Muôn nẻo mưu sinh ngày giáp Tết

01:01, 29/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Những ngày cuối cùng của năm cũ, khi hầu hết mọi người đều đang đếm ngược thời gian để chào đón năm mới, thì có nhiều người vẫn còn đang mải miết “chạy đua” với thời gian, tất bật mưu sinh với mong muốn có thêm thu nhập, lo cho gia đình có một cái Tết tươm tất, ấm no…
 
Chở “xuân” về cho mọi nhà
 
Những ngày giáp Tết, mọi nẻo đường trong thành phố ngập tràn sắc hoa. Giữa dòng người tấp nập, hối hả đi lựa mua hoa Tết, là những người làm nghề xe thồ đứng lặng lẽ chờ khách thuê chở hoa về nhà.
 
Những người làm nghề chở hoa thuê đang tất bật kiếm thêm thu nhập để trang trải trong dịp Tết.
Những người làm nghề chở hoa thuê đang tất bật kiếm thêm thu nhập để trang trải trong dịp Tết.

 

Tranh thủ lúc vắng khách, anh Nguyễn Hữu Thương (1979), ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hồ hởi tâm sự, “tháng Chạp năm nào, tôi cũng tìm đến chợ hoa Xuân để chở hoa thuê. Thu nhập thì tùy vào chặng đường gần xa, số lượng chậu hoa cần chở…nhưng hầu như ngày nào, tôi cũng bỏ túi từ 2 – 3 triệu đồng. Bưng bê nặng nhọc, nhưng bù lại, chỉ cần chịu cực tầm 10 ngày cuối năm, là có vài chục triệu cho vợ con...”.

 
Đang dở dang câu chuyện, thì anh Thương tạm biệt chúng tôi vì có khách thuê chở chậu quất cảnh từ chợ hoa Xuân về Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Vừa tất tả cột chậu hoa cao gần 2m, anh Thương vừa ngoái đầu lại, cười hiền: “Mấy cái chậu vừa nặng, vừa cao này tôi phải cột kĩ lưỡng, chứ nó mà ngã thì tiền công 300 nghìn chở từ đây đi Nghĩa Kỳ không đủ để đền bù. Nghe 2 – 3 triệu đồng mỗi ngày thì cao, nhưng hễ “tai nạn nghề nghiệp” là dân chở thuê như tụi tui đền không xuể…”
 
Mang “Tết quê” ra phố
 
Gần 20 năm qua, cứ đến dịp cận tết Nguyên đán, bà Lê Thị Đấy (1946), ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) lại đạp xe chở theo các loại mứt Tết nhà làm như mứt gừng, mứt dừa…xuống phố. Dường như cư dân ở phố đã quen thuộc với hương vị mứt nhà làm của bà Đấy, nên chỉ sau 2-3 giờ rong ruổi các cung đường, bà Đấy đã bán được từ 5-6 ký mứt gừng, 4-5 ký mứt dừa…
 
Bà Lê Thị Đấy (bên phải), ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) chở theo các loại mứt Tết nhà làm xuống phố
Bà Lê Thị Đấy (bên phải), ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) chở theo các loại mứt Tết nhà làm xuống phố

 

“Tôi làm mứt gừng từ gừng sẻ nên rất thơm, màu mứt dẫu không trắng, đẹp như mứt gừng các cửa hàng bày bán, nhưng mọi người ưa chuộng lắm. Ngày bình thường, mỗi ngày tôi bán được 1-2 ký nhưng cứ đến gần Tết là bán được nhiều gấp đôi, gấp ba…Vậy nên cứ đến tháng Chạp là tôi tranh thủ làm mứt bán, để có thêm chút tiền sắm Tết, mua thêm bộ đồ mới cho 2 cháu nội”, bà Đấy sẻ chia.

 
Cũng tất bật chở bánh từ quê ra phố trong những ngày cuối cùng của năm, bà Phan Thị Tâm (1959), ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) hồn hậu chia sẻ: “Mọi người ngày càng có xu hướng đặt bánh tét, bánh chưng để cúng, bày biện lên bàn thờ gia tiên trong mỗi dịp Tết. Món bánh truyền thống, dân dã có “chỗ đứng”, thu nhập vào tháng Chạp của của người làm bánh như tôi nhờ vậy mà khá hẳn so với các tháng khác của năm”.
 
Tất bật những nẻo đường…bưu tá
 
Khoảng 6 giờ 30 phút sáng, chị Đỗ Thị Hiền Thu (1986), nhân viên Bưu điện TX.Đức Phổ bắt đầu đến kho nhận hàng đi giao trong ngày. Cận kề Tết, lượng hàng cần chuyển phát tăng đột biến, nên dù chỉ phụ trách việc giao hàng trên địa bàn phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), nhưng lịch trình của chị Thu dịp cận Tết đều bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn, với tổng chặng đường rong ruổi mỗi ngày khoảng 50km.
 
Cận kề Tết, lượng hàng cần chuyển phát tăng đột biến, nên lịch trình làm việc của những bưu tá bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn.
Cận kề Tết, lượng hàng cần chuyển phát tăng đột biến, nên lịch trình làm việc của những bưu tá bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn.

 

“Cả năm chỉ có một mùa Tết, nhà nào cũng mong được nhận hàng trước thềm năm mới, nên chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng phục vụ khách hàng nhanh nhất có thể. Nhiều đơn hàng giao cho học sinh, công nhân nên tôi phải chờ giờ tan tầm mới giao được, có khi còn bỏ bữa cơm để làm xuyên trưa”, chị Thu tươi cười chia sẻ.

 
Gắn bó với nghề bưu tá 15 năm, cũng là ngần ấy thời gian anh Đặng Văn Dũng, ở xã Phổ Văn (TX.Đức Phổ) tạm gác lại việc nhà để hòa mình vào guồng quay của công việc trong những ngày cuối năm.
 
“Nhà tôi ở Đức Phổ, nhưng tôi lại phụ trách chuyển phát tại địa bàn phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi. Vậy nên dịp cuối năm, khi công việc chuyển phát trở nên bận rộn gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, thì việc dọn dẹp nhà cửa, tảo mộ ông bà, cúng tất niên…tôi đều tranh thủ làm vào chiều 29 tháng Chạp, khi công việc xong xuôi, ổn thỏa”, anh Dũng chia sẻ.
 
“Tết ấm” nhờ những chiếc bong bóng
 
Quảng trường tỉnh trên đường Phạm Văn Đồng, công viên trước Bưu điện tỉnh…những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp người đi dạo phố và mua sắm Tết. Tận dụng điều đó, nhiều người đã tranh thủ đến đây để mưu sinh nhờ vào nghề bán bong bóng đủ sắc màu. 
 
Nghề bán bong bóng dịp cận Tết mang lại cho nhiều người tiền triệu mỗi ngày.
Nghề bán bong bóng dịp cận Tết mang lại cho nhiều người tiền triệu mỗi ngày.

 

Đặt gần 100 quả bong bóng bay đủ hình thù, màu sắc…ngay tại khu vực trung tâm quảng trường tỉnh để thu hút người mua, chỉ sau vài giờ đồng hồ, chị Võ Thị Xuân (1979), ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã bán được gần 50 chiếc bong bóng.

 
“Dịp này, mọi người đi dạo phố, du Xuân sớm đông đúc, nên mình bán hàng dễ dàng hơn. Ngày thường, giá mỗi quả bong bóng bay tầm 20 nghìn đồng, còn cận Tết thì 25 – 30 nghìn đồng, nhưng mọi người vẫn mua nườm nượp. Ngày thường, tôi chỉ bán được từ 5- 10 quả mỗi ngày, còn từ 20 tháng Chạp trở đi, bình quân mỗi mỗi ngày, tôi bán được 70 – 100 chiếc, thu về lợi nhuận từ 1,5 - 2 triệu đồng”, chị Xuân vui mừng kể.
 
Quanh năm nhọc nhằn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng với nhiều người, những ngày giáp Tết không phải là khoảng thời gian để họ nghỉ ngơi, mà là khoảng thời gian “vàng” để họ góp nhặt thêm thu nhập lo cho Tết và sau Tết. Càng đến gần năm mới, bước chân mưu sinh của họ dường như càng trở nên gấp gáp, hối hả hơn. Nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ, bởi những giọt mồ hồi của họ đã mang lại cái Tết ngọt ngào, đủ đầy cho "tổ ấm" của mình.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.