(Báo Quảng Ngãi)- Khu du lịch biển Mỹ Khê, tại xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) là địa điểm thu hút rất đông khách đến tắm biển, dạo chơi, ăn uống... Song, công tác quản lý tại đây hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Là thành viên của Ban Quản lý Khu du lịch (BQL KDL) Mỹ Khê, anh Phạm Thanh Trí (1982) đã gắn bó với các công việc đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, cứu nạn cứu hộ... suốt 15 năm qua, kể từ khi BQL được thành lập. Hằng ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 19 giờ, 6 thành viên của BQL chia làm 3 tổ, mỗi tổ gồm 2 người thực hiện các công việc như: Tổ trật tự có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, nhắc nhở các hộ kinh doanh không chèo kéo khách, người dân không đậu đỗ xe ở lòng, lề đường.
Bãi biển Mỹ Khê là nơi thu hút rất đông du khách đến tắm biển, vui chơi, ăn uống. ẢNH: B.HÒA |
Để gìn giữ vệ sinh môi trường tại khu vực bãi biển, hai thành viên trong tổ vệ sinh môi trường có trách nhiệm dọn vệ sinh toàn bộ khu vực bãi biển từ nhà hàng Phố Biển đến nhà hàng Thùy Dương, quản lý các thùng rác công cộng và nhắc nhở các hộ kinh doanh và du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Còn với tổ cứu nạn cứu hộ, thường xuyên theo dõi du khách tắm biển để đảm bảo an toàn, cắm biển báo hiệu khu vực nguy hiểm và thông báo thời tiết xấu, thời gian tắm biển để du khách biết. Còn từ 19 giờ đêm đến 5 giờ sáng, mỗi tổ luân phiên trực một đêm tại vọng gác kể cả mùa mưa bão.
“Các hộ kinh doanh nằm ở phía tây đường ven biển không có nơi để xe cho khách đến ăn uống, tắm biển nên nhiều xe đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Chưa kể, về đêm, rất nhiều thanh niên tụ tập, xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường, chưa kể còn đập vỏ chai thủy tinh bỏ ra lòng đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia cho giao thông”, anh Trí cho hay. Ngoài ra, lượng rác do du khách xả ra, cộng với đây là khu vực biển bãi ngang nên lượng rác từ các nơi tấp vào khá nhiều. Trong khi đó, các thành viên BQL chỉ có những dụng cụ thô sơ để nhặt và vận chuyển rác.
Trước đây, tại biển Mỹ Khê có hệ thống phao tiêu, cờ chỉ giới, biển báo hiệu vùng an toàn và khu vực nguy hiểm. Nhưng theo thời gian, hệ thống phao tiêu bị hư hỏng, trong khi đây là khu vực bãi biển rộng, lực lượng lại mỏng, nên khó quan sát hết du khách tắm biển. Trong thời gian qua, các thành viên trong BQL KDL Mỹ Khê đã trực tiếp cứu sống nhiều trường hợp tắm biển bị đuối nước. Song, đến nay dụng cụ cứu nạn cứu hộ của các thành viên chỉ có áo phao rồi tự bơi ra cứu, mà chưa được trang bị các phương tiện chuyên dụng như ca nô, ống nhòm, nhằm đảm bảo và nâng cao công tác cứu nạn, cứu hộ.
“Công việc của BQL phải duy trì xuyên suốt 24/24 giờ tại bãi biển. Vào mùa hè, nhất là các ngày cuối tuần, nghỉ lễ, biển Mỹ Khê đông khách cả vào sáng sớm lẫn chiều tối. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi để kịp thời quan sát du khách tắm biển, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu vực bãi biển”, anh Phan Quốc Dũng, một thành viên BQL cho biết.
“Công việc mà BQL KDL Mỹ Khê đảm nhận khá lớn, nhưng kể từ ngày 1.1.2019, chúng tôi phải dừng chi hợp đồng lao động theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, vì đặc thù của công việc, nên vẫn duy trì hoạt động của BQL, thế nhưng không có cơ sở để chi trả lương cho các thành viên BQL. Do đó, các cấp có thẩm quyền sớm có phương án quản lý và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quản lý tại khu vực bãi biển Mỹ Khê, góp phần đảm bảo an toàn cho du khách, gìn giữ an ninh trật tự và môi trường khu vực bãi biển”, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Nguyễn Chí Cường kiến nghị.
HUỲNH THẢO