(Báo Quảng Ngãi)- Tết đang gõ cửa từng nhà. Niềm vui như được nhân lên khi hàng trăm người nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh được an tâm đón Tết cổ truyền của dân tộc trong những ngôi nhà mới vững chãi, sạch đẹp.
[links()]
Niềm vui ấy có được nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm trong khắp cả nước và sự cố gắng của chính mỗi gia đình.
Những ngôi nhà nghĩa tình
Gần 2 tháng kể từ ngày cơn bão số 9 đổ bộ, không khí Tết bắt đầu len lỏi nơi góc phố với mùi bánh mứt thoang thoảng. Chúng tôi ghé thăm anh Lê Minh Đợi tại thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn). Anh Đợi làm thuê cho một xưởng sơn còn chị Thu (vợ anh Đợi) làm công nhân trong công ty dệt. Sau 10 năm lấy nhau, đến năm 2017 hai vợ chồng quyết định dùng số tiền dành dụm bấy lâu rồi vay mượn thêm người thân làm ngôi nhà để hai con có chỗ học hành, sinh hoạt.
Những tưởng hai vợ chồng cố gắng thì sẽ sớm ngày trả hết nợ, sống yên vui trong ngôi nhà mới thì chị Thu phát hiện mình bị u não trong một lần đi khám. Tiền ăn, tiền học cho con, tiền trả nợ xây nhà nay còn thêm tiền chạy chữa làm kinh tế nhà anh Đợi ngày một eo hẹp. Khó khăn với anh chị chưa dừng lại ở đó khi ngôi nhà cấp 4 vay mượn để sửa chữa còn chưa trả hết nợ đã bị bão số 9 lật tung.
Anh Đợi tâm sự: Trở về từ nhà hàng xóm sau hơn một ngày trú bão nhờ, cả nhà bàng hoàng khi thấy cảnh nhà tan hoang. Lúc ấy tôi như chết lặng, lo lắng không biết từ giờ đến Tết làm sao có chỗ cho các con ở.
Rồi nước mắt người đàn ông này rơi xuống khi nói về tình cảm mà chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm dành cho gia đình mình. Từ đống hoang tàn đổ nát, căn nhà bị bão đánh sập của anh Đợi đã được hỗ trợ xây lại trong thời gian ngắn. Anh Đợi xúc động bộc bạch: “Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, gia đình tôi có được một số tiền để dựng lại ngôi nhà nhỏ, thoát được cảnh “màn trời, chiếu đất”. Hàng xóm cũng chung tay góp sức nhiệt tình, người góp gạch, người phụ khuân vác... Chính vào lúc này, tôi mới thật sự thấu được tinh thần đoàn kết, cái tình cái nghĩa của người Việt ta”.
Chị Nguyễn Thị Thu, ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) trang trí cho ngôi nhà mới để chuẩn bị đón Tết. Ảnh: H.Hoa |
Giữa lúc bế tắc thì mẹ con chị Thu nhận được hơn 60 triệu đồng hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp chị có đủ tiền xây lại ngôi nhà mới.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, bà Trịnh Thị Thủy (76 tuổi) ở thôn Phú Lễ, xã Bình Trung (Bình Sơn) vui mừng cho biết: Vợ chồng tôi già yếu ở trong ngôi nhà cũ, xuống cấp nên mỗi lần mưa bão là rất sợ. Và khi cơn bão số 9 quét qua, ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Do nhà nghèo không có điều kiện làm lại nhà, nên vợ chồng tôi phải che bạt ở tạm trong góc căn nhà đã sập. Sẻ chia với khó khăn của vợ chồng bà Thủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn, tỉnh và các nhà hảo tâm hỗ trợ 102 triệu đồng để làm lại căn nhà mới có diện tích 64m2.
“Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh, các nhà hảo tâm và bà con họ hàng thì không bao giờ vợ chồng tôi có ngôi nhà mới vững chắc để ở. Vậy là Tết này vợ chồng tôi đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang. Tôi cảm ơn các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ vợ chồng tôi xây dựng ngôi nhà mới khang trang, vững chắc”, bà Thủy bộc bạch.
Chị Thu, bà Thủy và anh Đợi là 3 trong số 376 gia đình bị sập và hư hỏng nặng được hỗ trợ xây lại nhà sau bão. Từ nguồn hỗ trợ giúp đỡ của các mạnh thường quân từ khắp mọi miền Tổ quốc, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mà đã có hơn 370 ngôi nhà sập và hư hỏng nặng đã và đang trong quá trình sửa chữa, xây mới để 370 gia đình có thể an cư trong tết Nguyên đán Tân Sửu. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ chia sẻ: Thiên tai đã gây ra thiệt hại quá lớn cho người dân Quảng Ngãi. Người mất trắng vụ mùa, người không còn cả nơi che mưa, che nắng. Chính vì vậy, sự đồng hành của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ giúp hàng trăm gia đình vượt qua khó khăn,để cùng nhau đón Tết yên vui trong vòng tay ấm áp của cộng đồng.
Ấm lòng người dân vùng sạt lở
Chúng tôi về thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây), nơi bị sạt lở nặng trong đợt mưa lũ cuối năm 2020 vào những ngày giáp Tết. Trong cái lạnh cuối đông, hoa cúc, mai vàng, anh đào đã lác đác nở trong vườn nhà, trên sườn núi, báo hiệu Tết đã về. Em Đinh Thị Vây, ở khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân khoe: "Áo mới này là của các cô chú mới tặng cháu hôm qua, tới 3 bộ và cả dép nữa. Tết này cháu có quần áo mới đi chơi với bạn rồi". Không chỉ quần áo mới cho trẻ em, đoàn thiện nguyện mà cô bé nói còn tặng chăn và quần áo, khăn ấm cho người già trong làng.
Trao quà Tết cho người dân vùng sạt lở núi ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: T.Nhị |
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua (Sơn Tây) Đinh Minh Tôn cho biết: Đến thời điểm này, toàn bộ 37 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở núi trên địa bàn xã đã nhận được nhiều quà Tết. Ngoài ra, mỗi gia đình còn nhận được từ 3 - 5 triệu đồng tiền mặt. Ban đầu, xã cũng lo lắng là người dân không có nhà, nay lại không có Tết. Nhưng nhờ sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, số hộ dân ở vùng sạt lở Sơn Bua đã có một cái Tết đầy đủ thực sự.
Trong đợt bão số 9 vừa qua, 36 hộ dân ở khu dân cư Làng Tranh Trên, thôn Làng Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) cũng bị sạt lở, lũ ống đe dọa, huyện đã phải di dời khẩn cấp. Hiện khu tái định cư cho các hộ dân này đang được thực hiện. Mặc dù về chỗ ở còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đùm bọc của người dân trong xã, sự quan tâm của chính quyền và sự sẻ chia của xã hội, những khó khăn đã và đang vơi dần. Tính đến nay, 36 hộ dân này đã nhận được nhiều phần quà Tết.
Tết này, 49 hộ dân ở khu tái định cư thôn Gỗ, xã Trà Thanh (Trà Bồng) được an tâm đón Tết trong nhà mới. Ảnh: H.Hoa |
Ông Hồ Văn Khuyên, một trong số hàng chục hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết ở thôn Gỗ, không giấu được niềm vui, hạnh phúc. Ông Khuyên chia sẻ: “Bao nhiêu năm ở nhà cũ cứ lo sợ mãi, lỡ bị lũ cuốn mất nhà thì chỗ đâu mà ở. May nhờ Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây nhà mới, kiên cố để đón cái Tết. Mừng lắm! Vậy là từ nay không phải lo chuyện nhà cửa nữa, gia đình tôi sẽ chăm chỉ, tập trung làm ăn để sớm thoát nghèo”.
Cũng như ông Khuyên, ông Hồ Văn Luyến (xã Trà Thanh) thuộc diện hộ nghèo, nên cuộc sống rất khó khăn. Việc lo cho cái ăn, cái mặc hằng ngày đã khó, nên việc xây nhà mới là cả một ước mơ đối với gia đình ông. Chính vì vậy, ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng từ Qũy Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã giúp gia đình ông thực hiện được ước mơ có nhà ở an toàn, vững chãi. “Ngày trước sống trên núi cao, mỗi khi đến mùa mưa bão là sợ lắm. Bây giờ xuống đây an toàn rồi. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân để chúng tôi có nhà ở chắc chắn. Tết này vui hơn rồi”, ông Khuyên phấn khởi bày tỏ.
Tết đến, Xuân về, dù cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan, nhưng nhà nhà, người người ở thôn Gỗ, xã Trà Thanh vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc yên vui, an toàn với heo, gà, bánh trái... Mọi người ai nấy đều phấn khởi, người già, trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới truyền thống của dân tộc để chuẩn bị đón chào năm mới. Một cuộc sống mới đang bắt đầu, một sức sống mới đang về trên vùng cao còn nhiều gian khó này.
H.HOA - B.SƠN-
T.NHỊ - T.NHÀN