưng có sự động viên, hỗ trợ của chính quyền và các cấp hội, đoàn thể, nên tôi cảm thấy ấm lòng.
 
Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Vũ Minh Tâm cho biết, với mong muốn đem đến một cái Tết trọn vẹn hơn cho những gia đình khó khăn, UBND thị xã đã vận động các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh hỗ trợ gia đình khó khăn để họ có một cái tết đầm ấm, vui tươi. Đáp lại lời kêu gọi ấy, trong những ngày cuối tháng tháng Chạp, nhiều đoàn thiện nguyện đã về Đức Phổ tặng quà tết cho người dân. Nhận suất quà trị giá 500 nghìn đồng của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng, bà Nguyễn Thị Hoa, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) phấn khởi cho biết, cả đêm qua tôi không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đi nhận quà. Vậy là  gia đình tôi có thêm tiền mua thực phẩm dùng trong ba ngày Tết.
 
Ấm áp nơi mái nhà chung
 
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh vào một ngày giáp Tết. Không khí Tết đã về ở mái nhà chung. Mọi người tất bật dọn dẹp sân vườn, trang trí lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Em Hồ Thị Ngọc Hân (11 tuổi), quê huyện Trà Bồng tâm sự, đây là năm đầu tiên con ăn Tết với các mẹ và rất nhiều bạn, anh chị em ở trung tâm. Các mẹ luôn thương yêu, chăm lo cho con. Mẹ còn mua cho quần áo mới nên con rất vui.
 
Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa tặng quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Trà Bồng.                                      Ảnh: Thu Ngoan
Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa tặng quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Trà Bồng. Ảnh: Thu Ngoan
Không chỉ các cháu nhỏ, mà những người cao tuổi, người khuyết tật không nơi nương tựa cũng cảm thấy được ấm lòng khi được cán bộ trung tâm quan tâm, chăm sóc chu đáo như người thân trong gia đình. Cụ Nguyễn Thị Mười (83 tuổi), quê xã Đức Phong (Mộ Đức) chia sẻ, tôi đã hai năm ăn Tết ở trung tâm. Tôi không có con, nên xem trung tâm là nhà. Mọi người ở trung tâm yêu thương lẫn nhau như người thân, nên ngày Tết rất vui và ấm áp.
 
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang nuôi dưỡng 174 đối tượng là các cháu mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trong mái nhà chung này lại đầy ắp tiếng cười. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ ở trung tâm chia sẻ, ngày Tết  ai cũng có gia đình riêng để chăm lo, đối với những người đang công tác ở trung tâm như chúng tôi, thì trung tâm cũng là nhà của mình. Các cụ, các cháu nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, bởi vậy chúng tôi luôn quan tâm, bù đắp bằng tình yêu thương, để mọi người luôn cảm thấy ấm lòng, nhất là trong dịp Tết.
 
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nguyễn Thu Trang cho biết, để vừa ăn Tết, vừa an toàn phòng dịch, năm nay 100% các cháu, các cụ già đều ăn Tết ở trung tâm. Từ nguồn hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, trung tâm cũng đã nỗ lực lo cho các cháu, các cụ già có được cái Tết ấm áp, đầy tình yêu thương.
 
Đón Tết nơi trùng khơi
 
Tháng Chạp, ngư dân ở các làng chài trong tỉnh lại tổ chức lễ cúng thuyền. Theo các ngư dân, đây là lễ cúng có từ rất lâu đời, mang nhiều ý nghĩa về tâm linh. Quanh năm lênh đênh giữa biển cả mênh mông với bao sóng gió, hiểm nguy rình rập, các ngư dân tin rằng, việc cúng tạ ơn thuyền vào dịp cuối năm sẽ giúp tránh được sóng to, tai ương trong mùa biển mới. Sau lễ cúng thuyền, ngư dân lại tiếp tục tham gia cúng tạ tại các lăng vạn, miếu thờ cá Ông ở địa phương, để tạ ơn thần linh sau một năm đánh bắt và cũng là để gửi gắm mong ước về chuyến biển đầu năm gặp nhiều may mắn, xuôi gió, thuận buồm.
 
Tết Nguyên đán cũng là thời gian chính của vụ cá Bắc, nên hàng trăm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh bám biển xuyên Tết. “Năm đầu đón Tết trên biển, tôi cảm thấy trống trải. Nhưng càng về sau, tôi càng thích không khí đón giao thừa có một không hai nơi biển khơi. Với lại, ngay thời khắc đón năm mới, tàu cá thường “trúng lộc” biển, nên ai cũng phấn khích, tạm quên nỗi buồn xa gia đình để lo thu cá”, ngư dân Phạm Thanh Lâm, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), cho biết. Đây là năm thứ 7 ông Lâm đón Tết ở Hoàng Sa. Ông Lâm và hàng chục lao động hối hả đưa nhiên liệu, thực phẩm lên tàu và không quên mang thêm chậu hoa, bánh tét để ngày 22 tháng Chạp xuất bến vươn khơi.
 
Sau chuyến biển cuối cùng của năm cũ, ngư dân Quảng Ngãi lo sửa soạn mâm cúng tươm tất để cúng thuyền.         Ảnh: Ý THU
Sau chuyến biển cuối cùng của năm cũ, ngư dân Quảng Ngãi lo sửa soạn mâm cúng tươm tất để cúng thuyền. Ảnh: Ý THU
Cùng với ngư dân Lâm, từ ngày 15 tháng Chạp đến nay, có trên 60 tàu cá cùng hàng nghìn ngư dân, lao động đi biển trong tỉnh, chủ yếu là tàu hành nghề lưới chuồn, lưới rê và lặn của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) hối hả vươn khơi, bám biển xuyên Tết. Thời điểm này, thời tiết thuận lợi, biển êm, là chính vụ khai thác cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa. Cùng với nạp tổn, hàng chục chủ tàu ở xã Bình Châu còn mua sắm chậu cúc, cành mai cùng với bánh tét, bánh chưng, dưa hành... để sẵn sàng đón Tết ở Hoàng Sa. “Mình khai thác theo tổ, đội nên dù đón Tết nơi biển khơi nhưng ai cũng cảm thấy đầm ấm, vui tươi. Hơn nữa, thường đón Tết ở Hoàng Sa là tàu trúng cá, mực; cộng với giá thủy hải sản các loại sau Tết cao hơn ngày thường từ 15 - 20% nên ngư dân và bạn biển đều phấn khởi”, ngư dân Đặng Văn Cường, ở xã Bình Châu, bộc bạch.
 
Đánh bắt hải sản xuyên Tết là công việc thường xuyên của ngư dân ở các địa phương trong tỉnh, tập trung ở ngư trường Hoàng Sa. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần hăng say lao động, bám biển quanh năm của ngư dân, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
Thắm tình quân – dân
 
Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh đã tổ chức Chương trình "Xuân đoàn kết - Tết ấm tình quân dân" tại xã Ba Vinh (Ba Tơ). Bộ đội trao tận tay người nghèo, gia đình chính sách... hàng trăm suất quà Tết gồm bánh chưng, gạo, mắm, bánh, mứt... Tình quân dân càng thêm thắm thiết mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 
 
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh gói bánh chưng tặng đồng bào nghèo nhân dịp Tết. Ảnh: Huỳnh Huy
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh gói bánh chưng tặng đồng bào nghèo nhân dịp Tết. Ảnh: Huỳnh Huy
Năm nay, do điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Bộ CHQS tỉnh không tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa bộ đội với người dân địa phương, mà chủ yếu là tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức thành nhiều đoàn đến từng thôn của xã Ba Vinh tặng trên 700 suất quà, với tổng trị giá gần 600 triệu đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, quân nhân xuất ngũ, bộ đội tại ngũ và dự bị động viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần quà gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm. Điều đặc biệt là trong mỗi phần quà Tết đều có một cặp bánh chưng do bộ đội tự tay gói nấu gửi tặng người dân. Ngoài ra, chương trình cũng tặng 50 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà trị giá 1,2 triệu đồng. 
 
Hạ sĩ Phạm Thị Miên, Phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ, tôi rất vui được tham gia gói bánh chưng gửi tặng cho gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp Tết. Qua đây, tôi cũng hiểu hơn trách nhiệm của một quân nhân trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Những chiếc bánh chưng tự tay chúng tôi gói nấu là chút tình gửi tặng người dân, để mọi người, mọi nhà đón Tết vui tươi. 
 
Nhận phần quà Tết của bộ đội gửi tặng, ông Phạm Văn Đoàn, ở thôn Nước Y, xã Ba Vinh bày tỏ, năm rồi do dịch bệnh nên việc làm ăn khó khăn, cứ nghĩ Tết sẽ thiếu thốn. Giờ nhận quà của bộ đội có cả gạo, mắm, bánh chưng và tiền, nên nhà tôi ăn tết đầy đủ hơn. Cảm ơn tấm lòng của bộ đội Cụ Hồ.
 
Đại tá Võ Tấn Tài - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, chương trình "Xuân đoàn kết - Tết ấm tình quân dân" được lực lượng vũ trang duy trì nhiều năm nay. Qua đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với nhân dân. Đồng thời, góp phần giáo dục về tình quân dân, về nghĩa đồng bào và công tác dân vận, hậu phương quân đội trong thời bình cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.
 
Mang Tết đi muôn nơi 
 
Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức trao quà Tết cho học sinh nghèo Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).                                    Ảnh: Phạm Danh
Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức trao quà Tết cho học sinh nghèo Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Danh
Hơn một tuần qua, Báo Quảng Ngãi phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Dung Quất; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Quảng Ngãi, Công ty Thương mại Thành Phát, Nhà máy Bia Dung Quất; Công ty CP Bất động sản Tuấn 123... đã đến nhiều địa phương trong tỉnh để trao quà Tết cho học sinh nghèo và người dân còn nhiều khó khăn. Những nơi đoàn đến là một niềm hạnh phúc được trao tận tay, đáp lại là ánh mắt trìu mến và nụ cười ấm áp như thay lời cảm ơn của những hoàn cảnh được trao quà.
 
Sáng tinh mơ, khi sương sớm còn giăng kín những ngọn núi cao ở huyện Minh Long, đoàn thiện nguyện "Hành trình kết nối - Chia sẻ yêu thương" do Báo Quảng Ngãi phối hợp với Công ty thương mại Thành Phát, Nhà máy Bia Dung Quất (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) và Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi thực hiện đã đến nơi. Hơn 150 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã có mặt ở điểm nhận quà. Ai cũng phấn khởi khi đón nhận quà Tết. Cụ bà Trần Thị Loan (84 tuổi), ở thôn 3, xã Long Hiệp chia sẻ, gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn. Tôi sống cùng với 3 người con bị câm. Hôm nay nhận được quà Tết tôi rất mừng...
 
Khi Tết đã gõ cửa từng nhà, TP.Quảng Ngãi trở nên rực sáng, khắp các ngã đường hoa cúc, hoa mai đua nhau khoe sắc. Niềm vui cũng đến với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Các cán bộ BIDV Dung Quất và Báo Quảng Ngãi đã về tận nơi trao quà Tết cho các gia đình nghèo, để tất cả đều được đón Xuân mới vui tươi.
 
Nhân dịp  tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Báo Quảng Ngãi đã trích kinh phí của đơn vị, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Chương trình “Xuân yêu thương”. Qua đó, tổ chức các đoàn trực tiếp đi trao tặng hàng trăm suất quà Tết cho gia đình chính sách, người dân nghèo, học sinh nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị gần 250 triệu đồng. Trong đó, có sự hỗ trợ rất lớn của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Tuấn 123, là một người con của quê hương Quảng Ngãi thành đạt tại Hà Nội.

Nhóm PV-CTV

 

.