(Báo Quảng Ngãi)- Qua hai đợt dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên. Tuy vậy, một số nhóm ngành vẫn có sự phát triển tốt. Đặc biệt, ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhiều DN bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại, để ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển sau đại dịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gần 4.500 cơ hội việc làm
Bên cạnh các DN bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 phải cắt giảm lao động (LĐ), giờ làm hay các chế độ phúc lợi, một số ngành nghề trước đây có nhu cầu tuyển dụng lớn như giày da, dịch vụ du lịch... nhưng hiện tại gần như “đóng băng”, thì vẫn có nhiều DN phát triển khá tốt do “đầu ra” và “đầu vào” của sản phẩm ít hoặc không chịu tác động của dịch bệnh như may mặc, cơ khí... Do vậy, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng LĐ của một số ngành nghề đã tăng trở lại, mở ra cơ hội việc làm cho người LĐ.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Chị Nguyễn Thị Thu Phúc (35 tuổi), ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) trước đây làm ở một công ty giày da thuộc KCN VSIP Quảng Ngãi. Theo chị Phúc, từ khi xuất hiện dịch, tình hình kinh doanh của công ty rất khó khăn, một số công nhân được cho nghỉ tạm thời, số còn lại đều phải giảm lương để duy trì công việc. “Tuy công ty vẫn đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân, nhưng tôi đang nuôi con nhỏ nên quyết định nghỉ việc”, chị Phúc cho biết. Do đó, chị Phúc đã tìm đến sàn giao dịch việc làm để tìm công việc mới.
Ngay tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 5 - năm 2020, sàn giao dịch đầu tiên sau khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 được kiểm soát, được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã thu hút 45 đơn vị, DN trong các lĩnh vực như: May mặc, cơ khí, nội thất, xây dựng... tham gia đăng ký tuyển dụng, với số lượng 4.394 LĐ.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại DN sau đại dịch, ngay trong phiên giao dịch việc làm này, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã đăng ký tuyển dụng 1.290 LĐ. Trong đó, tuyển dụng LĐ có tay nghề khoảng 1.000 người, LĐ phổ thông 300 người, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. Đối với LĐ phổ thông sẽ được DN đào tạo nghề và bố trí việc làm ngay sau kết thúc lớp đào tạo. Nhân viên nhân sự của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Đặng Hữu Trường cho biết: “Hiện công ty đang cần LĐ phục vụ nhu cầu sản xuất của nhà máy trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 sắp tới nên chúng tôi đang nỗ lực tuyển thêm LĐ”.
Trong khi đó, Công ty TNHH Millennium Furniture (KCN VSIP Quảng Ngãi) cũng thông báo tuyển dụng trên 1.000 LĐ ngành nghề bọc nệm ghế sofa, với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Đại diện Phòng Nhân sự công ty cho biết, do dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất nên sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, công ty tiếp tục tuyển thêm LĐ. Để kịp tiến độ các đơn hàng, công ty vẫn ưu tiên tuyển LĐ có kinh nghiệm, song với những LĐ chưa có kinh nghiệm, công ty vẫn tuyển và có các khóa đào tạo, bố trí sắp xếp nhân sự cho phù hợp với các vị trí.
“Để giúp người lao động (LĐ) tìm được việc làm sau đại dịch, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức lại các sàn giao dịch việc làm và tăng cường kết nối người LĐ với DN bằng nhiều hình thức. Qua đó, tạo cơ hội việc làm cho người LĐ mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người LĐ. Hỗ trợ các DN tuyển LĐ thuận lợi, khôi phục, ổn định lại sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh".
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
LƯƠNG KIM SƠN
|
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động
Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Võ Duy Yên cho biết: Những năm trước, thời điểm này là cao điểm sản xuất nên các DN có nhu cầu tuyển LĐ rất lớn. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này của DN chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Dù số lượng DN tuyển dụng không nhiều như trước đây, nhưng việc mở sàn giao dịch việc làm sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để người lao động đã nghỉ việc tại các DN ngừng sản xuất vì dịch bệnh tìm được công việc mới, có nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.
Cán bộ nhân sự Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tư vấn cho người lao động về các vị trí tuyển dụng. |
Chỉ riêng tại sàn giao dịch việc làm lần này, đã có khoảng hơn 500 lượt LĐ có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm đã đến tham gia, trong đó có khoảng 80% là LĐ mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các DN đã tiếp nhận trên 300 hồ sơ đăng ký.
Ông Yên nhận định, tình hình tuyển dụng LĐ sẽ khởi sắc hơn khi các DN tái khởi động sản xuất trong thời gian tới. Theo khảo sát của Trung tâm DVVL tỉnh, trong quý IV/2020, các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng LĐ với chỉ tiêu khoảng gần 10.000 việc làm. Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân sản xuất, kỹ sư cơ khí, chế tạo, may mặc... nhu cầu tuyển dụng khá đa dạng. Trung tâm DVVL tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng của các DN bằng cách đăng thông tin trên các trang điện tử, giúp người LĐ tìm kiếm việc làm phù hợp.
Không chỉ vậy, nhiều DN trong tỉnh cũng thành lập các trang thông tin điện tử nhằm tiếp nhận hồ sơ của người LĐ một cách nhanh nhất. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, người LĐ có thể tham gia phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng. Thay vì chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, ứng viên chỉ cần chụp hồ sơ gửi đến hòm thư điện tử của nhà tuyển dụng.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang thực hiện nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành website "Việc làm quốc gia". Theo đó, website sẽ kết nối sàn giao dịch việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, hướng dẫn người LĐ lựa chọn ngành nghề, trường nghề... của tất cả tỉnh, thành trên cả nước để có thể thích ứng với bối cảnh hiện nay. Đây sẽ trở thành một kênh thông tin hữu ích dành cho người LĐ cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: VŨ YẾN