Niềm vui trong mùa xuân mới

08:02, 06/02/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Cũng như nhiều bản làng vùng cao khác của Trà Bồng, những ngày này, bà con ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đang háo hức đón mùa xuân mới. Mặc dù, cuộc sống vẫn còn có những khó khăn, nhưng với nhiều gia đình ở nơi đây, một cái Tết Tân Sửu sung túc, tràn đầy niềm vui đang hiện hữu.

[links()]

Khoát lên màu áo mới

Vài năm về trước, thôn 2, xã Trà Thủy vẫn còn là một thôn nghèo. Đồng bào Cor nơi đây rất vất vả với nghèo đói vì tập quán canh tác lạc hậu nên kinh tế thu nhập thấp. Nhưng nay, bà con rất tự hào vì nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân nơi đây đã biết trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi để tạo lập cuộc sống và dần thoát nghèo.  

 

Gia đình anh Hồ Văn Kháng là một trong những điểm hình của sự thay đổi về suy nghĩ và cách làm mới này. Những năm trước, gia đình anh Kháng gồm 5 người sống nhờ nghề đi rừng và làm lúa rẫy. Được mùa thì có lương thực cho vài tháng, mất mùa thì đói kém cả năm. Từ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững,  anh Kháng nhận đất ở gần thôn để trồng rừng. Mỗi năm một ít, cứ như thế bây giờ anh có hơn 1ha rừng keo lai và 6.000 cây quế. Đến nay, gia đình anh Khang có thu nhập trên chục triêu đồng/năm từ khai thác rừng trồng. Gần đây nhất, gia đình anh cũng là 1 trong 14 mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế ở thôn 2. 

 

Anh Kháng chăm sóc đàn gà trước Tết. 6.000 cây quế, 1ha keo
Anh Kháng chăm sóc đàn gà trước Tết. 

 

Anh Kháng chia sẻ: “Cách đây 3 tháng, tôi được Trung tâm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật nuôi gà, hỗ trợ gà giống, cám, thuốc phòng dịch. Gia đình tôi áp dụng đúng kỹ thuật nuôi gà thả vườn: thức ăn cho gà chủ yếu là lúa, bắp và hoặc cây chuối băm nhỏ. Gà được nuôi trong một khu vườn rộng. Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, vệ sinh.

 

Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt và khi gà đẻ tôi lại cho ấp để nhân đàn. Hiện nay, tôi đã có 10 con gà đẻ và trên 50 con gà thịt. Từ nuôi gà, gia đình đã có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Vụ keo, vụ quế, Tết này thu nhập cao hơn mọi năm, có tiền nuôi hai con ăn học, sang năm thì sửa sang lại ngôi nhà”, anh Kháng vui mừng. 

 

"Kết quả đổi thay rõ rệt này là nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước”, cụ Hồ Thị Đợi (75 tuổi), một trong những già làng ở thôn 2 khẳng định. Trước đó, người dân nghèo lắm, chỉ canh tác có mì, đậu xanh và trồng lúa. Khi tỉnh quy hoạch rừng sản xuất giao cho dân, cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân đã phát triển được rừng. Từ rừng người dân đã có của ăn của để. 

 

Nhiều ngôi nhà khang trang được hoàn thành để đón xuân
Nhiều ngôi nhà khang trang được hoàn thành để đón xuân

 

Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Vàng tâm sự: “Những năm gần đây, nhờ chính sách khuyến khích trồng rừng, thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con nhân dân thôn 2 đã tích cực hưởng ứng, thay đổi tư duy nhờ vậy mà kinh tế của bà con ngày càng khá hơn. Bà con đã vươn lên, vượt khó, thoát nghèo từ rừng, lấy rừng, chăn nuôi làm cần câu thay đổi cuộc sống đói nghèo trước kia”. 

 

Tuy là thôn xa nhất của xã Trà Thủy nhưng bà con nơi đây đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới thông qua các phong trào xóa đỏi giảm nghèo. Cái khó khăn, nghèo đói đã dần đươc thay bằng cuộc sống mới no đủ và văn minh hơn. Trưởng thôn 2, xã Trà Thủy Hồ Văn Hùng vui mừng về những thành quả đạt được khi đồng bào không ngừng phấn đấu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Hiện, toàn thôn có 116 hộ, với 430 nhân khẩu. Năm 2020, số hộ nghèo của thôn giảm 30 hộ. Tổng diện tích rừng keo là 300ha, 120ha quế và 10ha lúa rẫy. Đối với đàn vật nuôi, với trên 700 con trâu, lợn và gà ta thả vườn trên 600 con. Các mô hình này được triển khai đã dần tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào Cor trên địa bàn”.

 

Rộn ràng chuẩn bị Tết

 

Dọc con đường bê tông dẫn vào thôn 2, xã Trà Thủy chúng tôi cảm nhận là dường như việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid 19 không hề ảnh hưởng đến việc đón Tết cổ truyền của bà con. Nhà nhà, người người với gương mặt rạng rõ, phấn khởi, tất bật cùng nhạu dọn đẹp đường làng ngõ xóm, quét dọn mồ mã tổ tiên, treo cờ Tổ quốc và trang hoàng cây Nêu để ăn Tết cổ truyền của dân tộc.

 

Cay nêu
Cây Nêu truyền thống là hình ảnh không thể thiêu của đồng bào Cor mỗi dịp Tết đến xuân về. 

 

Khắp mọi nhà trong thôn rộn ràng không khí chào đón xuân mới với việc chuẩn bị trang phục truyền thống, làm thịt lợn,…Niềm vui đón Tết đã xua đi sự lo lắng về diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười của các chị, các mẹ làm rộn rã cả bản làng. Vừa chuẩn bị chuỗi trang sức cườm ngũ sắc truyền thống của đồng bào Cor, bà Hồ Thì Thới (65 tuổi) chia sẻ: “Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo, từ trang phục truyền thống đến lương, thực phẩm đều tươm tất. Khác biệt so với mọi năm, Tết này người dân chúng tôi không tham gia các lễ hội, múa hát truyền thống chào đón năm mới”.  

 

Người phụ nữ Cor chuẩn bị những bộ trang sức truyền thống để đón Tết cổ truyền
Phụ nữ rộn ràng chuẩn bị những bộ trang sức truyền thống của đồng bào Cor để chào đón năm mới

 

Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Vàng cho biết: “Theo phong tục của người đồng bào Cor, dịp Tết Nguyên đán người dân trong làng sẽ tụ họp tại tổ chức giao lưu văn nghệ cồng chiêng, biểu diễn điệu múa kà đáo để chào đón năm mới. Tuy nhiên, để cùng người dân cả nước thực hiện phòng, chống dịch Covid 19, đồng bào Cor tạm dừng mọi lễ hội, hoạt động văn nghệ, thể thao chào đón Tết cổ truyền. 

 

Đêm 30 Tết, người Cor sẽ tiến hành lễ cúng rước ông bà về ăn Tết cổ truyền. Họ chọn vật sống để cúng. Sáng mùng 1 Tết, những người cao tuổi cùng nhau đi chúc tết các gia đình với những lời tốt đẹp và chúc nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe".

 

Tấp nập, sôi động nhất là những ngã chợ Tết cuối năm ở trung tâm thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Những ngày này, có hàng chục chuyến xe chở hàng hóa Tết từ dưới xuôi lên để phục vụ nhu cầu của đồng bào. Ngoại trừ những ché rượu cần vốn là “đặc sản” ở vùng cao này, thì những cây quất, chậu hoa cúc và nhiều loại hoa khác cũng được đưa từ dưới xuôi lên đã tô điểm thêm những gam màu sặc sỡ cho không khí chuẩn bị đón xuân mới Tân Sửu của đồng bào nơi đây.

 

Xong xuôi việc nương rẫy là bà con trong thôn rủ nhau xuống sắm đồ vui Tết; những đứa nhỏ được mẹ chọn mua áo quần, giày dép mới. Hình ảnh bà con mang theo sản phẩm là buồng chuối hay bầy gà tự mình nuôi nấng chăm sóc xuống chợ để bán cho thấy đồng bào đang dần thoát qua cuộc sống “tự sản tự tiêu” trước đây để hội nhập với thị trường, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cao.

 

fff
Người dân đổ về chợ trung tâm huyện mua sắm để đón Tết cổ truyền 

 

Rời thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) chúng tôi cảm nhận một không khí ấm áp, vui tươi của mùa xuân mới đang ùa về nơi này. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với mỗi người dân thôn 2 đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi bởi những gì mà họ đã đạt được. Sự vui mừng hiện diện trên từng khuôn mặt, nụ cười, niềm tin bởi nơi đây mùa xuân đang đến, đó là sự ấm no, hạnh phúc đang lan tỏa, một mùa xuân ấm áp đang tràn ngập khắp bản làng như tín hiệu cho sự đổi thay từng ngày của người dân "vùng đất quế" hôm nay. 

Bài, ảnh: Thủy Tiên

 

.