Phát triển BHYT ở miền núi gặp khó khăn

10:12, 15/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Để góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện nhiều giải pháp, để giữ vững số người tham gia BHYT.
[links()]
 
Đẩy mạnh tuyên truyền
 
Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu tháng 6/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tại Điều 3, các xã khu vực III, khu vực II nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II, kể từ ngày quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.
 
Nhân viên BHXH huyện Sơn Hà tuyên truyền chính sách BHYT tại tổ dân phố Nước Rạc, thị trấn Di Lăng.
Nhân viên BHXH huyện Sơn Hà tuyên truyền chính sách BHYT tại tổ dân phố Nước Rạc, thị trấn Di Lăng.
Qua rà soát, số người tham gia BHYT giảm theo Quyết định 861 trên địa bàn tỉnh là hơn 33.400 người. Trong đó, nhiều nhất là ở các huyện Sơn Hà (hơn 15 nghìn người), Minh Long (hơn 5.300 người), Ba Tơ (hơn 3.600 người)... BHXH tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường rà soát, phân loại số người thuộc diện giảm, phối hợp với các địa phương xem xét chuyển qua các nhóm khác mà Nhà nước có hỗ trợ; đồng thời, tuyên truyền cho người dân đủ điều kiện tham gia lại BHYT.
 
Giám đốc BHXH huyện Sơn Hà Đinh Xuân Tuyên cho hay, thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện có 18.430 người dân của 2 xã Sơn Hạ, Sơn Thành và thị trấn Di Lăng không còn hưởng chính sách hỗ trợ mua BHYT. Ngay từ tháng 9/2021, BHXH huyện đã thành lập tổ tuyên truyền tăng cường xuống các thôn, tổ dân phố ở các địa phương nói trên để tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT hộ gia đình. “Do đặc thù của người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên lên nương rẫy, chỉ có mặt ở nhà vào buổi tối, nên phải tranh thủ đi tuyên truyền vào ban đêm. 
 
Bảo hiểm xã hội huyện lập nhóm Zalo kết nối với cán bộ ở các địa phương để kịp thời trao đổi thông tin, tổ chức đối thoại tuyên truyền cho người dân. Khi hiểu rõ tầm quan trọng của chính sách BHYT, đã có gần 6.400 người tham gia lại BHYT”, ông Tuyên cho biết thêm. Giám đốc BHXH huyện Minh Long Lê Văn Binh thì cho biết, khi thực hiện Quyết định 861, toàn huyện có 5.000 người không được hỗ trợ BHYT. Đơn vị đã phối hợp với các hội, đoàn thể, bưu điện tuyên truyền cho khoảng 2.500 người dân đủ điểu kiện để tham gia BHYT trở lại, nâng tổng số người tham gia BHYT toàn huyện được 15.500 người, đạt 93%.
 
Vận động người dân tiếp cận chính sách BHYT  
 
Theo lãnh đạo BHXH các huyện miền núi, khó khăn hiện nay là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân không có nguồn thu nhập, không có khả năng tham gia đóng BHYT, mặc dù họ đã hiểu về lợi ích khi tham gia BHYT. Nhiều huyện miền núi đã linh hoạt chuyển số hộ dân không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT sang hộ nông lâm có mức sống trung bình, cận nghèo, bảo trợ xã hội... để được hỗ trợ BHYT. Nhờ đó, đến nay đã có 14.200 người dân đã đưa vào các nhóm đối tượng được hỗ trợ tham gia BHYT trở lại, còn hơn 19.000 người chưa tham gia.
 
Theo BHXH tỉnh, trong số những người chưa tham gia BHYT, đa số có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng để tự mua BHYT cho cá nhân và hộ gia đình. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào người dân tộc thiểu số... Vì vậy, tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng để ban hành chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, để khi họ đau ốm được chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có như vậy mới góp phần đảm bảo 100% người dân tham gia BHYT trong những năm đến. 
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 

.