Ấm lòng mâm cơm cúng giỗ liệt sĩ

09:09, 28/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Hòa (Mộ Đức), các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ lại cùng nhau sửa soạn mâm cơm cho ngày giỗ chung của gần 600 liệt sĩ, trong đó có 67 liệt sĩ chưa xác định được tên, tuổi, quê quán thuộc các đơn vị: Sư 2 Sao Vàng, Lữ 52, Trinh sát 83...
Những tình cảm tốt đẹp của những cựu chiến binh, người dân cùng góp sức làm mâm cơm cúng giỗ anh linh các Anh hùng liệt sĩ thể hiện đạo lý, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta và làm ấm lòng thân nhân của các liệt sĩ.
 
Tưởng nhớ và tri ân
 
Cũng như mọi năm, năm nay Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội xã Đức Hòa lại tề tựu để chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ đồng đội và các liệt sĩ. Mọi người có mặt từ rất sớm tại Nghĩa trang liệt sĩ xã để chuẩn bị mâm cơm cúng liệt sĩ. Bà Lê Thị Thủy, ở thôn Phước Xã, xã Đức Hòa tranh thủ thời gian đến sớm để cùng mọi người dọn dẹp nghĩa trang, sửa soạn đồ cúng để tưởng nhớ người cha ruột và 3 anh trai cùng các đồng chí, đồng đội là liệt sĩ yên nghỉ tại đây.  
 
Thân nhân các liệt sĩ thắp hương cho người thân và đồng đội của mình hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Thân nhân các liệt sĩ thắp hương cho người thân và đồng đội của mình hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
 
"Tôi và các anh theo cha hoạt động du kích địa phương, cùng cha bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng ở gia đình và liên lạc cho bộ đội. Dù khó khăn, gian khổ, nhưng anh em vẫn một lòng gan dạ phục vụ cách mạng để quê hương, đất nước sớm được hòa bình, độc lập. Trong 4 năm, từ năm 1969 đến năm 1972, cả 3 anh trai và cha tôi lần lượt hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước", bà Thủy bùi ngùi.
 
Còn ông Huỳnh Thanh Vân, thành viên Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội xã Đức Hòa, cứ đến ngày 27.7 lại ngậm ngùi rơi nước mắt vì nhớ thương đồng đội. Ông Vân xúc động bày tỏ: Trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, không ít lần tôi chứng kiến sự ra đi của đồng đội. Nay anh em chúng tôi, người thì góp tiền, người thì góp nhu yếu phẩm để làm mâm cơm như ngày giỗ chung cho các đồng đội đã hy sinh đang nằm tại nghĩa trang liệt sĩ này”.  
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng bên bia tưởng niệm ghi tên chồng, con mình.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng bên bia tưởng niệm ghi tên chồng, con mình.
Đặc biệt, Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng có chồng và 4 người con trai hy sinh. Ngày 10.5.1970, mẹ Lùng và gia đình nhận được tin người con trai thứ ba của mẹ là Võ Bé hy sinh. Chỉ 17 ngày sau, người con trai thứ tư Võ Tư cũng hy sinh trong một trận phục kích đánh địch. Sau chiến tranh, Mẹ Lùng sống cùng người con gái út Võ Thị Bảy.
 
Đến dự lễ giỗ các liệt sĩ, Mẹ Lùng cố giấu những giọt nước mắt vào trong để đi đến từng ngôi mộ thắp nén hương cho chồng, 4 người con cùng đồng đội của chồng, con đang yên nghỉ tại đây. “Đã 10 năm nay, năm nào Mẹ cùng cô con gái út cũng tham dự lễ cúng giỗ liệt sĩ do Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội tổ chức. Thấy các con, các cháu làm lễ chu đáo, trang trọng nên mẹ cảm thấy ấm lòng", Mẹ Lùng nghẹn ngào.
"Mâm cơm cúng giỗ đồng đội của Ban liên lạc nghĩa tình đồng đội xã Đức Hòa không ngoài mục đích tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Qua hoạt động này, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ về việc tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn để xây dựng và bảo vệ quê hương". 
 
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Hòa NGUYỄN TẤN TIẾN  
Giỗ chung các liệt sĩ
 
Bà Ngô Thị Thanh Mỹ, Trưởng Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội xã Đức Hòa, cho hay: Lễ giỗ các liệt sĩ được tổ chức từ năm 2010 đến nay. Các thương binh, cán bộ hưu trí mỗi người đóng góp một ít kinh phí, bởi các anh em đời sống còn nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi có tiền trợ cấp chế độ chính sách, tiền có được từ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cuộc sống cũng tạm ổn, vì vậy trích một ít thu nhập để góp cùng anh em tổ chức giỗ cho đồng đội. Ban đầu, mâm cơm cúng giỗ đơn sơ, giờ thì tươm tất hơn. Từ việc tổ chức vài bàn tiệc, sau cúng giỗ mời thân nhân các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, đến nay đã có nhiều người dân cùng tham gia.  
 
Các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ trước mâm cơm cúng giỗ các liệt sĩ.
Các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ trước mâm cơm cúng giỗ các liệt sĩ.
Điều đáng quý ở đây là tấm lòng, là biểu hiện sinh động cho truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. "Trong số các đồng chí yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã có nhiều đồng chí quê miền Bắc, ở tuổi mười tám đôi mươi, các anh vào Nam chiến đấu và hy sinh. Năm nào cũng vậy, gặp lại nhau trong lễ giỗ liệt sĩ, chúng tôi lại cùng nhau ôn lại ký ức của một thời hào hùng và nhớ thương đồng đội", bà Mỹ trải lòng.
 
Ông Trần Độ, một nông dân sản xuất giỏi của xã Đức Hòa đã nhiệt tình ủng hộ kinh phí tổ chức lễ giỗ từ năm 2012 đến nay, tâm sự: Thấy Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội tổ chức cúng giỗ liệt sĩ rất ý nghĩa, nên tôi xin được đóng góp chút ít để thể hiện tấm lòng tri ân. Gia đình tôi và tất cả mọi người có được cuộc sống ấm no, hòa bình như ngày hôm nay là nhờ sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. 
 
Còn Bí thư Xã đoàn Đức Hòa Huỳnh Huy Thành thì bộc bạch: Hằng năm, chứng kiến việc các cô, các chú tổ chức lễ cúng giỗ các liệt sĩ khiến chúng tôi thêm cảm phục nghĩa tình của các cô, các chú đối với đồng đội của mình đã hy sinh. Với trách nhiệm của tuổi trẻ, chúng tôi nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm đáp đền những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Hằng năm, đoàn thanh niên xã luôn chú trọng tổ chức các hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên dọn dẹp vệ sinh, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ...
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN
 

.