(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 55 năm, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã gây ra vụ thảm sát 430 người dân vô tội ở xã Bình Hòa (Bình Sơn). Biến đau thương thành hành động cách mạng, nhân dân Bình Hòa quyết tâm góp sức đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập và chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Nỗi đau Bình Hòa
Dâng hương ở Nhà bia tưởng niệm Truông Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Đức Thịnh chầm chậm nhìn lên tấm bia ghi danh sách người dân bị lính Nam Triều Tiên sát hại từ ngày 3 - 6/12/1966. Trong danh sách này, có 9 thân nhân của ông Thịnh.
Nhiều tuyến đường ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang. |
Không dừng lại ở đó, ngày 5/12/1966, lính đánh thuê Nam Triều Tiên tiếp tục lùng sục, càn quét từng nhà, bắt 36 người dân, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em ở xóm Tri Hòa và Long Bình đưa đến tập trung bên miệng hố bom Truông Đình rồi bắn. Đến ngày 6/12/1966, bọn chúng bắn chết 7 người dân tại Lộc Miếu. Chúng bao vây xóm Đồng Trung, Lạc Sơn bắt người già, phụ nữ, trẻ em dẫn đến tập trung ở dốc Rừng, đồng Chồi Giữa và đám ruộng Giếng giết chết 267 người dân tại xóm An Phước và xóm Cầu. Chỉ trong vòng 3 ngày, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã sát hại 430 người dân tại 5 địa điểm là nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, dốc Rừng, đồng Chồi Giữa và đám ruộng Giếng xóm Cầu.
Nhằm xoa dịu nỗi đau sau vụ thảm sát, gần 20 năm qua, nhiều đoàn khách Hàn Quốc đã đến thăm, hỗ trợ cho người dân xã Bình Hòa. Trong đó, từ năm 2004 đến nay, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt mỗi năm trao 24 suất học bổng cho sinh viên (7 triệu đồng/suất); trao 40 suất học bổng cho học sinh tiểu học, 30 suất cho học sinh Trường THCS xã Bình Hòa (từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/suất); lắp đặt tủ đồ dùng học tập cho Trường Mầm non Bình Hòa...
|
Nỗi đau mất người thân đã thôi thúc người dân xã Bình Hòa đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược, giành lại độc lập cho quê hương, đất nước. Năm 1991, di tích vụ thảm sát Bình Hòa được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Vươn lên dựng xây cuộc sống mới
Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, người dân Bình Hòa cần mẫn học hỏi, tìm hiểu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Điển hình là ông Đoàn Tấn Phụ, hiện là chủ đại lý xăng dầu ở xã Bình Hòa. Ông Phụ mất mẹ và hai người em ở vụ thảm sát năm 1966. Khi đó ông còn rất nhỏ. Nén nỗi đau, ông Phụ chăm chỉ học tập, tham gia thanh niên xung phong. Trở về quê hương, ông bắt đầu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, đại lý xăng dầu. Ông Phụ đã tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương và chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, hỗ trợ xây dựng đường bê tông, Nghĩa trang liệt sĩ xã...
“Dẫu bị mất chân phải khi tham gia khai hoang vỡ hóa năm 1976, tôi vẫn cố gắng chăm chỉ làm việc để xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn. Khi gia đình có điều kiện, tôi quan tâm chia sẻ, chung sức xây dựng quê hương Bình Hòa ngày càng khang trang hơn”, ông Phụ bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Đức Thịnh cho biết, xã Bình Hòa hôm nay đã mang diện mạo mới và được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những con đường nhựa, bê tông đã trải khắp thôn, xã. Trường THCS, tiểu học, mầm non khang trang với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi. Những ngôi nhà kiên cố được xây lên ngày càng nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn khoảng 1%... Có được những thành quả đó là nhờ tinh thần chịu thương, chịu khó, nỗ lực vươn lên và đồng lòng xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của người dân địa phương.
Bài, ảnh:
ĐĂNG SƯƠNG