Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở: Cần nỗ lực hơn nữa

08:12, 14/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã có hàng nghìn căn nhà được xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho hàng nghìn người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhất là công nhân làm việc tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hiện nay vẫn còn rất lớn.
[links()]
 
Còn nhiều khó khăn, bất cập
 
Đối với nhà ở cho người có công với cách mạng (theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ) và xây dựng nhà ở tránh bão lụt (Quyết định số 48/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Quảng Ngãi đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh hỗ trợ xây dựng 6.120 nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn. Song, đến hết năm 2020 toàn tỉnh chỉ xây dựng được 1.700 nhà. Nguyên nhân chính là mức hỗ trợ lãi suất vay từ Ngân hàng CSXH còn thấp (25 triệu đồng/hộ), trong khi các hộ nghèo, neo đơn, khó khăn thì không có thêm nguồn hỗ trợ nào khác nên không đủ tiền để làm nhà.
 
Khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tại Khu đô thị Vạn Tường, đã giải quyết nơi ở cho gần 900 người.
Khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tại Khu đô thị Vạn Tường, đã giải quyết nơi ở cho gần 900 người.
Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân thì xảy ra tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu. Như tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, đã đầu tư dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên với số lượng 105 căn, đáp ứng cho 1.000 người ở. Song, đến nay số người ở thực tế chỉ có 129 người. Còn tại khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Khu đô thị Vạn Tường), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đầu tư 484 căn, đáp ứng 1.024 người, số người đang ở thực tế hiện nay 887 người. Đối với Doosan Vina, đã xây dựng 343 căn, đáp ứng cho 1.100 người. Hiện dãy nhà bề thế, đầy đủ tiện ích như trường học, siêu thị mini có 1.060 người sinh sống...
 
Trong khi đó, cũng thuộc địa bàn KKT Dung Quất, nhưng hàng chục nghìn công nhân làm việc tại Khu CN -ĐT&DV VSIP Quảng Ngãi vẫn phải sinh sống tại các dãy nhà trọ do người dân các xã Tịnh Thọ, Tịnh Phong (Sơn Tịnh), Bình Hiệp (Bình Sơn) tự xây dựng cho công nhân thuê ở. Đa số các nhà trọ ẩm thấp, điều kiện sinh hoạt và các thiết chế văn hóa chưa đảm bảo. Nhiều công nhân có nhà cách nơi làm việc từ 15 - 20km vẫn chọn phương án đi về trong ngày. Được biết, năm 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận giao khu đất 2ha tại xã Tịnh Phong cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây nhà ở cho công nhân. Nhưng hiện nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy.
 
Cần quan tâm nhà ở cho công nhân
 
Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn nhà ở xã hội và đến năm 2030 là 7.600 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế số lượng nhà ở được xây dựng mới chưa đạt kết quả như mong đợi.
 
Theo Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa, việc có nhà ở ổn định, bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh hoạt là yếu tố quan trọng giúp người lao động có sức khỏe, tinh thần, tâm lý tốt nhất để tập trung lao động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, việc quan tâm chăm lo nhà ở cho công nhân, người lao động là cần thiết.
 
Hiện tại, UBND tỉnh đã bố trí quỹ đất khoảng 50ha để phát triển nhà ở xã hội tại các xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Thiện và Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ngoài ra, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, đầu tư phát triển đô thị đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư có quy mô diện tích lớn hơn 10ha tại các phường thuộc TP.Quảng Ngãi đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với diện tích 22,3ha và Khu đô thị Phú Mỹ trích quỹ đất khoảng hơn 1,6ha để xây dựng nhà ở xã hội.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các địa phương, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; rà soát, xác định nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội để đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và bố trí quỹ đất làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư thực hiện hoàn thành các dự án, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.