Tạo sinh kế cho người hoàn lương, khuyết tật

10:10, 14/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, người khuyết tật có nguồn vốn để làm ăn, tạo ra sinh kế cho bản thân và gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (CSXH) đã và đang triển khai chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ.
[links()]
 
Hỗ trợ vốn cho người hoàn lương
 
Trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, anh Đ.C.T, ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đã cố gắng rèn luyện bản thân để trở thành công dân tốt. Tuy nhiên, gia đình anh thuộc diện khó khăn, không có nguồn vốn để mua cây, con giống về sản xuất. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân xã Bình Mỹ, anh T đã làm hồ sơ gửi Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn để vay vốn làm ăn. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của anh T, Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn đã nhanh chóng xét duyệt, giải ngân 50 triệu đồng, giúp anh T đầu tư trồng keo và chăn nuôi. 
 
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng ông Nguyễn Nghĩa, ở xã Bình Hoà (Bình Sơn) đã đầu tư nuôi gà thả vườn.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng ông Nguyễn Nghĩa, ở xã Bình Hoà (Bình Sơn) đã đầu tư nuôi gà thả vườn.
 
Anh T chia sẻ: “Nếu Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn không cho tôi vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tôi cũng không biết phải vay mượn ở đâu nữa. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc rẫy keo thật tốt để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng hằng tháng. Tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư nuôi gà, vịt, trồng rau, với kỳ vọng kinh tế gia đình vững vàng hơn”.
 
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho biết, cho vay đối với người chấp hành xong hình phạt tù là chương trình mới, chưa có nhiều người tiếp cận. Vì vậy, ngân hàng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể và kênh truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để nhiều người chấp hành xong án phạt tù nắm bắt được chính sách, mở ra cơ hội việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
Qua gần 4 tháng triển khai chương trình cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù, người khuyết tật, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho hàng chục lượt vay, với số tiền trên 500 triệu đồng. Hiện ngân hàng đang tích cực triển khai để có nhiều người được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Người khuyết tật được tiếp cận vốn vay ưu đãi
 
Thông qua nguồn vốn vay gần 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH dành cho người khuyết tật, vợ chồng ông Nguyễn Nghĩa, ở xã Bình Hoà (Bình Sơn) đã gầy dựng và duy trì mô hình chăn nuôi gồm hàng chục con gà đẻ trứng, hơn trăm con gà thịt thả vườn và chục con heo, 5ha keo. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông đã bớt khó khăn hơn trước. “Tôi bị mù cả hai mắt, nhưng tay chân còn lành lặn, nên không thể cứ ngồi mãi một chỗ. Cũng nhờ vốn vay lãi suất thấp, vợ chồng tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập”, ông Nghĩa bày tỏ.
 
Có rất nhiều người khuyết tật đã vượt lên nghịch cảnh, tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình. Do đó, với mục tiêu trợ lực cho người khuyết tật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/2020 phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật, giai đoạn 2021 - 2030. Đối tượng vay vốn là người khuyết tật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, hoặc sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Mức cho vay với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, tức 3,96% năm. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.