Chuyện ghi ở tuyến đầu chống dịch

09:08, 08/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần xung kích, trách nhiệm và tương thân tương ái, nhiều cán bộ y tế cùng với lực lượng công an, quân đội đã gác lại công việc gia đình, chuyện riêng tư của cá nhân để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.
[links()]
Mệnh lệnh từ trái tim
 
“Trước khi lên đường chi viện tâm dịch phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vào ngày 27/6, tôi đã giải thích với bố mẹ rằng, có mặt ở tuyến đầu chống dịch chính là giúp bạn, giúp mình”, nhân viên Trạm Y tế xã Đức Lân (Mộ Đức) Huỳnh Thị Ngọc Bích tâm sự. Tại thời điểm áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg lúc 12 giờ ngày 26/6, phường Phổ Thạnh có khoảng 18/26 nghìn nhân khẩu, nên khối lượng công việc khá lớn, đặc biệt là việc lấy mẫu xét nghiệm và truy vết. Chị Bích được phân công phụ trách lấy mẫu test nhanh kháng nguyên tại điểm Trường THCS Phổ Thạnh. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nắng Sa Huỳnh như đổ lửa, mỗi ngày chị Bích phải thường xuyên tiếp xúc và lấy mẫu cho 500 - 600 người, lúc cao điểm lên đến hàng nghìn người. Mệt mỏi, nhiều lúc tưởng không gượng nổi, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, nên chị Bích cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày vì thế cũng chỉ là những phút tranh thủ thật nhanh, để kịp quay lại với công việc còn đang dở.
 
Còn chị Nguyễn Thị Ý Nhi, nhân viên Trạm Y tế xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng gửi 2 con nhỏ cho mẹ chồng, để có mặt tại phường Phổ Thạnh vào ngày 27/6, tức một ngày sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Lên đường chi viện cho TX.Đức Phổ với lòng nhiệt huyết và tâm thế “hết dịch mới về”, nên dù nắng nóng như đổ lửa, chị Nhi vẫn cùng đồng nghiệp thực hiện tốt phần việc được giao. Ngày 28/6, ngành y tế triển khai công tác lấy mẫu gộp, chị Nhi lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lấy mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR cho người dân càng sớm càng tốt. Nhiều hôm, chị về đến nơi nghỉ thì đồng hồ cũng đã điểm 11 giờ đêm... “Lấy mẫu xét nghiệm sẽ giúp phát hiện và tách nhanh nhất F0 ra khỏi cộng đồng, sớm làm sạch ổ dịch, nên mình càng cố gắng, để người dân bớt khổ”, chị Nhi tâm sự.
 
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay khi dịch ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) bùng phát, đã có hàng trăm y, bác sĩ và nhân viên y tế ở các địa phương trong tỉnh lên đường chi viện nơi đây. Nhờ vậy, công tác xét nghiệm, truy vết dịch tễ liên quan đến các ca bệnh được thực hiện thần tốc, giúp phát hiện nhanh và loại các ca F0 ra khỏi cộng đồng, góp phần rất lớn vào việc kiểm soát và khống chế dịch. Tại xã Phổ Châu, hơn 3 tuần liên tục không có trường hợp nào dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Ở phường Phổ Thạnh, từ ngày 30/7, lực lượng chức năng đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm lần 4, nhằm sàng lọc F0 trong cộng đồng.
 
"Canh nhịp thở" cho bệnh nhân
 
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 6 trên địa bàn tỉnh, cũng là lúc lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế phải lao vào cuộc chiến mới. Hơn một tháng qua, đối với các y, bác sĩ và nhân viên y tế đang phục vụ tại hai Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, có lẽ chưa có đêm nào được tròn giấc. Họ đang dồn hết thời gian, tâm sức để “canh nhịp thở” cho bệnh nhân, kịp thời cấp cứu khi bệnh nhân chuyển biến nặng, giữ vững “thành trì” cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 - bảo vệ mạng sống cho người bệnh. 
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu - Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2), hướng dẫn bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tập thở.               Ảnh: HỒNG HOA
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu - Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2), hướng dẫn bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tập thở. Ảnh: HỒNG HOA
Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hậu, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã có mặt tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 1) ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Rồi đến khi Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) đi vào hoạt động, bác sĩ Hậu lại tiếp tục theo chân những trường hợp bệnh nặng đến đây. Kể lại những kỷ niệm của mình và đồng đội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bác sĩ Hậu chia sẻ: Trong quá trình điều trị, có rất nhiều trường hợp diễn biến bệnh nặng lúc nửa đêm. Vì vậy, có những hôm, y, bác sĩ không dám chợp mắt. Như một cụ ông 81 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, tim mạch và một cụ ông 79 tuổi, bị tai biến mạch máu não trên nền nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Rất mừng là sau 10 ngày liên tục điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, các bệnh nhân đã dần hồi phục. Cả 2 bệnh nhân này đã xuất viện vào ngày 29/7. 
 
Trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này, cũng có những điều kỳ diệu đã xảy ra. Đó là đã có những em bé được chào đời trong khu cách ly. Chị Huyền, nữ điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 1), bày tỏ: Việc chăm sóc bà mẹ và em bé trong điều kiện bình thường đã khó, trong khu cách ly càng vất vả hơn, vì vừa phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ, em bé và cả người chăm sóc, tránh lây nhiễm chéo. Chính tay chăm sóc, tắm rửa cho em bé từ khi chào đời, nên giờ họ xuất viện rồi, tôi vẫn thấy nhớ như con cháu của mình vậy.
 
Nỗi vất vả, hy sinh mà những "chiến binh áo trắng" đã đóng góp cho cuộc chiến chống Covid-19 là không thể diễn tả hết bằng lời. Nhiều lúc họ đã kiệt sức vì phải mặc những bộ đồ bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, là lúc họ hạnh phúc vô cùng. Nó như sức mạnh, liều thuốc tinh thần, cổ vũ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế.
 
Đèo Bình Đê những ngày chống dịch
 
Chốt kiểm tra y tế đèo Bình Đê (TX.Đức Phổ), cửa ngõ phía nam của tỉnh, những ngày qua luôn đông đúc, có thời điểm lên đến hàng nghìn người và phương tiện qua lại. Vì vậy, lực lượng chức năng làm việc với áp lực cao, để vừa kịp thời giải quyết các thủ tục liên quan, mà còn khẩn trương sắp xếp, bố trí xe đưa người dân về các khu cách ly tập trung.  
Đại úy Nguyễn Tấn Đạt (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đi cách ly tập trung.     Ảnh: THANH NHỊ
Đại úy Nguyễn Tấn Đạt (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đi cách ly tập trung. Ảnh: THANH NHỊ
Khuôn mặt sạm đi vì nắng, đôi mắt trũng sâu, chàng trai Tô Gia Huy, công tác tại Phòng PA02 (Công an tỉnh) đã ăn ngủ tại chốt trực đèo Bình Đê hơn một tháng qua. Huy tâm sự: Khi đang bảo vệ mục tiêu tại trụ sở UBND tỉnh, em và một số đồng đội trong đơn vị được tăng cường vào chốt kiểm tra y tế đèo Bình Đê. Mỗi ca trực là 6 tiếng, đứng gác, kiểm tra, hướng dẫn người, phương tiện để nhanh chóng đưa người dân về khu cách ly. “Có những ngày nắng nóng lên đến 40OC, cơm không ăn nổi, chỉ uống nước. Thế nhưng, khi thấy nhiều người đi xe máy từ TP.Hồ Chí Minh về, đến chốt họ mệt lả, em tự nhủ thầm phải nhẹ nhàng, tận tình giúp đỡ họ. Thật sự rất vất vả, nhưng công việc này đã cho em trải nghiệm đáng quý, giúp em ý thức hơn về trách nhiệm của mình trước nhân dân”, em Huy bộc bạch.
 
Ba lần chúng tôi vào chốt đèo Bình Đê, thì cả 3 lần đều gặp Đại úy Nguyễn Tấn Đạt (Công an tỉnh) trong ca trực. Khi thì hướng dẫn cho các thanh niên đi xe máy về quê thực hiện thủ tục khai báo y tế, gửi phương tiện, đăng ký đi cách ly tập trung; lúc thì dắt cụ già, bồng em nhỏ lên xe buýt để rời chốt về nơi cách ly tập trung; rồi lại mang nước, sữa, bánh bao đến tặng phụ nữ mang thai, trẻ em... Đại úy Nguyễn Tấn Đạt tâm tình: “Hơn 1 tháng "đứng chốt", tôi cũng đuối lắm, nhưng mỗi khi nhìn đôi mắt đỏ hoe, dáng vẻ mệt mỏi của người dân từ các tỉnh, thành phố phía nam về, tôi cảm nhận họ thật sự kiệt sức rồi. Tôi phải bình tĩnh, nhỏ nhẹ động viên, trấn an họ rằng, về đến đèo Bình Đê coi như là về đến nhà. Hơn 10 năm vào ngành, với tôi những ngày đáng nhớ nhất có lẽ là những ngày chống dịch ở chốt đèo Bình Đê”.
 
M.HOA - H.HOA - T.NHỊ
 
 
 

.