Trên những nẻo đường nhân ái (kỳ cuối)

09:12, 12/12/2021
.
[links()]
Kỳ cuối: Cùng làm việc nghĩa
 
(Báo Quảng Ngãi)- “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu ca dao ấy mãi được lưu truyền và như ngọn lửa thúc giục tinh thần dân tộc, thúc giục trái tim mỗi người hòa chung nhịp đập để làm những việc ý nghĩa cho quê hương, đất nước. Đó là những thùng tiết kiệm được đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia đóng góp, vận động để hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh; hay người dân ở các xã vùng cao dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tham gia đóng góp, hiến đất mở đường, xây trường học... 
 
Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương
 
Với mong muốn có nguồn kinh phí để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn được đăng tải ở chuyên mục Vòng tay nhân ái trên Báo Quảng Ngãi cũng như giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khác ngoài xã hội, năm 2017, Chi đoàn Báo Quảng Ngãi đã ra mắt mô hình “Gửi tiết kiệm-Trao yêu thương”. Qua đó, vận động kinh phí đóng góp từ cán bộ, viên chức, phóng viên, cộng tác viên của cơ quan Báo Quảng Ngãi và các mạnh thường quân chung tay sẻ chia, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. 
 
Lãnh đạo Báo Quảng Ngãi trao quà cho hoàn cảnh khó khăn đăng trên mục “Vòng tay nhân ái” của Báo Quảng Ngãi.                      Ảnh: PV
Lãnh đạo Báo Quảng Ngãi trao quà cho hoàn cảnh khó khăn đăng trên mục “Vòng tay nhân ái” của Báo Quảng Ngãi. Ảnh: PV
Từ nguồn kinh phí vận động, đều đặn mỗi tháng, ĐVTN Chi đoàn Báo Quảng Ngãi đã đến tận nơi trao tiền hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Ngoài trợ cấp cho trường hợp anh Trần Trung Hiếu có hoàn cảnh ngặt nghèo, thời gian qua, mô hình “Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương” của Chi đoàn còn hỗ trợ 2 em học sinh Trần Thị Ngọc Hân (Trường THPT Chuyên Lê Khiết) và Nguyễn Văn Sâm (nguyên học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết, nay là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh), mỗi em 500 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Dẫu số tiền không lớn nhưng phần nào giúp các hoàn cảnh vơi đi khó khăn, mang lại niềm vui và tạo động lực để vươn lên trong cuộc sống.
 
Bí thư Chi đoàn Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phương Triều chia sẻ, qua 5 năm thực hiện mô hình “Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương" và huy động từ nhiều nguồn kinh phí khác, Chi đoàn Báo Quảng Ngãi đã trao tặng, hỗ trợ gần 300 triệu đồng cho các hoàn cảnh khó khăn. Ngoài trao tiền hỗ trợ, Chi đoàn còn phối hợp với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và các mạnh thường quân trao hàng trăm suất quà cho người nghèo, học sinh nghèo, nhất là vào các dịp Tết, năm học mới. Đặc biệt, Chi đoàn đã phối hợp với Liên danh nhà thầu thi công cầu Cổ Lũy hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà nhân ái cho 1 hộ nghèo ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
 
“Được sự quan tâm hỗ trợ, đôn đốc thực hiện của Cấp ủy, Ban Biên tập và sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, viên chức, ĐVTN, mô hình “Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương” từ khi triển khai đến nay đã mang lại ý nghĩa lớn, tô thêm nét đẹp truyền thống và khơi dậy trong tuổi trẻ Báo Quảng Ngãi tinh thần “mình vì mọi người”. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động nổi bật của tuổi trẻ Báo Quảng Ngãi, được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội ghi nhận và đánh giá cao", anh Nguyễn Phương Triều cho hay.
 
Từ hiệu quả mang lại, mô hình “Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương” đã vinh dự được Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh (nay là Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh) tuyên dương là một trong những mô hình Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2018. Năm 2017, Chi đoàn Báo Quảng Ngãi được Tỉnh ủy biểu dương "Những tấm gương bình dị mà cao quý", được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2018, 2020 Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tuyên dương học tập và làm theo Bác. 
 
Mô hình
Mô hình "Gửi tiết kiệm - Trao yêu thương" của Chi đoàn Báo Quảng Ngãi được Tỉnh ủy biểu dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2017. Ảnh: PV
Đặc biệt, với những thành tích vượt bậc trong công tác Đoàn và hoạt động thanh thiếu nhi, năm 2019, Chi đoàn Báo Quảng Ngãi được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Năm 2021, Trung ương Đoàn tiếp tục tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05, giai đoạn 2016 - 2021.
 
“Từ năm 2017 đến nay, toàn xã có gần 200 hộ dân hiến đất mở đường, xây trường học, trạm xá, với hàng chục nghìn mét vuông. Xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp của người dân, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho tất cả các trường hợp tham gia hiến đất. Đây là niềm tự hào và là vinh dự của người dân và cán bộ, đảng viên khi làm được việc tốt. Dẫu cuộc sống người dân còn khó khăn, nhưng luôn chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương”.
  Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua
ĐINH MINH TÔN

Khi trái tim cùng chung nhịp đập

 
Ở xã vùng cao Sơn Bua (Sơn Tây) ngày càng có nhiều tuyến đường được mở rộng và bê tông kiên cố, tạo nên vẻ khang trang giữa đại ngàn. Đi sâu vào trung tâm xã là một diện mạo hoàn toàn đổi thay, từ hạ tầng giao thông đến cơ sở giáo dục, y tế... đã tạo nên sức sống mới cho vùng đất bên dòng suối Nước Bua. 
 
Khi cái nghèo còn dai dẳng, cuộc sống người dân còn bộn bề khó khăn, nhưng có một điều đặc biệt là người dân không ngần ngại nhường một phần tài sản của mình để góp sức xây dựng quê hương. Vậy nên, bên trong hầu hết các căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Ca Dong ở đây đều có những tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao tặng, vì có nghĩa cử hiến đất để xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn. Ai nấy cũng đều trân quý và treo tấm Bằng khen ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.
 
Chỉ tay vào tấm bằng khen, anh Đinh Văn Thuộc, khu dân cư Nước Ma, thôn Mang He, xã Sơn Bua tự hào nói: “Đó là Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng vợ chồng mình, vì vợ chồng mình hiến gần 650m2 đất để mở rộng trường, để con em mình có chỗ học tốt hơn. Vợ chồng mình rất vui và hạnh phúc”.
 
Khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua do các hộ dân hiến đất để xây dựng.                              Ảnh: PV
Khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua do các hộ dân hiến đất để xây dựng. Ảnh: PV
Sải bước trên con đường mà gia đình mình đã hiến gần 600m2 đất để mở đường từ xóm Ông Me đi Khu dân cư Nước Toa, ông Đinh Văn Nam, tuổi đã ngoài 70 bảo rằng, từ hồi sinh ra và lớn lên, chưa khi nào con đường dẫn về nhà lại sạch sẽ và thông thoáng đến vậy. “Khi xã vận động hiến đất mở đường, hai hàng cau đang cho trái sẽ phải đốn hạ, lúc đầu tôi cảm thấy tiếc. Nhưng nghĩ lại mình hiến đất làm đường thì phục vụ cho mình và cho người dân trong làng, vậy nên khi cán bộ đến nhà vận động, tôi đồng ý ngay", ông Nam nói.
 
Phía bên kia tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn qua trung tâm xã Sơn Bua là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua. Ngôi trường ngày nào còn chật hẹp và ẩm thấp thì nay đã trở nên khang trang và rộng thoáng. Để xây dựng được ngôi trường như hôm nay, ngoài nguồn lực đầu tư từ Nhà nước thì người dân địa phương đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng trường.
 
Nhìn học sinh đang vui đùa cùng trái bóng tròn ở sân bóng, thầy giáo Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua phấn khởi nói, nhờ các hộ dân tình nguyện hiến đất để xây dựng các hạng mục, nay khuôn viên trường đã trở nên khang trang, sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các em học sinh có nơi vui chơi, nhà trường có nơi để tổ chức các hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, các em được học bán trú tại trường, không phải vất vả về nhà sau mỗi buổi học như trước nữa.
 
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn chia sẻ, để xây dựng xã Sơn Bua có diện mạo như ngày hôm nay là nhờ tinh thần ý thức trách nhiệm của mỗi người dân và sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Cán bộ được phân công "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động người dân hiến đất mở đường, xây trường, xây trạm y tế. Nơi nào có đất của cán bộ, của đảng viên thì người đó phải tiên phong làm trước. Một cuộc dân vận hiệu quả đã tạo sức lan tỏa lớn và gần như 100% người dân trên địa bàn xã có đất nằm trong vùng quy hoạch mở rộng các tuyến đường đều đồng thuận hiến đất để xây dựng quê hương.
 
L.ĐỨC - M.DUYÊN - P.DANH
 
 

.