(Báo Quảng Ngãi)- Bị khuyết tật từ lúc chào đời, nhưng anh Trịnh Văn Cu (40 tuổi), ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), vẫn gắng sức bươn chải mưu sinh. Không những vậy, anh còn nhiệt tình giúp đỡ dân làng nên được nhiều người thương mến...
Vượt lên số phận
Tuổi thơ của anh Trịnh Văn Cu đượm buồn, với bước đi tập tễnh vì chân trái teo tóp. Không thể nhanh nhẹn rượt đuổi đùa vui như bạn bè đồng trang lứa, nhưng anh Trịnh Văn Cu vẫn bước thấp bước cao cùng chúng bạn cắp sách đến trường. Nhưng vì gia cảnh khó khăn nên khi vừa hết lớp 6, anh Trịnh Văn Cu đành nghỉ học, rời làng đi bán hủ tiếu thuê.
Anh Trịnh Văn Cu chở nước cho người dân trong xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). (Ảnh chụp trước ngày 26/6/2021) |
Đi bán hủ tiếu thuê một thời gian, anh Trịnh Văn Cu chuyển sang phụ bán với chị gái nơi đất khách. Rồi anh sắm sửa vật dụng ra bán riêng với hy vọng đổi đời từ nghề hủ tiếu gõ. Cả đêm lẫn ngày, anh cặm cụi bên xe hủ tiếu nơi phố biển Vũng Tàu. Ở cạnh phòng trọ có cô gái công nhân cảm mến chàng trai bán hủ tiếu hiền lành và tốt bụng. Rồi họ nên duyên vợ chồng trong niềm vui của hai bên gia đình. Hủ tiếu của anh ngày càng ế ẩm, nên vợ chồng chuyển đến TP.Hồ Chí Minh, rồi sang Bình Dương nhưng vẫn thưa vắng thực khách. Cuộc sống vợ chồng anh Trịnh Văn Cu ngày càng khốn khó khi con trai đầu lòng chào đời. Anh xin vào làm thuê, trông nom rẫy cao su trên đồi vắng. Tiền công quá thấp khiến cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nên người vợ đã bỏ anh mà đi.
Giấu nỗi buồn, anh Trịnh Văn Cu ôm con thơ về quê Phổ Cường bên mẹ già, ngày ngày gắng sức làm thuê kiếm tiền lo cơm áo cho mẹ già và con dại. Nhiều người thương cảm chàng trai khuyết tật hay lam hay làm nên gọi anh làm thuê bất kể sớm khuya. Bao năm tích góp cùng tiền dành dụm của mẹ và sự giúp đỡ của xóm giềng nên anh xây được ngôi nhà che nắng mưa. Nhiều người mở lòng cho anh mượn tiền mua chiếc xe ba bánh chở hàng hóa thuê cho vơi nghèo khổ. "Hồi đó ít tiền nhưng vợ chồng chị Thủy Phượng bảo cứ làm nhà đi, tao cho nợ tiền vật liệu, khi nào có trả. Sau đó, anh em cho tôi mượn mỗi người dăm ba triệu góp lại hơn 30 triệu để mua xe ba bánh chở thuê. Giờ mỗi năm, tôi dành dụm được khoảng mười triệu đồng trả bớt nợ...", anh Trịnh Văn Cu cho biết.
Giàu nghĩa tình
Xóm 8, nơi anh Trịnh Văn Cu sinh sống còn gọi là Xóm Rẫy, nằm cạnh dãy núi đá bao phủ lớp đất bên trên. Mùa nắng hạn, cây cỏ héo khô, hàng trăm giếng cạn trơ đáy khiến nhiều người phải vượt chặng đường xa chở nước về sinh hoạt trong gia đình. Rồi chính quyền xã Phổ Cường đầu tư hơn 30 triệu đồng khoan giếng cung cấp nước cho người dân. Ngặt nỗi, nhiều cụ già neo đơn chân yếu, mắt mờ không thể đến giếng hứng lấy nước. Anh Trịnh Văn Cu liền bơm nước vào bồn rồi dùng xe ba bánh chở đến tận nhà trước sự mừng vui của gia chủ. Gặp bữa bận chở hàng thuê, anh tranh thủ chở ban trưa lẫn đêm tối để các cụ có nước dùng hằng ngày.
Năm 2020, cơn bão số 9 tàn phá xóm làng khiến nhiều nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Bão qua, anh Trịnh Văn Cu cùng một số người trong thôn vội sửa sang nhà cửa rồi đến giúp những gia đình bị thiệt hại vượt qua gian khó. Mái nhà được lợp lại che mưa nắng bởi sự sẻ chia thấm đẫm yêu thương. "Trịnh Văn Cu bị khuyết tật và nghèo, nhưng nó sống rất tình nghĩa. Tấm lòng nó đối với bà con xóm làng thật đáng trân trọng", ông Trần Cừu tâm sự.
Có hôm, trưa nắng như đổ lửa, anh Trịnh Văn Cu điều khiển xe chở cát, đá sạn và xi măng từ nơi tập kết đến những điểm đường nhỏ trong thôn. Đã có 6 tuyến đường bê tông hoàn thành với sự góp sức của anh Cu, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi.
"Anh Trịnh Văn Cu bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, nhưng hay giúp đỡ mọi người. Vừa rồi, anh Trịnh Văn Cu được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và giấy khen của UBND TX.Đức Phổ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2021", Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Ngô Minh Quang chia sẻ.
Người con trai tốt bụng
Dân làng ngợi khen em Trịnh Tuấn Bảo (17 tuổi), con trai anh Trịnh Văn Cu, cùng bạn nhặt được 100 triệu đồng trả lại cho người đánh rơi. Ngày 28/8, Bảo cùng hai thanh niên đi trên đường, thì nhặt được cọc tiền. Nhìn quanh chẳng thấy ai, cả ba thống nhất đến Công an phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) trình báo sự việc và giao nộp. Sau đó, Công an phường Phổ Ninh xác minh và trao trả số tiền trên cho bà Hồ Thị Chạm, ở xã Đức Phong (Mộ Đức). Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ đã tặng giấy khen cho Bảo và những người bạn.
|
Bài, ảnh: TRANG THY