Lòng thơm thảo của những người nghèo

09:09, 06/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Họ là người đàn ông cụt hai chân, ngày ngày mưu sinh nhờ vào nghề bán vé số; là người đàn bà bị bệnh nan y, chỉ cân nặng vỏn vẹn 30kg, rong ruổi khắp nơi nhặt ve chai; là cặp vợ chồng già ngoài 85 tuổi vẫn còn còng lưng làm ruộng... Ấy vậy mà, khi nghe tin tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trong cả nước, họ đều sẵn lòng san sớt một phần thu nhập vốn đã ít ỏi để gửi tặng người dân vùng tâm dịch.
[links()]
 
Tấm lòng của người đàn ông cụt chân
 
Các quán cà phê, quán ăn... trên địa bàn TP.Quảng Ngãi dừng bán tại chỗ, chỉ bán mang đi khiến người đàn ông cụt cả hai chân, sống một thân một mình, mưu sinh vào nghề bán vé số Bùi Quang Thuận (43 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) không thể bán vé số đều đặn như trước. Nguồn thu nhập hằng ngày của anh vốn đã ít ỏi, nay lại càng teo tóp dần! Vậy mà, thay vì dè sẻn để có tiền phòng thân cho những ngày khó khăn phía trước, anh Thuận lại quyết định rút ra 200 nghìn đồng - một số tiền lớn đối với người đàn ông tật nguyền, để ghé chợ đầu mối lựa mua rau, củ, quả gửi tặng đồng bào miền Nam.
 
Người đàn ông cụt chân Bùi Quang Thuận chở dưa hấu bằng xe lăn đến điểm tiếp nhận nông sản hỗ trợ người dân vùng dịch.                                               ẢNH: PV
Người đàn ông cụt chân Bùi Quang Thuận chở dưa hấu bằng xe lăn đến điểm tiếp nhận nông sản hỗ trợ người dân vùng dịch. ẢNH: PV
“Trước khi dịch bùng phát ở Quảng Ngãi, tôi thường đánh xe lăn đi dọc đường Nguyễn Công Phương để bán vé số. Rồi có một đợt, tuyến phố này bị giăng dây, thu nhập của tôi vậy là sụt liền. Tiếp sau đó, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, các hàng quán cũng chỉ được phép bán mang về, thu nhập của tôi lại càng giảm đi. Lúc này tôi nghĩ, ở Quảng Ngãi, dịch bùng phát chưa đáng kể gì so với TP.Hồ Chí Minh mà cuộc sống của mình đã khó hẳn rồi. Vậy những người ở TP.Hồ Chí Minh thì sao đây? Phải hướng vào đấy thôi!”, anh Thuận chia sẻ lý do đơn giản mà mình hướng lòng về với đồng bào miền Nam ruột thịt.
 
Sau khi dốc lòng đóng góp, nhưng thấy lượng rau, củ, quả mua được chẳng thấm tháp là bao so với nhu cầu của người dân ở vùng tâm dịch TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, người đàn ông cụt cả hai chân ấy lại tiếp tục vượt hơn 6km bằng xe lăn, từ căn phòng trọ ở phường Trần Hưng Đạo, băng qua vùng bãi bồi toàn cát là cát ven sông Trà Khúc để vận động, kêu gọi chủ các ruộng dưa cùng mình đóng góp dưa hấu cho đồng bào miền Nam.
 
“Khoảnh khắc chứng kiến người đàn ông tật nguyền khệ nệ kéo theo một chiếc xe bò loại nhỏ, đầy nhóc những quả dưa hấu mới được nông dân thu hái từ bãi bồi sông Trà, mang theo mấy trăm quả dưa hấu vừa kêu gọi được từ người dân trồng ở đây, tôi và các anh em trong nhóm rất xúc động và ngỡ ngàng. Mọi người ngạc nhiên khi anh ngồi trên xe lăn nhưng vẫn lặn lội ra tận bãi bồi sông Trà để chở dưa. Mà đâu phải chỉ bấy nhiêu, ban ngày bán vé số, ban đêm anh Thuận lại đến điểm tiếp nhận nông sản gửi tặng người dân miền Nam của nhóm để phụ giúp chúng tôi chia rau củ quả thành từng suất. Chân bị cụt đến tận bẹn nên anh nhờ người ôm lên xe tải, rồi cứ thế dùng đôi tay thoăn thoắt nhận gạo, rau, củ, quả xếp lên xe”, anh Lê Văn Chương, thành viên Nhóm thiện nguyện Nối Vòng Tay Việt, xúc động chia sẻ.
 
Nghèo của cải, nhưng giàu tấm lòng
 
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, dột nát, phải vá víu bằng những tấm tôn phế liệu mà mình xin được sau đợt bão năm ngoái, bà Lê Thị Tím, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) tỉ mỉ ngồi xếp lại mớ phế liệu mà bà nhặt nhạnh được trong cả tháng qua.
 
Chị Lê Thị Tím mưu sinh bằng nghề ve chai nhưng vẫn dành tiền ủng hộ cho khu cách ly tập trung.  Ảnh: Ý THU
Chị Lê Thị Tím mưu sinh bằng nghề ve chai nhưng vẫn dành tiền ủng hộ cho khu cách ly tập trung. Ảnh: Ý THU
“Tháng trước, tôi cũng gom được bấy nhiêu đây, mang đi bán được tròn 100 nghìn đồng. Đợt đó, vừa đúng lúc cây đu đủ sau nhà đậu được 3 quả to. Vậy là có gì góp nấy, tôi mang tiền, mang đu đủ ra ủy ban xã xin ủng hộ, góp vào bếp ăn nấu cho người đang cách ly tại khu cách ly y tế tập trung. Bởi tôi nghĩ, mình cực khổ nhưng ở quê nên còn có gạo ăn, chứ nhiều người buôn thúng bán bưng trong thành phố, bị ảnh hưởng dịch bệnh mấy tháng nay, mà giờ về được tới quê chắc cũng chẳng còn nhiều tiền bạc. Mình góp một chút, thì mọi người đỡ chi phí cách ly một chút”, bà Tím trải lòng.
 
Bệnh tim nan y và cuộc sống thiếu trước hụt sau khiến người phụ nữ 51 tuổi Lê Thị Tím chỉ nặng chừng 30kg. Nhưng để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho đứa con trai lớn không may mắc phải căn bệnh ung thư hạch quái ác, bà Tím phải gồng gánh hết mọi việc nặng nhọc.
 
“Lúc nông nhàn thì tôi đi lượm ve chai, còn khi vào mùa, thì đi làm ruộng. Cả nhà chỉ có một sào đất nên tôi thuê thêm 6 sào nữa rồi làm. Tiền lượm ve chai đủ để mua rau, mua mắm, còn tiền bán lúa thì mua thuốc nam cho con uống đỡ. Chứ nhà khánh kiệt quá rồi, đâu còn có thể đưa con đi chữa bệnh ở bệnh viện nọ, bệnh viện kia”, bà Tím bảo.
 
Hoàn cảnh khổ đến cùng cực, vậy mà vụ mùa vừa qua, sau khi thu hoạch được hơn 50 bao lúa, người đàn bà nghèo nhưng hào sảng ấy liền chạy xe đạp chở 2 bao lúa ra tận Tư Nghĩa để đóng góp cho một nhóm thiện nguyện gửi đến đồng bào miền Nam. Hàng xóm nghe tin, ai cũng khuyên răn và bảo bà đừng “gàn dở”. Nhưng bà chỉ cười bảo, “nhiều người còn bỏ tiền túi mua liền cả mấy trăm ký gạo gởi cho đồng bào miền Nam. Còn tôi, chỉ góp có mấy bao lúa nhà trồng, thì có sá gì đâu”.
 
Cuộc sống cũng chẳng mấy dư dả, nên phải thuê ruộng để làm dẫu đã bước sang cái tuổi ngoài 85, ấy vậy mà vợ chồng cụ Nguyễn My (86 tuổi) và Lê Thị Trúc (85 tuổi) ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) khi nghe tin địa phương vận động người dân ủng hộ tiền bạc, nhu yếu phẩm gửi cho người dân vùng dịch, liền bán ngay một bao lúa để đóng góp.
 
Chia sẻ về trường hợp đóng góp đặc biệt này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng Trương Bình cho biết, trong đợt vận động người dân đóng góp cho vùng dịch vừa qua, địa phương đã nhận được sự chung tay của hàng trăm tấm lòng. Song, đặc biệt nhất vẫn là trường hợp hai vợ chồng cụ My, khi cả hai đều đã ngoài 85 tuổi, lại có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tự nguyện xin được đóng góp.
 
Vợ chồng cụ Nguyễn My bán lúa để đóng góp, ủng hộ người dân khó khăn hơn mình.  Ảnh: Ý THU
Vợ chồng cụ Nguyễn My bán lúa để đóng góp, ủng hộ người dân khó khăn hơn mình. Ảnh: Ý THU
Cuộc sống tuổi xế chiều còn bộn bề khó khăn, chỉ trông chờ vào số tiền bán cau hằng năm được khoảng 7 triệu đồng, nên năm nay, dù đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng vụ đông xuân vừa qua, vợ chồng cụ My vẫn thuê hẳn 3 sào ruộng để làm với mong muốn kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống. Kết thúc mùa vụ, sau khi trả xong tiền thuê đất, hai vợ chồng cụ dư ra được 20 bao lúa khô. Sẵn có lúa trong nhà, khi nghe địa phương phát động, vợ chồng cụ My liền bán bớt 1 bao, rồi thêm vào cho đủ 100 nghìn để góp cho đồng bào vùng dịch.
 
“Vợ chồng tôi còn may mắn hơn biết bao người, khi còn có gạo để ăn. Chớ nhiều gia đình ở thành phố bị dịch bệnh bủa vây, đã không làm ra tiền, lại không có ruộng, thì biết lấy tiền đâu mà mua gạo. Vậy nên, vợ chồng tôi góp được gì là góp liền, chỉ mong mọi người ở vùng dịch được bình an, mạnh khỏe là vợ chồng tôi mừng”, cụ ông Nguyễn My rưng rưng nói trong niềm xúc động.
 
 
Xin được đóng góp
 
“Thấy hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Tím là hộ nghèo, lại có con mắc bệnh ung thư, nhưng vẫn xin được đóng góp cho khu cách ly, chúng tôi không nỡ nhận và thuyết phục chị đi về. Nhưng rồi hôm sau, chị lại đến và một mực xin đóng góp để chia sẻ bớt khó khăn với những người con quê hương. Tấm lòng của chị Tím khiến chúng tôi rất xúc động”, Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Hòa Võ Thị Hường cho biết.

 

Ý THU
 
 
 
 
 
 
 
 

.