Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp

09:10, 13/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh về đất đai, cảng biển, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, thì nguồn nhân lực cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp (CN) Quảng Ngãi.
[links()]
 
Doanh nghiệp nỗ lực đào tạo
 
Tại KKT Dung Quất, Doosan Vina là một trong những doanh nghiệp (DN) chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ sản xuất. Năm 2013, Doosan Vina đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là DN sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của Doosan Vina do kỹ sư và công nhân người Việt trực tiếp chế tạo đã có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có các cường quốc về công nghiệp như Mỹ, Hàn Quốc...
 
Vận hành hệ thống điều khiển sản xuất tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.
Vận hành hệ thống điều khiển sản xuất tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.
Theo lãnh đạo Doosan Vina, chiến lược của công ty là luôn gắn liền với các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Thời gian qua, Doosan Vina đã hợp tác với các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam trong ngành nghề kỹ thuật và cơ khí, để xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến. Ngoài ra, DN còn hỗ trợ tặng học bổng, với tổng giá trị hàng trăm nghìn USD; đồng thời tiếp nhận sinh viên thực tập của các trường đại học, cao đẳng, để các em có cơ hội được làm việc và tiếp cận các quy trình sản xuất và thiết bị hiện đại tại công ty. 
 
Từ năm 2020 đến nay, Doosan Vina đã tổ chức 28 khóa học giúp bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động và đã thu hút được hơn 2.700 lượt người lao động đăng ký tham gia. Công ty chú trọng triển khai các khóa đào tạo trực tuyến về lĩnh vực kỹ năng mềm như: Tiếng Anh tương tác trực tuyến, chuẩn mực giao tiếp trong kinh doanh và tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025...
 
Không chỉ Doosan Vina, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều DN khác đã và đang thực hiện tốt công tác đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất, như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất...
 
Thu hút lao động công nghiệp
 
Khi ngành CN phát triển mạnh sẽ “kéo” một số lượng lớn lao động nông nghiệp sang CN. Đây cũng là sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, đúng định hướng phát triển được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực/lao động phục vụ ngành CN, nhất là phát triển CN trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, với những yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực.
 
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư phát triển CN nên đã thu hút rất nhiều công nhân, người lao động đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh khác về làm việc tại địa phương. Cùng với đó là sự dịch chuyển lao động từ các ngành nghề khác (trong tỉnh) sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp thuộc lĩnh vực CN. Ưu điểm của những lao động này là rất cần cù, chịu khó, trung thực trong công việc, nhưng điểm hạn chế là chất lượng, trình độ tay nghề còn thấp...
 
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố sống còn để phát triển CN, cũng như các ngành hỗ trợ đi kèm chính là nguồn nhân lực. Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao của Quảng Ngãi chủ yếu đang làm việc và sinh sống tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Nhiều người đã tích lũy vốn, kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức từ khắp các vùng miền và đang có xu hướng trở về Quảng Ngãi để làm việc, bởi các điều kiện sống và làm việc của tỉnh đang ngày càng tốt hơn. Đây là nguồn lực đặc biệt quý báu cho Quảng Ngãi, gắn liền với các cơ hội đầu tư, cơ hội tích lũy nội lực mà tỉnh cần đặc biệt lưu tâm.
 
Ngoài ra, tỉnh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CN theo hướng tập trung phát triển năng lực, kỹ năng đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu sản xuất của các DN trên địa bàn, cũng như các nhà đầu tư lớn trong tương lai. Trong đó, cần lựa chọn một số trường đại học lớn để phối hợp thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng và gắn công tác đào tạo với tuyển dụng, sử dụng lao động sau khi đào tạo để phục vụ phát triển CN. 
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.