(Báo Quảng Ngãi)- Khánh Giang - Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) là mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Sau giải phóng, người dân nơi đây đã nỗ lực xây dựng đời sống ấm no và xã nông thôn mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ quá khứ đau thương...
Hai bên đường về Khánh Giang - Trường Lệ ngập tràn sắc hoa. Nhờ đó, cái nắng hanh hao của những ngày tháng Tư lịch sử dường như dịu hẳn. Bên di tích lịch sử quốc gia ghi dấu cuộc thảm sát 63 thường dân vô tội, sắc tím bằng lăng, sắc vàng hoa cúc cũng nở rộ như muốn xoa dịu nỗi đau năm xưa để hướng về cuộc sống mới.
Đường về Khánh Giang- Trường Lệ ngập tràn sắc hoa hai bên vệ đường. |
Bà Phạm Thị Tây, dân tộc Hrê là một trong những nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát, giờ tóc đã hoa râm. Vượt lên đau thương khi chứng kiến 3 người thân đã mất trong vụ thảm sát, bà xây dựng gia đình, nỗ lực phát triển kinh tế, chăm lo các con ăn học chu đáo.
“Những năm qua, nhờ Đảng và Nhà nước đầu tư đường sá, nước sạch, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế, hỗ trợ vốn vay... nên gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, cùng với phát triển kinh tế chăn nuôi, tôi trồng cây ăn quả để ổn định cuộc sống”, bà Tây cho hay.
Còn với ông Dương Văn Xu, có 5 người thân chết trong vụ thảm sát cách đây hơn nửa thế kỷ. Những năm qua, ông tình nguyện đảm nhận giữ gìn, lo hương khói, bảo vệ khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ.
“Chiến tranh qua lâu rồi nhưng vết sẹo vẫn còn. Tôi luôn nhắc nhở con cháu hôm nay nỗ lực vươn lên phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, hướng đến tương lai”, ông Xu bộc bạch. Hiện nay trong số các con của ông Xu, có người là chủ doanh nghiệp tư nhân, làm ăn khá ở địa phương.
Đi lên từ gian khó, Khánh Giang - Trường Lệ nói riêng và Hành Tín Đông nói chung đã nỗ lực xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới vào năm 2016. Mỗi gia đình đã góp sức xây dựng đường bê tông sạch đẹp, khang trang. Toàn xã chỉ có 5 doanh nghiệp, thì ở thôn Trường Lệ đã có 3 doanh nghiệp trẻ với nhiều phương thức kinh doanh hiệu quả, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công cho biết: Thôn Trường Lệ có 176 hộ, với gần 700 nhân khẩu, trong đó có gần 120 hộ là đồng bào Hrê. Nếu trước đây Khánh Giang - Trường Lệ thuộc thôn đặc biệt khó khăn, thì hiện nay đời sống của người dân đã từng bước ổn định. Đồng bào đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước nâng cao.
...đến xây dựng nông thôn mới nâng cao
Để từng bước đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, chính quyền địa phương đã xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở Xuân Hòa và Nhơn Lập; tập trung phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như cây ăn quả và phát triển kinh tế vườn- rừng để nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện toàn xã có hơn chục mô hình kinh tế gia trại, vườn rừng kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Trần Quốc Vương, một trong những người tiên phong phát triển mô hình kinh tế gia trại, chia sẻ: “Tận dụng lợi thế đất đồi, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi gà thả vườn và trồng cây ăn quả. Với mô hình này mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Ở Khánh Giang - Trường Lệ có rừng tự nhiên Núi Lớn. Tận dụng lợi thế này một doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch sinh thái Suối Chí, thu hút khá đông du khách.
Ông Đào Thanh Công cho biết thêm, xã đang tập trung tuyên truyền và huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: KIM NGÂN